Trẻ cần người lớn quan tâm, để ý
Ngày 8.9, bác sĩ Nguyễn Trọng Dũng, Khoa Hồi sức cấp cứu nội - Bệnh viện Nhi T.Ư, cho biết mới đây nhất bé trai 7 tuổi ở Lào Cai đi chơi cùng gia đình đã tử vong do đuối nước. Trước khi được chuyển đến Bệnh viện Nhi T.Ư cấp cứu, cháu đi nghỉ cùng gia đình và ở tại một resort. Trong lúc chờ người lớn gửi xe, cháu đến gần hồ bơi chơi. Khi người nhà quay lại thì phát hiện cháu đã ngã xuống hồ.
Sau khi được đưa lên bờ và cấp cứu tại Bệnh viện Nhi T.Ư, mặc dù tim đã đập lại sau 40 phút ép tim, nhưng bé trai vẫn không qua khỏi do trước đó chìm trong nước khá lâu, khoảng 20 phút; hô hấp, tuần hoàn, não đều không thể hồi phục.
Trước đó, ngày 2.9, có 3 trẻ từ 7 - 9 tuổi cùng bị đuối nước, được đưa vào Bệnh viện Nhi T.Ư cấp cứu. Trong đó, hai bé 7 và 9 tuổi là chị em ruột, cháu bé còn lại 8 tuổi, là con các gia đình cùng tổ chức đi chơi ngày lễ. Trong lúc vui chơi, khi người lớn không để ý, cả ba cháu bé bị ngã xuống hồ.
Sau khi được phát hiện, đưa lên bờ, các cháu được chuyển đến Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội), điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu. Tuy nhiên, do bị chìm lâu dưới nước, khi vào viện, cháu bé 8 tuổi đã tử vong. Cháu bé 9 tuổi tử vong sau đó một ngày (hôm 3.9). Cháu bé 7 tuổi do tình trạng quá nặng nên gia đình xin đưa về bệnh viện địa phương, cũng tử vong sau đó, hôm 6.9.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Dũng lưu ý nhiều trẻ em đuối nước do người lớn sơ suất, mải trò chuyện, sử dụng điện thoại hoặc làm các công việc khác, xao nhãng, thiếu quan sát, không kịp ngăn chặn hoặc tiếp cận trẻ đuối nước.
“Trẻ con rất hiếu động, thấy nước thường lội xuống, hoặc cũng có thể bị ngã mà không được phát hiện kịp thời để đưa lên bờ. Do đó, để tránh cho trẻ bị đuối nước, trước hết người lớn cần rất quan tâm trông nom trẻ”, bác sĩ Dũng nói.
Sơ cứu trẻ đuối nước
Bác sĩ Dũng cũng chia sẻ nếu không may bị ngã xuống hồ bơi, hồ nước, trẻ cần được nhanh chóng đưa lên bờ và sơ cứu đúng cách. Như trường hợp của cháu trai 13 tuổi ở Hà Nội mới đây, không may bị ngã xuống đầm sen trong lúc đi chơi cùng các bạn, may mắn được đưa lên bờ sớm, sơ cứu đúng và chuyển ngay đến Bệnh viện Nhi T.Ư. Hiện cháu đã cai được máy thở và tỉnh táo.
“Nếu bị ngạt nước, chỉ trong vòng 3 - 5 phút đã gây mất não (chết não) do não bị thiếu ô xy. Do đó, ngay khi đưa lên bờ, cần đặt trẻ bị đuối nước nằm ngửa trên mặt phẳng cứng, nhanh chóng quan sát lấy các dị vật trong mũi, miệng (nếu có) và tiến hành hà hơi thổi ngạt, ép tim ngoài lồng ngực”, bác sĩ Dũng hướng dẫn.
Để sơ cứu trẻ đuối nước, nếu có hai người, một người hà hơi thổi ngạt, một người ép tim. Nếu có một người, thực hiện thổi ngạt 2 nhịp, hà hơi 2 nhịp và ép tim 5 nhịp. “Thực hiện ép tim tại vị trí: 1/2 dưới xương ức, chứ không phải là ép tim phía bên ngực trái”, bác sĩ Dũng lưu ý.
“Ép tim là chìa khóa vàng khi sơ cứu, tăng cơ hội sống cho trẻ. Khi tiếp cận, đưa được trẻ lên bờ, cần thực hiện sơ cứu ngay, không được vác trẻ dốc ngược, vì như vậy mất cơ hội vàng để sơ cứu đúng”, bác sĩ Dũng nhấn mạnh.
Bình luận (0)