Cảnh giác trò mạo danh Cục Viễn thông đòi khóa thuê bao di động

17/11/2022 08:37 GMT+7

Những thuê bao lạ chủ động gọi tới người dùng di động, mạo danh Cục Viễn thông hoặc nhiều cơ quan nhà nước khác đe dọa khóa SIM hòng lừa đảo, chiếm đoạt thông tin cá nhân.

Tiếp nối trò lừa đảo mạo danh Bộ Công an và các cơ quan điều tra để đe dọa người dân liên quan tới vi phạm hình sự để lừa tiền, mới đây kẻ gian tiếp tục "đổi bài" và săn tìm những nạn nhân mới. Theo phản ánh của người dùng dịch vụ di động, một số trường hợp nhận được cuộc gọi từ số lạ mạo danh Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Viễn thông... và đe dọa sẽ khóa 2 chiều SIM điện thoại của họ.

Cuộc gọi mạo danh cơ quan quản lý vẫn nhắm tới người dùng nhẹ dạ

chụp màn hình

Tiến Đạt (Hà Nội) cho biết cách đây ít ngày có số máy lạ gọi đến cho anh và đầu dây bên kia là tổng đài tự động với nội dung: "Thuê bao của quý khách sẽ bị khóa trong 2 giờ nữa. Vui lòng liên hệ tổng đài để biết thêm chi tiết". Do từng được cảnh báo về các hình thức lừa đảo qua điện thoại, anh quyết định thử xem chuyện gì xảy ra và sau đó được kết nối tới một người tự xưng là chuyên viên của "Cục Viễn thông". Người này cho biết thuê bao của anh phát tán tin nhắn rác nên sẽ bị khóa theo luật.

"Chuyên viên tự xưng đó khẳng định có đủ bằng chứng cũng như cơ sở pháp lý để khóa số điện thoại tôi đang dùng. Tuy nhiên, nếu tôi khăng khăng mình không vi phạm thì phải cung cấp được giấy tờ cá nhân đã đăng ký thuê bao đấy cũng như các số liên lạc gần đây. Tới lúc này thì tôi tắt máy và tất nhiên chẳng có chuyện khóa SIM nào cả", anh Đạt kể lại.

Trường hợp như Tiến Đạt không phải duy nhất và hình thức lừa đảo mới mạo danh cơ quan quản lý ngành Viễn thông cũng nhen nhóm được vài tháng nay. Trước đó, chiêu lừa gạt phổ biến là giả danh người của Bộ Công an, cơ quan pháp luật thông báo về vi phạm giao thông tại các địa phương và yêu cầu cung cấp thông tin để xác minh. Nhiều trường hợp thì nhận thông báo từ "bưu điện" hoặc "hải quan" về các gói hàng cấm, hàng trong diện nghi ngờ điều tra...

Theo một chuyên gia nhiều năm theo dõi lĩnh vực Viễn thông, những cơ quan quản lý cấp Bộ, Cục hay ban ngành không bao giờ gọi điện cho cá nhân để thông báo về tình trạng khóa SIM. "Khóa một thuê bao là việc của nhà mạng, không phải cơ quan quản lý, nên chắc chắn đó là hành vi lừa đảo. Ngay cả phía nhà mạng cũng chưa từng làm việc kiểu vậy. Nếu thuê bao có vấn đề, họ sẽ gửi thông báo bằng tin nhắn và yêu cầu chủ số điện thoại mang giấy tờ ra đại lý gần nhất để tiến hành xác minh, kiểm tra", vị này khẳng định.

Ông cũng nhấn mạnh không có chuyện số điện thoại của một người đang dùng, quản lý hằng ngày lại "thường xuyên phát tán tin nhắn rác hay thực hiện cuộc gọi rác" như các "chuyên viên mạo danh" kia hù dọa. Mục đích của chiêu trò đánh vào tâm lý người dùng này nhằm thu thập những thông tin cá nhân quan trọng như số căn cước công dân (CCCD), họ tên đầy đủ, ngày tháng năm sinh, quê quán...

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động cũng cho biết không tiến hành khóa 2 chiều thuê bao qua hình thức gọi điện thông báo, nhất là khi thông tin đăng ký đầy đủ, thanh toán cước và các chi phí liên quan đúng quy định và thời hạn.

Để góp phần hạn chế tình trạng lộng hành của những kẻ mạo danh cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp hoặc phát tán nội dung rác nhằm lừa đảo thông tin, chiếm đoạt tài sản, từ đầu tháng 11.2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố hệ thống tiếp nhận xử lý cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo mới qua hình thức cuộc gọi tới đầu số 156, bên cạnh đầu số 5656 hiện nay.

Đây là đầu số được sử dụng thống nhất trên toàn quốc, triển khai với tất cả các nhà mạng. Về kế hoạch dài hạn, Bộ dự kiến khi lưu lượng đến đầu số 5656 giảm sẽ sửa lại quy định để còn lại duy nhất đầu số 156 nhằm tiếp nhận thông tin phản ánh của người dùng.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết thời gian gần đây tình trạng cuộc gọi rác có chiều hướng tăng, đặc biệt nhiều cuộc có dấu hiệu lừa đảo, giả mạo cơ quan nhà nước, tổ chức nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng.

Theo thống kê 9 tháng đầu năm 2022, tổng đài 5656 do Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) quản lý, vận hành, đã tiếp nhận gần 203.000 lượt phản ánh thông qua hình thức gọi điện, nhắn tin. Trong đó, 25.476 lượt phản ánh tin nhắn rác (giảm 10,6 % so với cùng kỳ năm 2021), cuộc gọi rác là 177.473 (tăng 34,2%). Nội dung phản ánh về cuộc gọi đòi nợ, có dấu hiệu lừa đảo chiếm 12,5%. Số tin nhắn rác đã chặn được khoảng 458,7 triệu tin (tăng 67,2% so với cùng kỳ năm 2021).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.