Vốn hỗ trợ đã có...
Đây, nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách đã có rồi, các anh không phải lo nữa, chỉ cố gắng đẩy nhanh tiến độ, quyết liệt hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch đề ra là thông tuyến vào ngày 31.12.2020, hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 4.2021 đúng như cam kết của Chính phủ, nhà đầu tư với đất nước, với người dân
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
|
đề ra là thông tuyến vào ngày 31.12.2020, hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 4.2021 đúng như cam kết của Chính phủ, nhà đầu tư với đất nước, với người dân”.
|
Thủ tướng biểu dương lãnh đạo, các ban ngành của UBND tỉnh Tiền Giang, các nhà đầu tư và 3 ngân hàng (VietinBank, Agribank, BIDV) đã sát cánh bên nhau cùng tháo gỡ những khó khăn của dự án. Đồng thời Thủ tướng nhắc nhở việc đồng ý tham gia liên danh các ngân hàng tài trợ vốn của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) nhưng sau đó lại rút ra, gây lúng túng cho các chủ đầu tư và dự án là không rõ ràng.
“Công văn từ tay Thủ tướng về việc phân bổ nguồn vốn 2.186 tỉ đồng hỗ trợ cho DA là động lực tuyệt vời cho chúng tôi cũng như các đơn vị thi công phấn đấu nhiều hơn nữa. Chúng tôi đã có phương án thi công 24/24 giờ, làm suốt 3 ca/ngày đêm để bảo đảm tiến độ mà Chính phủ đề ra, quyết không để DA lỡ hẹn với gần 20 triệu người dân ĐBSCL và đồng bào cả nước. Chúng tôi đang hết sức nỗ lực”, ông Mai Mạnh Hồng nói tại buổi làm việc với Thủ tướng.
Tín hiệu vui cho dự án cao tốc thứ 3 ở miền TâyCũng trong ngày 27.9, tại Tiền Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Công văn hỏa tốc có nội dung chỉ đạo của ông đối với các bộ, ngành T.Ư phối hợp thực hiện phân bổ, giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước 932 tỉ đồng cho DA cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Công văn này được Thủ tướng trao trực tiếp Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể. DA cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (tiếp nối DA Trung Lương - Mỹ Thuận đến TP.Cần Thơ với chiều dài hơn 23 km) có tổng mức đầu tư 4.919 tỉ đồng. Trong đó, vốn nhà nước tham gia hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 932 tỉ đồng, phần còn lại là vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư (797,5 tỉ đồng) và vốn vay thương mại.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL để bàn những giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất hệ lụy do sạt lở gây nên. Thủ tướng cho rằng Chính phủ cần kiến nghị Quốc hội bố trí đủ vốn khoảng 3.000 tỉ đồng để hỗ trợ ĐBSCL xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở trong 2 năm 2019 - 2020.
Bắc Bình - TTXVN
|
Tiến độ vẫn phập phồng
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên “thời gian hoàn thành DA chỉ còn khoảng 15 tháng nữa, liệu có kịp thông tuyến như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ?”, ông Hồng cho biết việc thi công hiện đã đạt 27% khối lượng công việc. Nguồn vốn tạm thời hiện vẫn đảm bảo việc thi công nhưng kế hoạch khó thực hiện đầy đủ nếu phần vốn khoảng 1.200 tỉ đồng mà VPBank rút ra vẫn chưa có ngân hàng nào tiến lên bù đắp cho đủ phần vốn tín dụng hơn 7.082 tỉ đồng.
“Chúng tôi đã thống nhất với ngân hàng, UBND tỉnh Tiền Giang là tăng vốn tự có từ 2.787 tỉ đồng lên đến 3.400 tỉ đồng, tương ứng 32,4% tổng vốn đầu tư dự án. Trong khi đó, ngân hàng đầu mối là VietinBank đã gửi công văn yêu cầu VPBank quay lại nhưng vẫn chưa có tín hiệu. Vì vậy, DA vẫn sẽ bị ảnh hưởng tiến độ vì chưa có đủ nguồn vốn để tập kết vật liệu, vật tư dự phòng, kiểm soát giá cả… trong khi thời gian thi công còn lại của DA rất ngắn. Mặt khác, kế hoạch cụ thể việc giải ngân nguồn vốn ngân sách 2.186 tỉ đồng cũng chưa có…”, ông Hồng quan ngại.
|
Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết địa phương đã bàn thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng cho dự án với tổng số hơn 3.100 hộ dân bị ảnh hưởng. Đồng thời tỉnh Tiền Giang đã sẵn sàng các kế hoạch theo đề xuất của chủ đầu tư, đơn vị thi công để phục vụ tiến độ đạt nhanh nhất. Trong đó, UBND tỉnh Tiền Giang đang xem xét, đánh giá theo trình tự thủ tục để mở lại mỏ cát phục vụ cho DA cao tốc thứ 2 của miền Tây.
