Cấp 10 triệu liều vắc xin phòng chống bạch hầu cho Tây Nguyên

09/07/2020 16:40 GMT+7

Bộ Y tế đã khẩn trương lên kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống bạch hầu cho người dân khu vực Tây Nguyên trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng.

Từ năm 2013, bệnh bạch hầu đã tái xuất tại khu vực Tây Nguyên và có xu hướng tăng dần, trải rộng theo các năm. Chỉ trong vòng chưa đến một tháng nay, trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên đã xuất hiện các ổ dịch bạch hầu.

Bệnh đang có xu hướng diễn biến phức tạp. Hiện khu vực này đã có 72 trường hợp dương tính với virus bạch hầu, trong đó có 3 ca tử vong. Đắk Nông là tỉnh có người mắc cao nhất với 28 ca, tiếp đến là Kon Tum 25 ca và số bệnh nhân còn lại ở hai tỉnh Gia Lai và  Đắk Lắk.

Những ai ở Tây Nguyên được tiêm phòng bạch hầu?

Trong ngày 9.7, đoàn công tác của Bộ Y tế do quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã đến Gia Lai làm việc với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Quảng Nam và Quảng Ngãi về tình hình diễn biến bệnh bạch hầu. 

Nhằm chặn đứng và khống chế khả năng tái xuất hiện của bệnh bạch hầu một cách bền vững, quyền bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho toàn bộ người dân khu vực Tây Nguyên. 

Chiều 9.7, tại H.Đăk Đoa (Gia Lai), lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo địa phương, ngành y tế của khu vực Tây Nguyên đã tiến hành phát động “Chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống bạch hầu tại 4 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum”. 

Ông Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, cho biết: “Kế hoạch tiêm chủng sẽ triển khai đồng loạt tại tất cả các xã, phường trên toàn địa bàn Tây Nguyên ngay sau lễ phát động này. Đặc biệt, không để vùng trắng về tiêm chủng. Theo đó, dự kiến sẽ có 10 triệu liều vắc xin được cung cấp để tiêm cho khoảng 5 triệu người dân”.

Đây là bệnh truyền nhiễm, dễ lây qua đường hô hấp; thường gặp ở trẻ nhỏ do không tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ. Mặc dù vậy, tình hình dịch bệnh bạch hầu hiện nay có nhiều điểm khác biệt so với các năm trước như số trường hợp mắc tăng gấp 3 lần, xuất hiện nhiều nơi với nhiều nhóm tuổi và tỷ lệ tử vong hiện khá cao.

Để khẩn trương kiểm soát dịch bệnh bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên, Bộ Y tế đã triển khai quyết liệt các biện pháp đáp ứng phòng chống dịch như: Cử đội cơ động chống dịch xuống hỗ trợ địa phương; tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp bệnh, các trường hợp tiếp xúc; tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc và điều trị dự phòng cho người dân trong khu vực có nguy cơ. 

Tại lễ phát động, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Một trong những biện pháp phòng chống dịch bạch hầu hiệu quả nhất và căn cơ nhất đó là tiêm vắc xin bạch hầu để phòng chống dịch toàn diện, nhanh chóng, hiệu quả và bền vững. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch bạch hầu trên diện rộng tại 4 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum. Đây là kế hoạch chống dịch bạch hầu có quy mô lớn từ trước đến nay tại Việt Nam. Nguồn vắc xin phòng bệnh được đảm bảo cung ứng đầy đủ, cung ứng kịp thời cho phòng, chống dịch”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.