Tác phẩm được giải thưởng “vào tầm ngắm”?
Nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương, nguyên Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, vừa nhận giải thưởng Tác giả xuất sắc nhất của Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2021 với kịch bản Điều còn lại. Nhà hát Kịch Việt Nam cũng nhận giải Vàng cho vở diễn xuất sắc nhất Điều còn lại, nữ chính của vở - NSƯT Phương Nga đoạt giải vàng cho diễn viên. Tuy nhiên, vở lại có khả năng rơi “vào tầm ngắm” của dự luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi đang được Bộ VH-TT-DL lấy ý kiến đến ngày 1.12.
Cảnh trong vở Điều còn lại |
Nhà hát Kịch Việt Nam |
Tại khoản 3 điều 22 dự luật nêu: “Bộ VH-TT-DL có trách nhiệm hướng dẫn thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình trong các hoạt động văn hóa, gia đình, thể thao, du lịch; quy định việc hạn chế hình ảnh diễn viên có hành vi kích động bạo lực gia đình trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình và các trò chơi điện tử”. Trong khi đó, vở diễn Điều còn lại lại có những cảnh bạo lực gia đình. Nhân vật người lính trở về sau chiến tranh đã bất hợp tác với vợ, thường xuyên kiếm chuyện cãi nhau với cô rồi bỏ ra ở riêng, để vợ chìm trong nước mắt. Một dạng bạo lực tinh thần. Về cách thức bạo lực này, ông Chương cho biết: “Cách ứng xử này không thể thay đổi, nhân vật này buộc phải cư xử tệ như thế”.
Quy định tại điều 22 này cũng làm nhớ tới bộ phim nổi tiếng Người đàn bà nghịch cát, tác phẩm đã mang lại cho NSND Minh Châu giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc LHP Việt Nam lần thứ 9 (năm 1990). Đây cũng là một bộ phim có nhiều cảnh bạo lực gia đình: cảnh đánh đập vợ, tra tấn tinh thần vợ, tra tấn tinh thần con cái…
Người ta không vì xem phim mà bắt chước làm theo phim ảnh. Họ gây bạo lực gia đình là do chính họ mà ra.
Nhà biên kịch Chu Thơm cũng cho biết ông từng sáng tác những kịch bản có yếu tố bạo lực gia đình, và là bạo lực tinh thần ở cấp độ rất mạnh. “Tôi kể, có một thằng suốt ngày cứ đi về là lại viết mấy chữ để lên bàn, không nói một câu. Thế mà vợ tự tử. Rồi trong vở Làm đĩ trước đây, có nhân vật bắt vợ viết ra lỗi lầm của mình trên giấy. Chỉ có cái giấy, nó thỉnh thoảng cho vợ xem, chữ cô đây nhé, dấu điểm chỉ của cô đây nhé. Không đánh, không tát. Nhưng cái bạo lực đó còn kinh khủng hơn là đánh đập”, ông cho biết.
Luật đừng nói chung chung
Nhà biên kịch Chu Thơm nói: “Vở diễn nhiều khi nêu những xấu xa để người ta nhận mặt cái ác, nhận mặt được thì mới loại bỏ được cái ác, chẳng hạn để bố mẹ có thể hiểu chì chiết con cái còn kinh khủng hơn roi vọt. Theo tôi là không cấm hay hạn chế cảnh bạo lực gia đình trên sân khấu. Phải nhìn thấy cái xấu xa để mà tránh”. Ông so sánh, nhiều phim Mỹ, Hàn Quốc có cảnh bạo lực gia đình mà không phải cắt bỏ. Nó không phải chuyện cổ súy mà là nhận dạng để chống.
Cảnh trong phim Người đàn bà nghịch cát |
chụp màn hình |
Bà Lý Phương Dung, Phó cục trưởng Cục Điện ảnh, cho rằng các tác phẩm văn học nghệ thuật phản ánh đời sống qua lăng kính nghệ sĩ. Họ có thể thể hiện về bạo lực gia đình trên tinh thần phản ánh nhằm mục đích cảnh báo hoặc lên án, hoặc phê phán. Họ có thể xử lý tình huống như vậy để đạt hiệu quả tuyên truyền. Tuy nhiên, các nghệ sĩ có những cách thể hiện khác nhau dựa trên năng lực của họ. Nhà quản lý với năng lực thẩm định của mình sẽ có ý kiến tùy từng trường hợp cụ thể.
Ông Nguyễn Đăng Chương cho rằng cũng không cần lo lắng người trẻ xem nhiều cảnh bạo lực gia đình thì sẽ cư xử theo như vậy. “Đa số người ta thấy đấy là phản cảm. Chỉ có một số ít người coi bạo lực gia đình là bình thường. Người ta không vì xem phim mà bắt chước làm theo phim ảnh. Họ gây bạo lực gia đình là do chính họ mà ra”, ông nói.
Về điều 22, ông Chương cho rằng đầu tiên phải làm rõ được khái niệm bạo lực gia đình, hạn chế hành vi kích động bạo lực gia đình… “Phải đặt được tên nó. Cũng như mình nói chuyện thuần phong mỹ tục, không xâm hại thuần phong mỹ tục, thì thuần phong mỹ tục ở đây là gì. Điều khó khăn nhất của những người làm luật hiện nay là chưa khái quát được những khái niệm đưa ra, mà nói chung chung. Cho nên phải làm rõ khái niệm. Dùng từ hạn chế theo tôi thấy là được rồi, còn hành vi thế nào thì phải làm rõ khái niệm”, ông Chương nhận định.
Vụ trưởng Vụ Gia đình Trần Thị Tuyết Ánh cho biết đơn vị của bà là nơi soạn thảo dự luật này. Về điều khoản hạn chế diễn viên có hành vi kích động bạo lực gia đình, bà Ánh cho biết: “Luật đang dự thảo, khi nào chính thức thì Bộ VH-TT-DL sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan để xây dựng những nội dung cụ thể, như thế nào là hạn chế, thế nào là hành vi kích động bạo lực gia đình. Ví dụ hành vi nào trong điện ảnh, hành vi nào trong sân khấu. Đưa ra để nhằm mục đích hạn chế. Nếu ai thấy có ý kiến, khó khăn gì thì gửi lên cổng thông tin của Bộ để chúng tôi tổng hợp sau”.
Bình luận (0)