Văn phòng Chính phủ ra thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 17.5 về việc mua vắc xin phòng Covid-19 của Công ty Pfizer. Theo thông báo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Pfizer không chấp nhận đàm phán về giá, các điều kiện hợp đồng và bên Việt Nam (VN) phải trả lời Công ty Pfizer chậm nhất trong ngày 18.5. Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận việc mua vắc xin phòng Covid-19 là cần thiết, cấp bách theo đúng kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Công văn số 50 ngày 19.2.2021 và của Chính phủ tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26.2.2021.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm về lựa chọn loại vắc xin; chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo nêu trên tại cuộc họp Thường trực Chính phủ. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định trong điều kiện “chống dịch như chống giặc”, khan hiếm vắc xin phòng chống Covid-19 trên toàn cầu, để sớm có vắc xin và tiêm cho nhân dân là tình huống cấp bách, vì thế việc mua vắc xin phải được xử lý theo quy định của pháp luật về các trường hợp đặc biệt, cấp bách và phải thực hiện ngay.
Dự kiến 31 triệu liều sẽ về VN quý 3 hoặc 4 năm nay
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết VN đã chấp nhận mua vắc xin Covid-19 từ Pfizer với 31 triệu liều trong đợt 1 và 20 triệu liều đợt 2. Trong đó, dự kiến 31 triệu liều sẽ về VN quý 3 hoặc 4 năm nay. Tuy nhiên, thực tế tiếp nhận sẽ phụ thuộc vào nguồn cung ứng của Pfizer.
|
Ngoài ra, Bộ Y tế đã đàm phán với một số quốc gia để tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới sản xuất vắc xin Covid-19. Hiện Nhật Bản và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có phản hồi, sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin Covid-19 cho VN. Dự kiến, trong tháng 6, lãnh đạo Bộ Y tế cùng đoàn công tác sẽ tới Nhật Bản, trao đổi, đàm phán về việc tiếp nhận công nghệ sản xuất vắc xin từ Nhật Bản. Một đơn vị có kinh nghiệm trong sản xuất vắc xin thuộc Bộ Y tế sẽ tiếp nhận công nghệ này.
WHO và Nhật Bản chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin mới nhất của thế giới, đến thời điểm hiện tại. Công nghệ này được coi là bước ngoặt rất lớn trong sản xuất vắc xin, giúp đáp ứng miễn dịch diễn ra nhanh, hiệu quả cao; giảm thấp các phản ứng phản vệ sau tiêm. Đây là công nghệ đã được 2 công ty của Mỹ là Pfizer và Moderna sử dụng sản xuất vắc xin Covid-19, có hiệu quả bảo vệ hàng đầu.
Tiêm miễn phí cho dân
Chiều 18.5, làm việc với MTTQ VN TP.Hà Nội, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu MTTQ trước mắt tập trung vận động mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Hiện Hà Nội đang tính toán bố trí nguồn lực để mua và tiêm vắc xin Covid-19 miễn phí cho người dân theo 3 nguồn, ngoài nguồn từ T.Ư thông qua phân bổ vắc xin, sẽ có thêm nguồn từ ngân sách thành phố và nguồn viện trợ, hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân đóng góp vào Quỹ phòng, chống Covid-19.
Theo Bộ Y tế, kế hoạch chi tiết phân bổ vắc xin đợt 3 với việc mở rộng đối tượng được tiêm đang được Cục Y tế dự phòng xây dựng chi tiết. Vắc xin sẽ được phân bổ và triển khai tiêm đợt 3 sau khi có kết quả kiểm định chất lượng. Dự kiến, đợt 3 sẽ hoàn thành vào ngày 31.7 tới với 1,68 triệu liều vắc xin mới tiếp nhận hôm 16.5.
Liên Châu
|
Ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh nguồn vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ phòng, chống Covid-19 của thành phố sẽ dùng để mua vắc xin, nhằm triển khai kế hoạch tiêm miễn phí cho người dân thủ đô.
Theo kế hoạch, Hà Nội đặt mục tiêu có 95% đối tượng có nguy cơ và người dân trên địa bàn được tiêm chủng đủ mũi vắc xin phòng Covid-19 theo từng đợt.
Nhóm đối tượng số 1, đối tượng ưu tiên là lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch gồm: người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng, chống dịch (thành viên ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ Covid-19 dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên); quân đội; công an; nhân viên, cán bộ ngoại giao làm việc tại VN và của VN được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh. Nhóm đối tượng số 2 là người từ 18 - 65 tuổi không thuộc các nhóm đối tượng trên.
MTTQ Hà Nội đã ra Lời kêu gọi toàn dân chung tay phòng, chống dịch bệnh. Từ ngày 4.2.2020 - 15.5.2021, MTTQ TP đã tiếp nhận đăng ký, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân cho công tác phòng chống dịch là trên 260,7 tỉ đồng; đã trao hỗ trợ công tác phòng chống dịch với tổng số tiền mặt và hàng hóa trị giá trên 220 tỉ đồng.
Tại Vĩnh Phúc, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết hỗ trợ 100% chi phí tiêm vắc xin phòng chống Covid-19 với kinh phí từ nguồn ngân sách cấp tỉnh và nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân... Theo đó, diện được hỗ trợ là người dân từ 18 tuổi trở lên, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú trên 6 tháng tại tỉnh Vĩnh Phúc. Tổng kinh phí hỗ trợ tiêm vắc xin phòng Covid-19 giai đoạn 2021 - 2022 dự kiến là hơn 342 tỉ đồng với thời gian thực hiện từ ngày 16.5.2021 - 31.12.2022. Bên cạnh đó, Sở Y tế Bắc Ninh đề nghị phân bổ vắc xin phòng Covid-19 cho Bắc Ninh để tiêm chủng cho toàn bộ người dân trên địa bàn.
Mỹ chia sẻ 80 triệu liều vắc xin Covid-19Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm qua (giờ VN), Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố tới cuối tháng 6 sẽ viện trợ tổng cộng 80 triệu liều vắc xin Covid-19 cho các quốc gia đang cần. Đa số sẽ là vắc xin AstraZeneca (60 triệu liều) lấy từ kho dự trữ của Mỹ, phần còn lại là các vắc xin Moderna, Pfizer và Johnson & Johnson (nhóm được Mỹ cấp phép sử dụng).
Theo Tổng thống Biden, điều này có nghĩa là trong 6 tuần nữa Mỹ sẽ gửi 13% số vắc xin được sản xuất nội địa tính đến cuối tháng 6 cho những khu vực đang khó khăn của thế giới. “Mỹ sẽ trở thành kho vắc xin của toàn cầu”, ông Biden nói, đồng thời khẳng định việc viện trợ không đi kèm bất kỳ điều kiện nào. Đến nay vẫn chưa rõ danh sách các quốc gia sẽ nhận lô vắc xin trên từ Mỹ.
H.G
|
Bình luận (0)