Canh giữ Tây Nam: Chốt chặn từng mét đất

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
03/04/2020 06:26 GMT+7

Long An có đường biên giới giáp ranh Vương quốc Campuchia gần 130 km. Từ đầu tháng 3, Bộ đội biên phòng tỉnh đã triển khai, tăng cường các chốt trên biên giới để kiểm soát người qua lại, kịp thời phát hiện và phòng dịch Covid-19 .

Dọc đường tuần tra biên giới từ Tây Ninh sang Long An, cứ một đoạn lại gặp những túp lều lá tạm bợ bên đường và barie chắn ngang. Đại tá Đoàn Văn An, Chính ủy Bộ đội biên phòng Long An, bảo: “Tung hết quân số ra chốt chặn biên giới”.

Manh võng Bình Thạnh

Hàng cây keo lá tràm cạnh mốc 200 treo 3 cái võng dù, ngày cũng như đêm luôn thay nhau 1 người ngủ, 2 người thức. Trung úy Huỳnh Văn Hiệp, phụ trách tổ chốt mốc 200, Đồn biên phòng Bình Thạnh, H.Mộc Hóa, Long An, cười: “Ban ngày nắng nóng bụi bặm, thở không nổi. Đêm sương lạnh, không che chắn kỹ là ướt nhẹp. Không nghỉ ngơi dưỡng sức hợp lý là ốm bệnh hết cả lượt”. Chục bước chân phía sau hàng cây là căn nhà mái vách đều bằng tôn, nóng hừng hực như cái lò gạch. Trung úy Hiệp lại cười: “Bà con cho mượn nhưng không ở nổi bởi ngày nóng đêm lạnh. Chỉ làm chỗ trú mưa và nấu nướng ăn uống hằng ngày”.
Theo đại tá Đoàn Văn An, Chính ủy Bộ đội biên phòng Long An, tỉnh Long An có đường biên giới giáp ranh Vương quốc Campuchia gần 130 km. Từ đầu tháng 3, Bộ đội biên phòng tỉnh đã triển khai, tăng cường các chốt trên biên giới để kiểm soát người qua lại biên giới, kịp thời phát hiện và phòng ngừa dịch Covid-19 qua biên giới vào nội địa. Ngoài các trạm, chốt cố định, Bộ đội biên phòng tỉnh Long An đã triển khai 32 chốt trên biên giới, cùng với 6 tổ tuần tra lưu động trên khu vực biên giới.
Trong nhà, chiến sĩ Phan Tuấn Kiệt (20 tuổi) ngồi xổm với tô hủ tiếu nguội ngắt. Thấy tôi tò mò, Kiệt bẽn lẽn: “Cả tháng nay ăn sáng mì gói, em thèm tô hủ tiếu, phải nhờ người dân đi chợ cách đây 10 km mua về giùm”. Trên bếp, thơm lừng mùi sả nghệ trong chảo liu riu món xào ốc bươu vàng. Kiệt cười: “Xa đồn xa dân, mấy anh em tự nấu ăn. Loanh quanh chỉ cá khô, trứng rán. Hôm nào có phiên chợ thì nhờ mua thịt về kho. Ốc này bà con đi tát đìa ghé cho”.
Chốt mốc 200 được lập cách đây gần 2 tháng, làm nhiệm vụ kiểm tra kiểm soát trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia. Trước ngày 1.4, khi Chính phủ Việt Nam chưa ra quyết định tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới đối với người tại các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở tại khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia và Việt Nam - Lào để phòng chống dịch Covid-19, chốt 200 và các tổ chốt khác tập trung kiểm tra kiểm soát, phát hiện người xuất nhập cảnh trái phép thì lập hồ sơ, chuyển cơ quan y tế thực hiện cách ly 14 ngày. Sau ngày 1.4, khi biên giới đóng cửa, lực lượng chốt chặn tăng cường kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động qua lại biên giới...

Đồn biên phòng Bình Thạnh (Mộc Hóa, Long An) làm nhiệm vụ kiểm tra kiểm soát tại chốt chặn mốc 200

Ảnh: Ngô Trần Hải An

Ca nước chia nhau
3 chốt biên phòng đánh theo số thứ tự 4, 5, 6 của Đồn biên phòng Bình Hiệp nằm bên phải cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (xã Bình Hiệp, TX.Kiến Tường, Long An), ngăn chặn nhập cảnh trái phép từ cửa khẩu Prey Voa (Thmei, Kampong Rou, Svay Rieng) Campuchia vào Việt Nam. Khu vực này vốn là điểm nóng buôn lậu thuốc lá từ nhiều năm trước, với những cái tên quen thuộc, như: đường kênh KT1, KT4, ấp Ông Nhan Tây, ngã ba sông Tầm Đương... nên việc chống dịch bây giờ không chỉ đơn thuần là phục bắt xe máy, “nài” vận chuyển mà phải chốt chặn thường trực công khai 24/24 ngay điểm đường dễ sang biên giới nhất, để người muốn vượt biên qua, thấy cũng “ngán”.

