Chuyên gia độc lập Nguyễn Hữu Thiện nói về việc tỉnh An Giang cho lấp hố sâu Vàm Nao với tổng kinh phí thực hiện 47 tỉ đồng từ ngân sách.
Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện
|
Công trình lấp hố xoáy xử lý sạt lở bờ sông Hậu, khu vực Vàm Nao, thuộc tổ 12, ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, H.Chợ Mới do Sở NN-PTNT An Giang làm chủ đầu tư; liên danh Công ty CP xây dựng đê kè và phát triển nông thôn Hải Dương và Công ty CP Facom VN thi công trong thời gian dự kiến 90 ngày.
Sạt lở nhiều hơn
Được biết đây là hố sâu tự nhiên. Có nghĩa là nó tồn tại dựa trên quy luật của tự nhiên, con người can thiệp như vậy có phải là giải pháp khôn ngoan?
Ông Nguyễn Hữu Thiện: Xin nói ngay, đây là một sai lầm nghiêm trọng. Việc lấp hố sâu ở khu vực Vàm Nao sẽ không khắc phục được tình hình sạt lở mà có thể sẽ gây ra sạt lở nhiều hơn.
Ông đã từng đề cập đến hệ thống các hố sâu tự nhiên trên dòng Mê Kông và các hố ở ĐBSCL. Xin ông nói rõ hơn về việc này, tại sao tự nhiên lại sinh ra các hố như vậy và vai trò của nó như thế nào?
Các hố sâu (deep pool) hình thành theo quy luật tự nhiên của sông Mê Kông, đã có từ lâu chứ không phải mới xuất hiện. Ở Vàm Nao, người dân hay bắt được cá hô lớn vài trăm ký ở những hố sâu này. Vào mùa kiệt, các hố sâu là nơi hơn 200 loài cá trên sông Mê Kông, đặc biệt là các loài cá lớn như cá tra dầu và cá hô trú ngụ, tìm mồi và tránh nóng. Theo Báo cáo kỹ thuật số 31 của MRC (Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế) khảo sát năm 2008 thì trên sông Mê Kông có đến 500 hố sâu. Ở Campuchia, riêng đoạn từ Sambor tới biên giới Lào có 95 hố sâu, có nơi sâu đến 80 m; đoạn bên dưới PhnomPenh có hố dài đến 18,5 km. Ở đoạn phía nam Lào có hố sâu đến 90,5 m, rộng 729 ha. Các hố sâu có thể tích từ 29.000 m3 đến 122 triệu m3, phổ biến nhất là 1,55 triệu m3. Ở ĐBSCL có 22 hố sâu từ 13 - 44 m, rộng từ 4 - 95 ha. Tại khu vực Vàm Nao, An Giang và khu vực chợ Bình Thành (Thanh Bình, Đồng Tháp) đều có những hố sâu tự nhiên có từ lâu.
Các hố sâu thường xuất hiện tại các vị trí như: ở nơi đoạn sông cong, nước đạp vào bờ phía lõm tạo hố sâu; bên dưới nơi hợp lưu của 2 dòng; nơi dòng chảy bị cù lao giữa sông tách ra làm hai và hợp lại ở bên dưới; và nơi dòng sông bị thắt nút cổ chai ở 1 bên hoặc 2 bên.
Khi hố sâu gây sạt lở là do có sự mất cân bằng động lực dòng chảy làm hố sâu dịch chuyển vị trí, ăn vào bờ. Các hố sâu này thay đổi theo mùa, vào đầu mùa lũ, tháng 7 - 8 thì cát di chuyển vào hố sâu, lấp khoảng 20 - 30% chiều sâu hố, đến tháng 9 - 10 trở đi thì dòng sông tự nạo vét lấy lượng cát này ra khỏi hố và vận chuyển tiếp đi xuống bên dưới. Nếu lượng cát từ trên xuống không còn nhiều thì sẽ mất cân bằng, hố sâu bị mở rộng và dịch chuyển. Nếu một bên bờ nào đó bờ sông bị lấn nhân tạo thì hố sâu cũng sẽ dịch chuyển sang bờ bên kia.
Thủy sản giảm mạnh
Theo ông thì việc lấp các hố sâu này có giải quyết được sạt lở không?
