Cảnh sát được quyền nổ súng khi nào nếu bị chống người thi hành công vụ?

18/09/2017 12:20 GMT+7

Mới đây mạng xã hội xuất hiện clip CSGT rút súng chĩa vào người vi phạm đang có hành vi đe dọa gây xôn xao dư luận. Nhiều bạn đọc thắc mắc vậy cảnh sát được rút súng, nổ súng trong những trường hợp nào? Và thế nào là chống người thi hành công vụ?

Theo đại tá Phạm Văn Ngót - Trưởng Phòng tham mưu Công an tỉnh Bến Tre khoảng 17 giờ ngày 13.9, Tổ tuần tra đang lưu thông từ xã Lộc Thuận về hướng thị trấn Bình Đại thì phát hiện xe máy BKS 63S5 - 2700 do một nam thanh niên điều khiển chở một phụ nữ đang chạy với tốc độ cao theo hướng ngược lại và xe không có gương chiếu hậu bên trái.
VIDEO: CSGT rút súng sau khi giằng co với nam thanh niên
Tổ kiểm soát ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra. Tuy nhiên, trong quá trình quay đầu xe chuyển hướng, nam thanh niên xuống xe dẫn bộ trước khi tổ tuần tra đến nơi. CSGT yêu cầu người thanh niên này xuất trình giấy tờ để kiểm tra nhưng anh không chấp hành mà cự cãi rồi gọi điện thoại cho một số thanh niên khác đến hỗ trợ.
Sau đó, hai bên cự cãi to tiếng và giằng co với nhau khiến CSGT ngã xuống đường. Khi đứng dậy, CSGT đã rút súng chĩa về nhóm thanh niên. Đại tá Ngót khẳng định CSGT rút súng là cần thiết và đúng luật trong trường hợp này.
Sau vụ việc trên, nhiều bạn đọc đã đặt câu hỏi khi nào cảnh sát được phép nổ súng. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với luật sư Huỳnh Công Thư (Đoàn luật sư tỉnh Long An) để làm rõ các vấn đề thắc mắc này.
Theo luật sư Huỳnh Công Thư, không có quy định về trường hợp khi nào cảnh sát được rút súng, chỉ có quy định về việc khi nào cảnh sát được nổ súng. Riêng trong vụ việc này ở Bến Tre, luật sư Thư cho rằng nhóm thanh niên có dấu hiệu của hành vi chống người thi hành công vụ.
Theo đó, Chống người thi hành công vụ được hiểu là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.
Luật sư Thư cho biết Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30.6.2011 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định khi thi hành nhiệm vụ, việc nổ súng phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền
Cụ thể, Điều 22 của Pháp lệnh này quy định, khi thi hành nhiệm vụ độc lập thì việc nổ súng phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:
a) Phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định việc nổ súng;
b) Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà không tuân theo. Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay;
c) Không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;
d) Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng súng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra.
Các đối tượng cự cãi, giằng co với Tổ CSGT H.Bình Đại dẫn đến việc CSGT phải rút súng
Các trường hợp được phép nổ súng
Cũng theo điều luật trên, người thi hành công vụ được phép nổ súng đối với các trường hợp dưới đây:
a) Người đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;
b) Người đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc đe dọa sự an toàn của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;
c) Người đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;
d) Người đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;
d) Người đang đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; người bị giam, giữ, bị dẫn giải, bị áp giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đang chạy trốn hoặc chống lại;
e) Được phép bắn vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa để dừng phương tiện đó trong các trường hợp sau, trừ phương tiện giao thông của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế:
- Người điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe doạ trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;
- Khi biết rõ phương tiện đó do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;
- Khi biết rõ trên phương tiện cố tình chạy trốn có đối tượng phạm tội hoặc có vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy số lượng lớn, tài sản đặc biệt quý hiếm, bảo vật quốc gia, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;
g) Động vật đang đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.
Khoản 5 Điều 14 Nghị định số 208/2013/NĐ-CP cũng quy định trong trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ tấn công người thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.
Việc nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ được thực hiện theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.