Cảnh giác với 'cổ vật' bằng đồng

30/01/2019 13:42 GMT+7

Hàng loạt sự vụ đào được cổ vật bằng đồng, niên đại trên 600 năm, khắp từ Điện Biên, Bảo Lộc, đến Bình Phước, Biên Hòa, Đà Lạt... nhưng lạ ở chỗ tất cả đều có cùng kiểu dáng, kích cỡ, hiệu đề...

Phóng viên Thanh Niên đi tìm lời giải mã.
Dịp cuối năm, chuyện sửa nhà, làm nhà, khơi giếng, đào ao… gấp rút với thời gian, thợ thi công bất ngờ moi lên những món đồ đồng, thoạt nhìn đầy bí hiểm, đen kịt với bùn đất tèm lem, rồi cả nhóm thợ úp úp, mở mở, nửa muốn giấu nhẹm, nửa bắn tin cho gia chủ phát hiện.
Một cuộc thương lượng, chia chác nội bộ được tiến hành, gia chủ giữ lại những món đồ đồng vừa đào lên từ mảnh đất nhà mình, đám thợ nhận khoản tiền thương lượng nho nhỏ gọi là “hưởng lộc”, rồi đường ai nấy đi, để chủ nhân với những món đồ đồng đào được giấc mộng chung: “Mình vừa vớ được kho tàng bạc tỉ”.
Khổ nỗi, sự đời chẳng như mơ.

Bổn cũ soạn lại

Còn nhớ năm 2016, báo chí xôn xao vụ anh Trần Công Viên (ở Tam Lãnh, Phú Ninh, Quảng Nam) sở hữu một bình hồ lô tích Bát Tiên, dưới trôn có hiệu đề Khang Hy niên chế, được trả mức giá 10 tỉ đồng nhưng sau đó bán với giá 12 triệu đồng do… sợ gặp rắc rối và chưa phân định rõ thật - giả.
Anh Viên cho biết chiếc bình này đào lên từ Đắk Lắk và được anh mua lại với giá 12 triệu đồng.
Năm 2017, một giám đốc công ty lữ hành chuyên tổ chức tour đi Mỹ, trong chuyến về thăm quê Bảo Lộc (Lâm Đồng), kể lại chuyện hai cụ thân sinh ở nhà khi thuê thợ đào ao thả cá, moi lên được 5 món đồ cổ bằng đồng gồm: Một bình hồ lô có tám tượng bao quanh (tích Bát tiên - PV), hai con kỳ lân, một con cóc ba chân và một ông Di Lặc kéo túi vàng. Nhóm thợ thương thảo cùng gia đình và được chia 15 triệu đồng.
Từ đầu 2018 đến nay, những câu chuyện tương tự xảy ra tận Điện Biên, rồi Biên Hòa, và gần đây nhất là Đà Lạt, đều mang kịch bản giống nhau là đào được cổ vật bằng đồng trong mảnh đất vườn nhà, lạc khoản (nằm dưới đáy hiện vật) ghi niên hiệu chế tác có từ thời Tuyên Đức đời Minh và Khang Hy đời Thanh. Sự vụ của Nguyễn Quốc Linh (ngụ xã Hố Nai 3, H.Thống Nhất, Đồng Nai) kể lại khi làm nhà, nhóm thợ đào móng, moi lên một lư hương bằng đồng nặng gần 3 kg, phần chân nổi ra những đốm xanh gỉ sét, dưới trôn có bốn chữ Tàu. Cả nhà giữ chiếc lư kỹ lưỡng, úp kính để bàn thờ vì nghĩ đây là của ông bà ngày xưa để lại.
Cảnh giác với 'cổ vật' bằng đồng1
Tiệm bán đồ đồng giả cổ trên đường Lê Công Kiều ẢNH: LAM PHONG
Nhìn vào hình ảnh Linh ghi lại, bốn chữ triện dưới trôn lư là “Tuyên Đức niên chế” - niên hiệu của hoàng đế thứ 5 Minh Tuyên Tông thuộc vương triều nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc, tính ra niên đại cái lư đồng ấy cũng đã hơn 600 năm tuổi, bởi Minh Tuyên Tông trị vì từ năm 1425 - 1435. Trong nghề đồ cổ, hiện vật đồ đồng có dấu triện Đại Minh Tuyên Đức niên chế, Đại Minh Tuyên Đức, hay Tuyên Đức niên chế, nếu đúng chuẩn, đều là những hiện vật giá trị, bởi ở thời này nghề đúc đồng đạt trình độ tuyệt kỹ, hưng thịnh, với hai dòng tiêu biểu là lò hương ba chân, quai duyên, không nắp, dùng cắm nhang phục vụ thờ tự và loại có nắp là đỉnh trầm, dùng xông trầm.
Tuy nhiên, khi nhìn hình thân lư hương của Linh với những vết xanh lỗ chỗ, xì ra trên bề mặt màu đồng sáng, đủ khẳng định cái lư là đồ giả cổ. Bởi vết “ten” xanh, điểm lũng ấy do bị hàn the xì ra. Vì trong quá trình đúc đồng, thợ đúc ngày nay thường trộn bột hàn the, tác dụng hạ nhiệt độ nóng chảy của đồng, và khi rót khuôn, mặt đúc trơn láng hơn, đỡ mất công làm nguội.
Hai tuần cuối tháng 12.2018, rồi tháng 1.2019 có thêm bốn vụ đào được đồ đồng ở khu vực Hố Nai (Biên Hòa, Đồng Nai), Đà Lạt với hiệu đề trên các món đồ cũng đa phần là Tuyên Đức niên chế.
Cảnh giác với 'cổ vật' bằng đồng2
Dấu triện ngô nghê mang hiệu đề Tuyên Đức niên chế

