Cạnh tranh... đi chợ thuê

26/01/2016 05:53 GMT+7

Dịch vụ đi chợ thuê được đánh giá sẽ có tiềm năng phát triển mạnh tại VN trong thời gian tới, đặc biệt qua các ứng dụng trên điện thoại di động.

Dịch vụ đi chợ thuê được đánh giá sẽ có tiềm năng phát triển mạnh tại VN trong thời gian tới, đặc biệt qua các ứng dụng trên điện thoại di động. 

Mua rau, thịt qua ứng dụng điện thoại khá dễ dàng - Ảnh: M.PMua rau, thịt qua ứng dụng điện thoại khá dễ dàng - Ảnh: M.P
Giờ đây chỉ cần ngồi nhà, nhiều phụ nữ bận rộn vẫn đảm bảo mua đủ thứ từ thịt cá, rau củ, trái cây... cho bữa cơm hằng ngày của gia đình.
Tiềm năng
Đầu tháng 12.2015, Công ty Cùng Mua đã triển khai dịch vụ Green Bag tại nội thành TP.HCM. Ðây là ứng dụng di động cho phép khách hàng có thể đặt mua rau và thịt đầu tiên tại VN. Sau hơn 1 tháng, đã có hơn 10.000 khách hàng cài đặt và sử dụng dịch vụ.
Chỉ cần vài thao tác đơn giản, khách hàng sẽ tiết kiệm được thời gian đi chợ thông qua việc chọn các thực phẩm có trong danh sách sẵn sàng trên web và hàng sẽ được giao tận nơi trong vòng 1 giờ với mức phí là 25.000 đồng/đơn hàng. Hiện nay đơn vị này liên kết với một số siêu thị, cửa hàng để cung cấp sản phẩm cho khách hàng.
Theo ông Hồ Quang Khánh, Tổng giám đốc Công ty Cùng Mua (đơn vị sở hữu ứng dụng Green Bag), xu hướng mua sắm trực tuyến tại VN ngày càng tăng mạnh. Tuy nhiên việc bán thực phẩm tươi sống lại chưa được các đơn vị thực hiện.
Trong khi đó dịch vụ này đã phát triển khá mạnh ở nhiều quốc gia khác như Mỹ, Singapore, Thái Lan, Malaysia… “Xuất phát từ nhu cầu của cá nhân, người quen cũng như qua việc tìm hiểu các dịch vụ đi chợ thay hiện đang được cung cấp, chúng tôi đã triển khai dịch vụ đi chợ trực tuyến qua app. Tôi hy vọng sau 1 năm sẽ có khoảng 200.000 khách hàng sử dụng dịch vụ. Hiện nay công ty cũng đang tuyển dụng và đào tạo thường xuyên nhân viên đi chợ thuê (shopper)”, ông Hồ Quang Khánh nói. Hay nói cách khác, Green Bag làm trung gian, kết nối khách hàng với các sản phẩm rau, thịt sạch từ những nhà bán lẻ có tiếng như Big C, Vissan hay Cmart. Ngoài mức phí thu từ khách hàng, Green Bag sẽ nhận được chiết khấu từ các siêu thị, nhà cung cấp.
Trước đó, Công ty cổ phần Đi Siêu Thị cũng bắt đầu cung cấp sàn giao dịch hàng tiêu dùng nhanh trực tuyến trên địa bàn Hà Nội và công ty công bố từ đầu năm nay sẽ cung cấp dịch vụ cho TP.HCM. Đồng thời Đi Siêu Thị cũng xây dựng thêm ứng dụng trên di động với nhiều tính năng mới để tăng tính tiện lợi cho khách hàng. Hiện sản phẩm của đơn vị này khá phong phú với sự liên kết của các nhà cung cấp hàng hóa như TopGreen, Unimart, Hapro…
Nhưng không dễ ăn