Liên quan đến DA cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chậm tiến độ và liệu vướng mắc có sớm được giải quyết, trả lời câu hỏi của Thanh Niên tại buổi họp báo chiều qua của Bộ GTVT, ông Vũ Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác công - tư, cho hay vướng mắc chính của DA hiện nay nằm ở giải ngân vốn vay của nhà đầu tư. Theo ông Tuấn, phần vốn nhà nước hỗ trợ cho DA là 2.186 tỉ đồng trích từ quỹ vượt thu của ngân sách đã được đáp ứng. Riêng phần vốn mà nhà đầu tư huy động từ các nhà băng đang có vướng mắc. “Giờ là trách nhiệm đàm phán giữa ngân hàng cho vay với chủ đầu tư”, ông Tuấn nói.
Nói thêm về việc DA liên tục được các lãnh đạo cao nhất của Chính phủ thị sát trong thời gian rất ngắn, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết: “DA không có gì bất thường”. “Vì đây là DA trọng điểm, nên việc được quan tâm từ cả Quốc hội, Chính phủ là bình thường. Và trong những lần thị sát, lãnh đạo Chính phủ đều có chỉ đạo cho cả DA cao tốc Mỹ Thuận đi Cần Thơ, và cầu Mỹ Thuận 2 nhằm thúc đẩy tất cả các DA này. Việc cấp trên chỉ đạo là rất tốt để đốc thúc cho cả hệ thống chạy”, ông Đông chia sẻ.
Hơn thập niên chờ đợi, người dân chưa dám tin
DA cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được khởi công lần đầu vào năm 2010 nhưng ì ạch suốt 10 năm qua, đã trải qua nhiều lần điều chỉnh tổng vốn đầu tư. DA có tổng chiều dài hơn 51 km, điểm đầu là tại đoạn đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương thuộc xã Thân Cửu Nghĩa, H.Châu Thành và điểm cuối tại nút giao QL30, xã An Thái Trung, H.Cái Bè (Tiền Giang).
Trao đổi với PV Thanh Niên, nhiều hộ dân vùng DA vẫn chưa dám tin cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ được đưa vào sử dụng vào tháng 4.2021.
Tính từ ngày nhận thông báo thu hồi đất đến ngày chính thức bị thu hồi, hộ ông Nguyễn Minh Mẫn (59 tuổi, ngụ TX.Cai Lậy) trồng thêm được 18 vụ lúa ngay tại nền đường cao tốc trong tương lai. Hiện người con lớn của ông đã tốt nghiệp ra trường, làm thợ điện, lấy vợ sinh con bên TP.Cần Thơ. Người con trai kế cũng học xong cao đẳng nghề, đi TP.HCM làm. Gia đình chỉ còn 2 vợ chồng già và cô gái út chuẩn bị vô lớp 11. Lúc này, số tiền nhận đền bù đủ chu toàn cuộc sống gia đình.
Ông Võ Văn Chính (59 tuổi, ấp Tân Hòa, xã Tân Phú, TX.Cai Lậy, Tiền Giang) cho biết: DA khởi công rồi bỏ đó suốt nhiều năm nên năm 2012 ông mua cặp trâu về nuôi nhằm tận dụng cỏ nước mặn trên vạt đất bị giải tỏa. Đến nay, đã có hơn chục con nghé chào đời, trưởng thành sinh sản mà phần đất bị giải tỏa làm đường vẫn đặc kín cỏ. “Hơn 10 năm rồi, nhiều lần chính quyền khởi động rồi im lặng, rồi lại khởi động… Hơn ai hết, người dân như tôi mong nhiều nhất chứ ai. Vì DA xong rồi còn biết đường mà làm ăn, ổn định cuộc sống chứ kéo dài như vầy hoài dân hoang mang, khó khăn lắm”, ông Chính nói.
Bình luận (0)