TP.HCM: Kiến nghị xử lý hình sự 82 đơn vị trốn đóng BHXH

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
23/04/2021 17:04 GMT+7

Ngày 23.4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM cho biết đã chuyển hồ sơ kiến nghị khởi tố 82 đơn vị với tổng số tiền nợ là 157,1 tỉ đồng đến cơ quan điều tra công an quận, huyện về hành vi trốn đóng BHXH.

Cụ thể, trong quá trình kiến nghị khởi tố, đã có 42/82 đơn vị khắc phục với tổng số tiền là hơn 32 tỉ đồng. Phía cơ quan điều tra đã tiếp nhận hồ sơ, tiến hành điều tra, xác minh, làm việc trực tiếp với cơ quan BHXH về tình hình của 74/82 đơn vị.
Trong đó, cơ quan điều tra thông báo trả hồ sơ đối với 27 đơn vị; quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với 5 đơn vị… với lý do cơ quan BHXH chưa tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; chưa xử phạt vi phạm hành chính hành vi trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); không có kết luận giám định chuyên môn của Hội đồng giám định chuyên môn về số tiền trốn đóng; đơn vị chưa thực hiện đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN do hoạt động kinh doanh gặp khó khăn về tài chính, ảnh hưởng của dịch bệnh...

Bất cập cần tháo gỡ

BHXH nhận định quá trình kiến nghị khởi tố vẫn còn gặp một số khó khăn, chẳng hạn như việc cơ quan điều tra yêu cầu giám định tư pháp số tiền trốn đóng. Theo đó, trước đây hệ thống BHXH chưa có quy định chức danh giám định tư pháp. Mãi đến, ngày 31.3.2021, BHXH Việt Nam mới có quyết định công nhận tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, người giám định tư pháp theo vụ việc ngành BHXH đáp ứng yêu cầu của cơ quan điều tra.
Đồng thời, đến nay, cơ quan BHXH vẫn chưa có thẩm quyền thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1.1.2022 mới giao thẩm quyền cưỡng chế cho cơ quan BHXH.
Ngoài ra, mặc dù Nghị quyết 05/2019 đã hướng dẫn áp dụng một số quy định cụ thể về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động nhưng việc xử lý hình sự đối với hành vi này vẫn chưa có hiệu lực trên thực tế, nhiều doanh nghiệp tiếp tục chây ì, không khắc phục sai phạm do cơ quan điều tra trả hồ sơ kiến nghị khởi tố với lý do doanh nghiệp chỉ chậm nộp và không có hành vi gian dối hoặc thủ đoạn nào khác cấu thành tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN và được Viện KSND cùng cấp đồng thuận chỉ vi phạm chậm nộp…
Mặt khác, BHXH cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động; không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký hay hoạt động cầm chừng, số lao động ít, nợ đọng kéo dài gây khó khăn trong việc củng cố hồ sơ kiến nghị khởi tố.
"Hiện nay, các quy định pháp luật còn nhiều điểm chưa có sự thống nhất. BHXH TP.HCM sẽ tổng hợp báo cáo UBND TP.HCM và BHXH Việt Nam để đề nghị các cơ quan liên quan có văn bản hướng dẫn, điều chỉnh thống nhất các hành vi được quy định trong các văn bản pháp luật xử lý vi phạm hành chính và các tội danh BHXH, BHYT, BHTN được quy định trong bộ luật Hình sự đảm bảo việc giải quyết kiến nghị khởi tố xử lý hình sự trên địa bàn TP.HCM hiệu quả, bảo vệ quyền lợi cho người lao động", đại diện BHXH TP.HCM cho biết.
Để chủ động bảo vệ quyền lợi của mình, người lao động cần làm việc với người sử dụng lao động để làm rõ việc đóng và xác nhận sổ BHXH. Trường hợp đơn vị cố tình vi phạm không đóng đầy đủ BHXH hay không chốt sổ BHXH, người lao động có thể làm đơn khiếu nại ban giám đốc công ty hoặc thông qua tổ chức Công đoàn tại công ty để khiếu nại.
BHXH cũng cho biết, trường hợp công ty giải quyết không thỏa đáng, người lao động có quyền khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH hoặc làm đơn khởi kiện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính về hành vi vi phạm của doanh nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.