Số nợ BHXH chủ yếu thuộc nhóm doanh nghiệp (DN) tư nhân (1.736 tỉ đồng), đứng sau là DN có vốn đầu tư nước ngoài (144 tỉ đồng). Đáng lo ngại, BHXH TP.HCM đang theo dõi 7.610 đơn vị bỏ trốn, mất tích, giải thể, phá sản với số nợ hơn 456 tỉ đồng (chiếm tỷ lệ 18,5% so với tổng số nợ).
Một trong các nguyên nhân dẫn đến việc khó xử lý sai phạm của DN trốn đóng BHXH là do sự thiếu thống nhất trong văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, điều 216, bộ luật Hình sự quy định tội danh Trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và tại Nghị quyết 05/2019 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xác định trốn đóng là hành vi không đóng hoặc đóng không đầy đủ. Tuy nhiên, tại Nghị định 28/2020 và Nghị định 117/2020 lại tách riêng các hành vi chậm đóng, đóng không đúng mức quy định, đóng không đủ số người quy định không phải là trốn đóng nên đến nay các cơ quan điều tra chưa xử lý đơn vị nào vi phạm tội trốn đóng BHXH.
Để xử lý các DN trốn đóng BHXH, BHXH TP.HCM kiến nghị có văn bản hướng dẫn rõ các hành vi được coi là trốn đóng theo Nghị định 28/2020; điều chỉnh thống nhất các hành vi được quy định trong các văn bản xử lý vi phạm hành chính và các tội danh về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được quy định trong bộ luật Hình sự. Bên cạnh đó, bổ sung thẩm quyền khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động cho cơ quan BHXH.
Về công tác thu hồi nợ, BHXH TP.HCM kiến nghị Quốc hội nghiên cứu bỏ quy định tính lãi chậm nộp, thay vào đó là quy định mức tiền phạt chậm nộp theo ngày bằng 200% mức lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại; nếu sau 30 ngày mà đơn vị không nộp thì tiếp tục tăng mức phạt này lên 300%; sau 60 ngày vẫn cố tình không nộp thì chuyển cơ quan công an khởi tố hình sự.
Bình luận (0)