Tâm lý lòng tham

Điểm chung các vụ đào được đồ đồng từ phần đất nhà, thường gồm các hiện vật hồ lô Bát tiên - nắp có núm cong, con gà, con cóc ba chân, tượng Di Lặc, lư hương… Nhóm thợ thi công công trình và đào được dòng đồ này, khi xâu chuỗi các sự vụ bắc - nam đều có chung xuất xứ từ Thanh Hóa.
Phần “lộc” nhóm thợ đào được đồ đồng hưởng, bét nhất cũng được 5 triệu đồng, khá khẩm hơn như trường hợp của gia đình Nguyễn Quốc Linh là 20 triệu đồng.
Một chi tiết rất giống nhau nữa là những đồ đồng này chỉ được đào lên khi công trình thi công gần xong, thường còn khoảng nửa buổi là dứt điểm. Kịch bản chung được nhóm thợ đem mớ đồ vừa đào, hùa nhau đem bàn giao cho nhà nước nhận thưởng. Tất nhiên chẳng chủ nhà nào đồng ý, vậy là cuộc thương lượng, chia chác bắt đầu.
Nhóm thợ lộ vẻ ngô nghê, chẳng biết giá thị trường là bao, nhưng hay kèo nài gia đình thương, cho anh em ít tiền xong công trình đủ về thăm quê, hay được bữa nhậu linh đình gọi là có tí lộc.
Cảnh giác với 'cổ vật' bằng đồng3
Hồ lô Bát tiên bán trên vỉa hè Lê Công Kiều khi chưa được đám thợ lừa mông má cho cũ kỹ
Dò trên các trang mạng về sưu tầm, mua bán cổ vật, chuyện đào được đồ đồng cũng diễn ra hà rầm, đầy người khoe đào được từ nhà với cả bộ gồm: “Tôi đào đất trúng một bộ hồ lô, gồm có con gà, con cóc, hồ lô…”; “Gia đình mình vừa đào được một bộ đồ cổ gồm một hồ lô Bát tiên 2,4 kg và 2 con cóc 3 chân 1,9 kg… Dưới đáy có khắc bốn chữ Hán, không rõ thời đại. Nhờ các bác tư vấn giùm…”.
Chủ nhân những món đồ đồng kể trên, sau khi dò la, tìm hỏi người trong giới sưu tầm, đều nhận kết luận chung là đồ giả cổ, nhưng chẳng ai trong họ tin rằng đồ được moi lên từ chính nhà mình là giả.
Với những ca phải chi số tiền lớn nhờ đám thợ nhượng lại, cũng ngại chẳng dám nói cụ thể bởi làm thế khác nào khoe cái ngu của mình với đời. Thợ thi công khi đào đồ đồng, ngày cuối làm việc mới ra tay tránh chuyện lỡ gia chủ dò hỏi khắp nơi, phát hiện đồ đểu thì bể mánh. Chủ nhà khi thấy đồ cũ kỹ, bẩn sình, dễ đụng vào lòng tham, không tin ai, dù có dò hỏi nhưng tiền đã trao đi rồi, đành ôm mấy món đồ bị lừa và ấp ủ giấc mơ (dù le lói) rằng sẽ có ngày bán nó đi và trở thành… tỉ phú.
Nhờ thế, chiêu lừa rẻ tiền này nhiều năm qua vẫn có đất sống, bởi đánh đúng vào tâm lý lòng tham, dịp cận tết lại là cơ hội vàng để nhóm lừa đảo này ra tay kiếm chác. Cần đề phòng kẻo mắc bẫy thợ gạt. (còn tiếp)
Đồ đồng giả cổ mua bao nhiêu cũng có
Tìm ra chợ đồ cổ Lê Công Kiều (Q.1, TP.HCM) từ ngay đầu đường giáp với Phó Đức Chính kéo dài đến cổng trường Khai Minh, các tiệm bán đồ đồng vỉa hè bày la liệt những món rao trên mạng, thấy cả cái hồ lô giống năm xưa của anh Trần Công Viên; rồi cóc, gà, kỳ lân, tượng Di Lặc, tê giác, lư hương... đều có đủ.
Số lượng nói theo chị bán hàng cạnh cổng trường Khai Minh là: “Em muốn nhiêu cũng có, đồ giả cổ này rẻ mà”. Hỏi giá trọn bộ đồ đồng nhỏ gồm hồ lô Bát tiên, cặp lân, tượng Di Lặc, con cóc, chỉ cỡ 2 triệu đồng (chưa trả giá). Các món có trọng lượng nặng hơn giá nhích thêm chút đỉnh.
So hình ảnh hiện vật từ các khổ chủ mua tận tay nhóm thợ thi công, hai dòng đồ đồng này y chang nhau, chỉ khác là phải trả mức giá cao gấp nhiều lần cho nhóm thợ lừa đảo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.