Một chốt phòng chống dịch Covid-19 của Bộ đội biên phòng Long An nằm giữa cánh đồng thuộc xã Bình Hiệp (TX.Kiến Tường)

Ảnh: Ngô Trần Hải An

Tổ 4 nằm trước khu đất trống dự định làm khu công nghiệp Bình Hiệp. Cây cối ruộng nương bị san phẳng chờ đó nên chỉ cần phẩy một cơn gió là bụi cát cuộn mù mịt, đổ xuống mái tranh giòn quạu vì nắng. Tổ 5 đỡ bụi vì lều chốt dựng dưới bóng cây dầu giữa cánh đồng rộng bất tận, nhưng trơ khấc mặt đất nứt nẻ; từ ca nước rửa tay cho đến miếng uống, đều phải chạy xe máy gần 4 km vào nhà dân xin. Ngày 2 lần, các thành viên trong tổ phải thay nhau đến UBND xã Bình Tân phía sau để chở từng bình nước uống và mang cơm hộp ra chốt chia nhau; mỗi người 1 hộp tìm chỗ mát nhai nhếu nháo cho xong bữa. Chiến sĩ Trần Ngọc Sơn (chốt số 6) chỉ hàng rào dây thép gai ngăn con đường đất nối sang phum Kaoh Trach, Campuchia: “Mọi người dân đi làm ruộng đều phải kiểm tra giấy tờ và đo thân nhiệt” và kể: “Khó nhất ở đây là thiếu nước. Phải chia nhau từng ca đánh răng rửa mặt. Mấy ngày dân đốt rơm rạ, cả chốt mù mịt khói, ho không nổi”.

Hai thầy trò cạnh mốc 203

Nói đến biên giới Long An, không thể không nhắc đến mốc 203 với sự kiện ngày 28.6.2015, hàng trăm người Campuchia dưới sự dẫn đầu của một số nghị sĩ Đảng đối lập Campuchia CNRP đã tiến sâu vào khu vực mốc 203 do Việt Nam quản lý, tấn công và làm bị thương 7 người Việt và đầu tháng 7.2015, lại kéo hàng nghìn người, định tràn qua biên giới sang mốc 203 - 202 nhưng bị ngăn chặn. Bây giờ, đường tuần tra biên giới đã tới gần mốc 203 và cái chòi trâu của chị Tư Dính đã được dọn dẹp sạch sẽ, thành chốt biên phòng do hai “thầy trò” Bình - Bằng trông giữ. “Thầy” là thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Đặng Tiểu Bình (42 tuổi); còn trò là chiến sĩ Lê Thanh Bằng (22 tuổi), cùng quân số Đồn biên phòng Thạnh Trị (Mộc Hóa). Mỗi buổi sáng, trò dậy sớm vào ấp Bình Bắc cách đó hơn 1 km xin đầy can nước 50 lít kẽo kẹt chở ra dùng rửa chén đũa, giặt quần áo trong ngày. “Tắm cũng được, nhưng xong người cứ rin rít ngứa ngáy rất khó chịu. Xứ này toàn nước phèn hà”, Bằng cười nói vậy và chỉ thượng úy Bình: “Thầy thì phải tính toán ăn uống trong ngày”.

Bộ đội vừa ăn cơm hộp buổi trưa, vừa canh gác tại tổ chốt số 5, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (TX.Kiến Tường, Long An)

Ảnh: Ngô Trần Hải An

Tò mò hỏi mới biết: Tiền ăn mỗi người là 100.000 đồng/ngày. Phải trừ tiền mua nước uống, chất đốt khoảng 30.000 đồng; còn lại 70.000 đồng cho 3 bữa ăn, đặt mua từ xe “tạp hóa di động” của chị Tư Dính vài con cá biển, mấy lạng thịt heo về đổi món kho tiêu, nấu khóm, rán chấm mắm. “Thi thoảng bà con trong ấp ra thăm mấy chú bộ đội, thế nào cũng mang cho ít rau xanh, cá tươi”, thượng úy Đặng Tiểu Bình cười và trầm giọng: “Cuộc sống trên chốt tuy cực, nhưng tình cảm và gắn bó như trong một gia đình. Cả đời lính của tôi gắn bó với mốc 203 - Bình Hòa Tây từ những ngày giữ đất, cắm mốc và giờ là chống dịch. Khổ mãi rồi, cũng dần quen”...
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.