Tổng số nợ này, theo thống kê và so sánh của BHXH TP.HCM, tăng 44,48% so với năm 2020 (năm 2020, tổng số nợ hơn 2.128 tỉ đồng).
BHXH TP.HCM cũng cho biết một số đơn vị, công ty nợ đóng BHXH đã lâu. Đơn cử, Văn phòng đại diện tại TP.HCM - Công ty cổ phần Hàng không V.J đang tham gia BHXH Q.Tân Bình, nợ đóng 13 tháng cho 4.176 lao động với tổng số tiền hơn 199 tỉ đồng.
Công ty cổ phần hàng không P.A đang tham gia BHXH Q.Tân Bình, nợ hơn 41 tỉ đồng với 590 lao động.
Công ty cổ phần dịch vụ BCVT S.G đang tham gia BHXH Q.1, nợ hơn 32,9 tỉ đồng với 119 lao động.
Công ty TNHH Y.V (TP.Thủ Đức) nợ hơn 32 tỉ đồng, với 1.298 lao động.
Vì sao có tình trạng nợ BHXH?
BHXH TP.HCM nêu nhiều lý do dẫn đến tình trạng nợ BHXH hơn 3.075 tỉ đồng như trên. Theo đó, khó khăn lớn nhất trong năm 2021 là tác động của đại dịch Covid-19 nên việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT gặp nhiều trở ngại; việc đôn đốc thu, giảm nợ BHXH, BHYT, BHTN bị ảnh hưởng.
Cụ thể, không thực hiện thanh, kiểm tra tại các đơn vị sử dụng lao động; không thực hiện được công tác giám định tại các cơ sở khám chữa bệnh, cũng như không thể tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tiếp hoặc hướng dẫn cài đặt ứng dụng BHXH số - VssID tại các đơn vị (với ứng dụng này, người lao động có thể theo dõi được tiến trình tham gia BHXH của mình - PV).
Ở phía doanh nghiệp, nhất là ở lĩnh vực dịch vụ, vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng gặp khó khăn nên ngưng hoạt động hoặc tiếp tục cho người lao động nghỉ không lương và nghỉ việc.
Trong khi đó, người dân bị mất thu nhập, không có điều kiện tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; tình trạng rút BHXH một lần vẫn còn phổ biến.
BHXH TP.HCM cũng nhận định, tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH của các doanh nghiệp diễn ra khá phổ biến, tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp. Việc doanh nghiệp nợ BHXH đã kéo dài nhiều năm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động.
Còn nhiều doanh nghiệp cố tình không tham gia BHXH cho người lao động hoặc đóng không đủ số lao động, đóng không đúng đối tượng, đóng không đúng mức lương. Chưa kể, một số nơi còn dựa vào tình hình dịch bệnh cố tình để nợ, không trích đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Nhiều đơn vị chây ì không khắc phục sai phạm mặc dù đã được thanh tra, đôn đốc thực hiện và xử lý vi phạm hành chính, kiến nghị khởi tố hình sự.
Làm gì để kéo giảm tình trạng nợ BHXH?
Trong năm 2022, BHXH TP.HCM sẽ đổi mới công tác tuyên truyền về BHXH, phối hợp chặt chẽ với bưu điện rà soát để tập trung khai thác số lao động chưa tham gia hoặc tham gia chưa đầy đủ từ dữ liệu của ngành thuế để mở rộng độ bao phủ.
Qua đó, tăng cường công tác đốc thu, giảm nợ, đối chiếu thu tại các đơn vị sử dụng lao động, nắm bắt được tình hình kinh doanh của doanh nghiệp để thu đúng, thu đủ.
Đồng thời, BHXH TP.HCM sẽ tổ chức các cuộc kiểm tra, xác minh, thanh tra chuyên ngành đóng theo kế hoạch hoặc đột xuất đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc nợ đóng từ 3 tháng trở lên; tổ chức kiểm tra đột xuất ở các cơ sở khám chữa bệnh có gia tăng chi phí bất thường. Chuyển cơ quan công an đề nghị xử lý đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm hoặc đã được thanh tra, kiểm tra, xử phạt nhưng không thực hiện kết luận...
Phía người lao động cũng cần có hành động chủ động hơn, chẳng hạn khi theo dõi tiến trình tham gia BHXH của bản thân, nếu biết công ty nợ BHXH, cần gửi đơn khiếu nại đến ban giám đốc công ty, tổ chức công đoàn công ty để yêu cầu đóng BHXH bổ sung...
Bình luận (0)