Cảnh báo việc ồ ạt rút BHXH một lần

09/04/2022 06:48 GMT+7

Những ngày qua, nhiều cơ quan bảo hiểm xã hội ở TP.HCM đang phải chịu áp lực giải quyết hồ sơ bởi số lượng người lao động đến làm thủ tục nhận bảo hiểm xã hội một lần tăng mạnh.

Rút tiền để trang trải cuộc sống khó khăn

Hôm qua 8.4, theo ghi nhận của PV Thanh Niên tại trụ sở Bảo hiểm xã hội (BHXH) Q.Bình Tân, từ tờ mờ sáng, công nhân, người lao động (NLĐ) đã tập trung đông, xếp hàng chờ lấy số để làm hồ sơ rút BHXH một lần.

Người dân chờ đợi làm hồ sơ nhận BHXH một lần tại BHXH Q.Bình Thạnh, TP.HCM

NGỌC DUY

Ẵm con nhỏ đến đây từ sáng sớm, nhưng đến gần trưa cùng ngày, chị P.T.N. (28 tuổi) vẫn đang chờ đợi đến lượt làm thủ tục. Nguyên do chị N. muốn rút số tiền đóng BHXH vì gia đình chị đang có nhu cầu gấp trang trải sinh hoạt.

Chị N. nói tham gia BHXH được 6 năm, dịch Covid-19 khiến gia đình chị lâm vào hoàn cảnh khó khăn. “Giờ lại có con nhỏ nên tôi nghỉ hẳn ở nhà chăm con. Tôi không biết mình rút hết được bao nhiêu tiền, nhưng trước mắt, số tiền này sẽ phụ chồng tôi khi anh đang là lao động chính trong gia đình”, chị N. nói.

Còn ông Đ.N.B (54 tuổi) trong năm qua phải hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp để trang trải cuộc sống. Ông B. kể: “Công ty tôi làm đã giải thể vì không trụ nổi bởi dịch Covid-19. Tôi đi tìm công việc mới, nhưng tuổi tôi cũng đã cao nên ít ai chịu thuê. Tôi biết rút BHXH một lần là thiệt thòi, nhưng tôi là trụ cột trong gia đình, con trai thứ hai của tôi lại sắp vào đại học nên giờ tôi phải ưu tiên chi phí lo cho con trước đã”.

Cùng ngày, tại BHXH Q.Bình Thạnh cũng có rất đông NLĐ đến làm thủ tục hưởng BHXH một lần. Nhà giữ xe kín chỗ, khách tới xếp xe chen chúc nhau vì không có chỗ để.

Anh B.T.B (37 tuổi, Q.Bình Thạnh) kể, gia đình anh 4 người, phải dè sẻn chi phí chi tiêu tối đa nhưng vẫn không đủ tiền trọ. “Đã 2 tháng nay tôi nợ tiền trọ, chủ nhà thúc giục quá. Tôi không còn cách nào để xoay tiền nên đành chọn nhận BHXH một lần”, anh B. tâm sự.

Cũng tại BHXH Q.Bình Thạnh, bà T.A.T (60 tuổi) phải chờ hơn 40 người nữa mới tới lượt làm thủ tục. Bà T. là lao công tự do, tham gia BHXH tự nguyện 10 năm nay. “Biết rằng đóng thêm vài năm nữa là có lương hưu, nhưng giờ tôi không còn khả năng đóng tiếp nên phải rút. Dịch bệnh khó khăn, làm lao công bữa đực bữa cái, cũng chỉ đủ nuôi tôi thôi”, bà T. cho hay.

Vì sao tình trạng nhận BHXH một lần tăng đột biến?

Không chỉ tại BHXH Q.Bình Tân, Q.Bình Thạnh, mà từ đầu tháng 4.2022 đến nay, các cơ quan BHXH khác trên địa bàn TP.HCM, đặc biệt tại các địa phương có đông NLĐ, nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp như TP.Thủ Đức, H.Hóc Môn, H.Củ Chi, H.Bình Chánh, Q.12 là những nơi đang gặp áp lực giải quyết hồ sơ vì lượng người đến làm thủ tục nhận BHXH một lần tăng đột biến.

Bà Nguyễn Thị Minh Hòa, Giám đốc BHXH TP.Thủ Đức, cho biết từ đầu tháng 4 đến nay, trung bình mỗi ngày đơn vị phải giải quyết tới 500 - 600 hồ sơ, trong đó có hồ sơ trực tiếp, hồ sơ qua giao dịch điện tử. “Theo quy định, NLĐ tham gia BHXH bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH thì được nhận BHXH một lần. Nếu tính từ tháng 4.2021, thời điểm TP.HCM bùng đợt dịch lần thứ 4, chuẩn bị giãn cách xã hội, một số lượng lớn người dân rời khỏi thị trường lao động, thì đến nay cũng đã một năm”, bà Hòa nói.

Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP.HCM, cho hay trong tháng 3, có hơn 12.000 người nhận trợ cấp BHXH một lần. Tính lũy kế từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 3.2022, con số này đã lên tới khoảng 37.000 người, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo ông Mến, NLĐ nhận BHXH một lần có xu hướng tăng cao để giải quyết nhu cầu tài chính trước mắt. Nhất là khi giai đoạn sau Tết Nguyên đán 2022, người dân quay trở lại TP.HCM tìm việc, nhưng đời sống vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, còn do tác động của việc điều chỉnh tăng tỷ lệ hưởng lương hưu và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu theo từng năm đối với cả nam và nữ. Với NLĐ, việc tăng tỷ lệ hưởng, tăng tuổi nghỉ hưu khiến cho họ cảm thấy việc đủ điều kiện về tuổi đời để được hưởng lương hưu là khó đạt.

Tuy vậy, không chỉ cơ quan BHXH mà theo nhiều chuyên gia, NLĐ sẽ gặp nhiều thiệt thòi nếu rút BHXH một lần, như số tiền nhận BHXH một lần ít hơn nhiều so với số tiền đã đóng; mất cơ hội hưởng lương hưu hằng tháng, có thể phải sống phụ thuộc vào con cái và người thân, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đồng thời, khi NLĐ rút BHXH một lần, thân nhân không được hưởng chế độ tử tuất khi NLĐ qua đời; mất cơ hội được tăng lương hưu khi Chính phủ điều chỉnh; không có thẻ BHYT và phải tự chi trả chi phí khám chữa bệnh khi về già...

Linh động nơi làm thủ tục

Ông Phan Văn Mến cũng lưu ý có nhiều NLĐ ở các tỉnh vẫn còn hiểu nhầm nếu muốn làm thủ tục, hồ sơ rút BHXH phải đến các cơ quan BHXH đóng tại nơi mình làm việc mới được giải quyết. Tuy nhiên, hệ thống dữ liệu của BHXH là liên thông, người dân có thể nộp hồ sơ bất cứ nơi nào để được giải quyết.

“Tại nhiều nơi, nếu có tình trạng quá tải hồ sơ, cơ quan BHXH sẽ hướng dẫn người dân có thể về nơi cư trú hoặc có thể đến một số đơn vị lân cận để làm thủ tục, tránh tình trạng chờ đợi lâu”, ông Mến nói và cho biết thêm, thời gian tới, đơn vị sẽ tập trung tuyên truyền để NLĐ hạn chế rút BHXH một lần, tiếp tục tích lũy số năm đóng, có lương hưu khi về già.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.