Việc lấp các hố sâu này là không nên vì các hố sâu có vai trò cân bằng động lực, lấp chỗ này thì dòng sông sẽ tìm chỗ khác để tự cân bằng. Chúng ta biết rằng dòng sông tự nhiên không bao giờ chảy thẳng và đáy cũng không đồng đều bởi vì dòng chảy đi theo địa hình, tìm chỗ trũng mà chảy. Ta hình dung dòng chảy bị giới hạn bởi 4 mặt gồm mặt nước phía trên, 2 vách bờ 2 bên và đáy sông. Với một lượng nước từ trên chảy xuống như nhau, chỗ nào hẹp mà dòng chảy không mở rộng được sang 2 bên thì phải chảy xiết hơn hoặc phải đào xuống đáy để mở rộng lòng chảy.
Ở nơi có hố sâu tự nhiên, tức là dòng chảy đã tự đào xuống, mở rộng lòng chảy để tìm cân bằng. Giả sử ta lấn nhân tạo 1 bên bờ thì dòng chảy sẽ lấn lại bờ bên kia, gây sạt lở bờ kia; còn nếu ta lấn cả 2 bờ thì dòng chảy sẽ đào đáy sông. Nếu ta nâng đáy sông thì dòng chảy sẽ phải ăn vào bờ để tìm cân bằng. Việc lấp
hố sâu ở Vàm Nao là việc nâng đáy sông tự nhiên, làm thu hẹp dòng chảy theo hướng dưới đáy lên, vì vậy dòng chảy sẽ chảy xiết hơn, ăn vào bờ và gây sạt lở nhiều hơn. Hơn nữa, các hố sâu này có vai trò sinh thái. Khi lấp các hố sâu này thì khu vực Vàm Nao sẽ không còn cá hô vài trăm ký nữa và thủy sản tự nhiên cũng sẽ suy giảm vì mất nơi cư trú mùa khô của nhiều loài tôm cá.
Việc này lẽ ra chính quyền nên tham khảo ý kiến nhà khoa học, nhưng nay việc đã tiến hành rồi thì không còn can ngăn được nữa. Có lẽ, mặt tích cực của công trình này là nó làm một chứng nghiệm thực tế, thấy mới tin.
Tỉnh có kinh nghiệm
Trả lời Thanh Niên, ông Lâm Quang Thi, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: Việc lấp hố sâu này được tiến hành dựa trên cơ sở tư vấn của Viện Khoa học thủy lợi VN (Bộ NN-PTNT). Đây là đơn vị được Bộ giao nhiệm vụ khảo sát giúp An Giang xử lý sạt lở ở xã Mỹ Hội Đông. Viện đã khảo sát rồi mới đưa ra giải pháp này cũng như thực hiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đầy đủ vì họ làm theo sự phân công của Bộ. Tôi muốn nói thêm là trước nay việc chống sạt lở xảy ra trên địa bàn tỉnh An Giang chúng tôi cũng có kinh nghiệm là khi tiến hành lấp hố xoáy thì nó bắt đầu ổn định đáy sông và không tiếp tục sạt lở nữa. Việc này đã có nhiều nơi làm rồi như ở H.Châu Phú, ở TP.Long Xuyên có khu vực kè Tỉnh ủy, khu vực P.Bình Đức khi lấp xong thì nó ổn định đáy sông và không sạt lở đường bờ nữa.
Những vấn đề mà chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện đặt ra như: lấp hố sâu tự nhiên làm tăng sạt lở theo quy luật tự nhiên, mất nơi trú ngụ gây ảnh hưởng đến sản lượng thủy sản tự nhiên trong tương lai..., ông Thi giải thích: Cái hố mình lấp là hố sát bờ, nó sâu 20 m. Làm như vậy để ổn định đáy sông ở đường bờ. Còn hố giữa sông có chiều ngang 120 m, dài 380 m, sâu 42 m hiện nay viện cũng đang nghiên cứu để đưa ra giải pháp. Cái hố nó sát bờ cần phải khẩn trương thực hiện không để tiếp tục sạt lở nữa vì phía bên trong là Trường tiểu học A Mỹ Hội Đông. Đây chỉ là giai đoạn 1, còn giải pháp căn cơ hơn sẽ chờ bên viện nghiên cứu tiếp.
|
Bình luận (0)