Đây là điểm mới trong dự thảo Tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng luật bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi).
Đóng BHXH dài, người lao động dễ nản
Theo Bộ LĐ-TB-XH, tính đến năm 2020, mới chỉ có gần 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, vẫn còn gần 32 triệu người trong lực lượng lao động ở độ tuổi lao động (khoảng 66,5%) chưa tham gia BHXH.
Trong khi đó, có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu. Trong số này, có 3,1 triệu người đang được hưởng lương hưu và BHXH hằng tháng; 1,8 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí. Đáng chú ý, còn hơn 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu chưa được hưởng một tầng an sinh nào khác.
Ông Trần Hải Nam, Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết mục tiêu Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH đặt ra là đến năm 2021 có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu. Nghị quyết cũng chỉ rõ, giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp, tạo điều kiện cho người lao động (NLĐ) cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp nhưng vẫn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH. Đây là một thách thức lớn, trong khi chính sách BHXH còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với tốc độ già hóa dân số.
Theo ông Nam, luật BHXH 2014 quy định NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện làm việc bình thường, đóng đủ 20 năm BHXH trở lên được hưởng lương hưu. Mức hưởng hằng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng theo quy định.
Ông Nam chia sẻ: “Quy định điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt chẽ và quá dài dẫn đến số người đang tham gia rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu khá lớn, nhất là những người tham gia BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, cùng với tác động kinh tế khiến nhiều người nản lòng đã rời bỏ hệ thống BHXH. Về lâu dài, người già không có lương hưu sẽ tạo áp lực lớn cho xã hội khi phải bố trí nguồn lực đơn lẻ để bảo đảm an sinh, chăm sóc y tế”.
Theo Bộ LĐ-TB-XH tính toán, nếu thay đổi theo phương án này sẽ khuyến khích người dân tham gia vào hệ thống, làm tăng nguồn thu vào Quỹ BHXH ngắn hạn và trung hạn; nguồn chi ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cũng sẽ tăng. NLĐ sẽ được bảo vệ tốt hơn trước những rủi ro trong quá trình làm việc, tạo điều kiện để NLĐ tăng khả năng tiếp cận với lương hưu khi về già.
Cần chính sách đồng bộ
Ủng hộ đề xuất trên của Bộ LĐ-TB-XH, nhiều chuyên gia cho rằng việc thiết kế chính sách BHXH theo chế độ ngắn hạn và dài hạn có tính chất linh hoạt cao để NLĐ lựa chọn. Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), cho biết: “Trước đây, khi tham gia góp ý vào Nghị quyết 28, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, thậm chí chúng tôi còn mong muốn thời gian đóng BHXH xuống dưới 10 năm để NLĐ có thể tiếp cận với chính sách lương hưu”. Tuy nhiên, ông Quảng cho rằng việc giảm số năm đóng cần có lộ trình, trước mắt có thể 15 năm, về lâu dài có thể tiến tới giảm 10 năm. “Ban soạn thảo cần tính toán kỹ, đảm bảo đồng bộ giữa tỷ lệ đóng và tỷ lệ hưởng lương hưu và phải có một mức sàn lương hưu tối thiểu. Việc giảm thời gian đóng cũng cần đi đôi với việc giảm tuổi nghỉ hưu đối với NLĐ một số ngành nghề đặc thù. Nếu không, NLĐ nhận lương hưu thấp sẽ rất khổ và vất vả những năm về già”, ông Quảng bày tỏ.
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cũng cho rằng đề xuất trên đưa ra là nhân văn, giúp những người có hoàn cảnh khó khăn được hưởng lương hưu. Ông Huân chia sẻ: “Nhiều NLĐ tham gia đóng BHXH muộn, khi thừa tuổi về hưu mà số năm đóng BHXH chưa đủ thì nên được giải quyết để về hưu vì có thể họ đã không còn đủ sức khỏe để lao động. Giảm số năm đóng BHXH về hưu còn tạo ra động lực, khuyến khích lao động tham gia BHXH nhiều hơn”. Tuy nhiên, ông Huân cũng lo ngại về mức lương hưu thấp nếu NLĐ nhận lương hưu sớm.
Để được nhận lương hưu với tỷ lệ tối đa 75% mức bình quân tiền lương đóng BHXH, lao động nữ phải đóng BHXH 30 năm và lao động nam đóng 35 năm. Nếu đóng tối thiểu 20 năm, NLĐ được nhận 45%. Theo đề xuất trên, nếu giảm xuống 15 năm thì mức hưởng chỉ còn khoảng trên 30% và đóng 10 năm thì giỏi lắm cũng chỉ được hưởng trên 20%. “Lương hưu thấp như vậy, người nghỉ hưu không thể sống nổi. Do đó, ban soạn thảo cần phải tính toán, nghiên cứu kỹ số năm đóng và số năm hưởng để đưa ra công thức tính lương hưu cho phù hợp”, ông Huân bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia về an sinh xã hội, cho hay ở nhiều nước, NLĐ chỉ cần đóng đủ 5 - 10 năm BHXH là có thể được hưởng lương hưu. Ngoài chính sách giảm số năm đóng BHXH, các quốc gia này thường có các chính sách hỗ trợ đi kèm. “Nếu chỉ thuần túy giảm số năm đóng xuống để hạn chế NLĐ không rút BHXH một lần thì rất khó để NLĐ yên tâm, ở lại với hệ thống BHXH. Để người về hưu không ở mức nghèo khó, khi thiết kế chính sách, cần có những chính sách đồng bộ đi kèm như: hỗ trợ người dân có việc làm bền vững, khuyến khích NLĐ tự tạo việc làm tham gia vào BHXH tự nguyện, gắn chính sách bảo trợ xã hội với BHXH...”, bà Hồng đề nghị.
Ông Trần Hải Nam cho biết sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành, các chuyên gia và tầng lớp nhân dân, Bộ LĐ-TB-XH sẽ tổng hợp ý kiến để trình Chính phủ dự kiến vào tháng 7 tới. Dự thảo sửa đổi luật sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua trong các kỳ họp năm 2022 và 2023. Thời gian luật có hiệu lực dự kiến từ ngày 1.1.2024. “Cách thức thực hiện và lộ trình triển khai tùy thuộc vào quá trình lấy ý kiến. Có thể ban soạn thảo sẽ đưa ra mốc thời điểm 15 năm và 10 năm hoặc thực hiện theo phương án 15 năm trước và để mở phương án 10 năm trong tương lai”, ông Nam thông tin.
Cứ 2 người mới tham gia BHXH thì 1 người rời khỏi hệ thống
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, bình quân người tham gia BHXH đóng góp trong 28 năm với tỷ lệ 22% vào quỹ hưu trí và tử tuất, hưởng lương hưu bình quân 25 năm với tỷ lệ hưởng 70,1%. Trong giai đoạn 2012 - 2017, mỗi năm bình quân có 628.000 người hưởng BHXH một lần dẫn đến số người tham gia BHXH tăng thêm chỉ là 594.000 người (tức là cứ có 2 người mới tham gia vào BHXH thì có 1 người rời khỏi hệ thống).
Theo thông lệ quốc tế, với mô hình hưu trí như Việt Nam hiện nay, để người nghỉ hưu hưởng lương hưu trong 20 năm, thời gian đóng góp bình quân ít nhất là 40 năm thì mới đảm bảo cân đối quỹ hưu trí trong dài hạn.
|
Bình luận (0)