Thực tế, dịch vụ đi chợ thuê đã xuất hiện từ rất lâu nhưng đa số là do cá nhân hay nhóm gia đình thực hiện. Những dịch vụ này vẫn theo cách kinh doanh truyền thống là khách phải đặt hàng qua điện thoại. Các nhóm này có độ linh hoạt, sẵn sàng nhận mọi đơn đặt hàng dù chỉ là một ly cà phê.
Theo bà Nguyễn Thụy Thanh Thảo, chủ dịch vụ “Cô Chu - đi chợ giùm bạn”, khách hàng có thể yêu cầu mua bất kỳ món đồ nào, từ thức ăn làm sẵn hay tươi sống, đến quần áo, giày dép... Thậm chí khách chỉ yêu cầu mua một ly trà cũng nhận giao. “Dịch vụ của mình chỉ mua hàng đúng nơi khách yêu cầu. Nói cách khác là bên mình giống như xe ôm. Phí giao nhận đều linh động, vì nếu khách yêu cầu 1 ly cà phê cũng nhận mà không thể nào lấy phí của khách đến 60.000 đồng trong khi ly cà phê đó giá chỉ 52.000 đồng”, Nguyễn Thụy Thanh Thảo chia sẻ. Đó là chưa kể nhà cung cấp vẫn gặp rủi ro, đôi khi có những đơn hàng giao đến nơi thì khách tắt điện thoại hoặc cho địa chỉ ma khiến cả đội phải ôm hàng…
Thực tế dù cầu nhiều, cung ít nhưng nhiều dịch vụ đã phải rời bỏ cuộc chơi. Đại diện một công ty chuyên cung cấp thực phẩm và suất ăn công nghiệp tại TP.HCM cho biết sau khi cung cấp dịch vụ đi chợ giùm từ giữa năm 2015 nhưng chỉ sau vài tháng, đơn vị này đã đóng cửa bởi có quá nhiều đơn hàng nhỏ lẻ, khách hàng ở những địa bàn cách xa nhau nên thu không đủ bù chi. Hoặc như FoodPanda VN, dịch vụ gọi món ăn nhà hàng qua ứng dụng di động tại 42 quốc gia, có mặt tại VN từ năm 2012, nhưng mới đây đã tuyên bố bán lại cho Vietnammm và sa thải 100 nhân viên.
Ông Hồ Quang Khánh cũng nhận định xu hướng đi chợ trực tuyến bằng ứng dụng di động sẽ phát triển ngày càng mạnh. Nhưng sự thành công còn phụ thuộc vào khả năng tài chính, vận hành và đội ngũ shopper. “Đây là việc đầu tư dài hạn vì trong thời gian đầu, công ty sẽ phải chịu những chi phí cố định khá lớn từ xây dựng hệ thống, chi phí đội ngũ nhân sự… Chỉ khi nào lượng khách hàng tăng lên con số vài trăm ngàn người cùng với việc liên kết của nhiều cửa hàng, siêu thị hơn thì công ty mới có thêm nhiều nguồn thu để có lãi”, ông Hồ Quang Khánh nói.
Mua sắm online ngày càng tăng
Năm 2014, nhà bán lẻ tạp hóa trực tuyến Peapod, một trong những hãng kinh doanh thực phẩm tươi sống trực tuyến lớn của Mỹ, đã đạt doanh thu hơn 210 triệu USD qua ứng dụng di động. Peapod ra đời từ năm 1989 và ước tính đã giao hơn 20 triệu đơn hàng.
Tại VN, năm 2014, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin công bố, doanh thu thương mại điện tử ở Việt Nam đạt 2,97 tỉ USD, trong đó ngành hàng thực phẩm chiếm 520 triệu USD.
Dự kiến doanh số mua sắm online tại VN đang tăng với tốc độ nhảy vọt, gần gấp đôi trong năm 2015, trong đó ngành hàng thực phẩm cũng sẽ tăng tương ứng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.