Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận lần đầu được 'rót vốn' sau hơn 10 năm khởi công

Bắc Bình
Bắc Bình
04/12/2019 18:22 GMT+7

Chiều 4.10, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức họp báo công bố về kế hoạch giải ngân và tiến độ Dự án BOT Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết hiện công trường của Dự án BOT Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (gọi tắt dự án) có 21/24 gói thầu thi công và tổng khối lượng công trình hoàn thành đạt khoảng 27% (tương đương 3.100 tỉ đồng).

Ngày 27.11, Bộ Tài chính có văn bản gửi UBND tỉnh Tiền Giang về việc bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước từ nguồn tăng thu ngân sách T.Ư năm 2018 số tiền 2.186 tỉ đồng. Đây là phần vốn nhà nước hỗ trợ Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức hợp đồng đối tác công – tư PPP. Kho bạc Nhà nước Việt Nam cũng đã chuyển số tiền trên về Kho bạc Nhà nước tỉnh Tiền Giang. Nguồn vốn 2.186 tỉ đồng đã được UBND tỉnh ký ban hành quyết định giải ngân.

 

Triển khai thi công 3 ca cho kịp tiến độ

Cụ thể về tiến độ giải ngân, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ chi trả phần chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) mà tỉnh đã ứng 278 tỉ đồng từ vốn ngân sách tỉnh cho dự án; Hoàn trả cho Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận 1.445 tỉ đồng do doanh nghiệp dự án đã tự ứng vốn GPMB trước đó; Tạm ứng theo hồ sơ chuẩn bị phê duyệt 10 tỉ đồng, dự trù kinh phí GPMB cho các hạng mục bổ sung đang chuẩn bị trình phê duyệt 53 tỉ đồng.

Phần vốn còn lại sẽ thực hiện một số hạng mục xây lắp, trong đó, ưu tiên thực hiện các hạng mục như 22 km đường gom để phục vụ dân sinh, 3 cây cầu vượt với tổng mức đầu tư khoảng 360 tỉ đồng. Phần vốn 39 tỉ đồng dự kiến để sử dụng cho công tác kiểm định chất lượng công trình, chi phí quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GT-VT Tiền Giang, cho biết toàn tuyến dự án có 3.300 hộ dân bị giải tỏa và hiện chỉ còn 1 hộ vẫn đang đàm phán về giá. Tuy vậy, vị trí của thửa đất của hộ dân này chỉ nằm trên đường gom của tuyến cao tốc và không ảnh hưởng đến tiến độ thi công.  

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho hay doanh nghiệp đã nhận được 1.390 tỉ đồng từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Theo ông Đông, với tiến độ hiện nay, sẽ thông tuyến vào cuối năm 2020 và khánh thành đưa vào sử dụng ngày 30.4.2021 như cam kết với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư sau nhiều lần điều chỉnh là 12.668 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn chủ sở hữu và vốn vay 10.482 tỉ đồng, vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ 2.186 tỉ đồng. Dự án có chiều dài hơn 51 km với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa - đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương và điểm cuối tại nút giao An Thái Trung, H.Cái Bè. Dự án được khởi công lần đầu vào năm 2009 và tái khởi động nhiều lần nhưng đều “đắp chiếu” do không có vốn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.