Việc này xảy ra ở Hà Nội, nếu tận tâm, chỉ cần cử cán bộ Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch đến giải quyết, trầm trọng lắm mới đến cán bộ tổng cục. Làm vậy, vô tình xác nhận sở bất lực. Thậm chí, tổng cục phó lập tức đề nghị lập đơn vị chuyên trách xin lỗi du khách. Chẳng nước nào có đơn vị kỳ cục như vậy bởi việc đó là ý thức và trách nhiệm của tất cả cán bộ nhân viên ngành du lịch.
Khi dư luận xã hội phản ứng, một số lãnh đạo ngành lại đổ tội “Tại chưa có cảnh sát du lịch (CSDL) dù đã nhiều lần kiến nghị”. Tuy nhiên, thành phố Hội An và cả Đà Nẵng, dù không có CSDL nhưng an ninh xã hội vẫn rất tốt, gần như không có các vấn nạn trên. Nếu Hà Nội và TP.HCM quá rộng thì có lộ trình dứt điểm từng quận, từng khu vực. Ngược lại, CSDL tuy có thể giảm bớt nạn nhũng nhiễu, trấn lột du khách nhưng liệu có tương xứng với tiền bạc và công sức bỏ ra hay không, trong khi bộ máy công quyền vốn đã cồng kềnh. Cứ đà này, ngành nào cũng đòi có cảnh sát riêng thì càng cồng kềnh hơn. Chính quyền, với đầy đủ công cụ, được giao quyền hành và nhiệm vụ trấn áp tội phạm, đảm bảo an toàn cho nhân dân. Nếu yếu thì bổ sung, cả ngân sách lẫn con người chứ không lập mới tạo ra rắc rối và quản lý chồng chéo. Ngoài ra, lập xong CSDL lại phải có đội kiểm tra CSDL… Chẳng lẽ CSDL chỉ bảo vệ du khách? Nếu thế khi gặp cướp giật, móc túi thì CSDL phải hỏi rõ nạn nhân có phải là du khách không thì mới dám ra tay? Lâu nay, đó là nhiệm vụ của ngành công an. Nơi nào để xảy ra tệ nạn thì truy cứu trách nhiệm của người đứng đầu. Các nước đều làm như vậy, giản đơn mà hiệu quả.
Ngành du lịch đưa Thái Lan và Campuchia làm điển hình để yêu cầu lập CSDL. Tuy nhiên, hai nước đó có an ninh du lịch tốt hơn hẳn Việt Nam là nhờ những biện pháp đồng bộ và kiên quyết của nhà nước chứ không phải nhờ CSDL. CSDL các nước trên có nhiệm vụ gần giống với thanh tra du lịch Việt Nam, chỉ khác là họ có thêm công cụ hỗ trợ và vi hành khắp nơi. Vì vậy, nếu không thay đổi tình trạng “Đánh trống bỏ dùi”, “Bắt cóc bỏ đĩa”, “Xử phạt trêu ngươi”… như hiện nay thì dù có CSDL cũng không thể xoay chuyển được tình thế. Điều này đòi hỏi thay đổi nhận thức và tư duy quản lý của ngành du lịch.
Nguyễn Vũ Mộc Thiêng
>> Du khách nước ngoài lại bị taxi ở Hà Nội "chặt chém
>> Để giảm thiểu nạn chặt chém du khách
>> Du khách nước ngoài bị "chặt chém": Ngành du lịch nói gì?
>> Khẩn trương điều tra vụ 3 du khách Pháp bị lừa đảo
Bình luận (0)