Các ngày qua, Bệnh viện (BV) E, BV Bạch Mai và các đơn vị đủ điều kiện trên cả nước đã triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho y bác sĩ và những người thuộc nhóm ưu tiên.
Tại BV Bạch Mai, một bác sĩ trưởng khoa cho biết: “Tại BV, các bệnh nhân đến từ nhiều nơi, nguy cơ ca bệnh xâm nhập BV lây cho nhân viên y tế, và lại có nguy cơ nhiễm chéo trong BV, vì có những ca bệnh không triệu chứng. Khi các cán bộ y tế tiêm chủng, họ được bảo vệ trước bệnh dịch, nhưng đồng thời cũng không còn là nguy cơ bị nhiễm bệnh, lây chéo trong quá trình tiếp xúc, thăm khám, điều trị”. Về phản ứng sau tiêm, bác sĩ chia sẻ: “Bản thân tôi sau tiêm vắc xin Covid-19 khoảng 7 - 8 tiếng có sốt, gần 39 độ C, và cảm giác rét nữa. Đến sáng thì hết sốt dần nhưng đúng là còn mệt, như người bị cúm. Tuy nhiên, tôi và những đồng nghiệp cùng tiêm vẫn đi làm ngay vào hôm sau bình thường, và cảm giác mệt cũng hết dần”.
Được tiêm vắc xin chiều 17.5, chị Thúy H. (ngụ Q.Hà Đông) cho hay: “Tôi được tiêm vào khoảng 15 giờ chiều, sau tiêm không sốt nhưng lại có cảm giác mệt, trằn trọc, khó ngủ. Một người quen của tôi cùng tiêm, thì có sốt gần 39 độ C”.
Trong khi đó, đã tiêm vắc xin Covid-19 hôm 29.4, chị Nguyễn Thị C., giảng viên Học viện Ngân hàng, cho hay: “Tôi không sốt, hầu như không gặp vấn đề gì sau tiêm. Tôi cảm thấy thoải mái vì mình đã tiêm, bảo vệ cho mình, cho người thân và các sinh viên của mình. Tôi biết mình vẫn cần tuân thủ khuyến cáo 5K và tiêm mũi 2 theo hẹn”.
Theo Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia, các phản ứng thông thường sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca có thể gặp như: đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, khó chịu, sốt trên 38 độ C có thể gặp trên 10%, phản ứng tại chỗ như sưng tấy, ban đỏ tại chỗ tiêm gặp khoảng từ 1 đến dưới 10%.
PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, phụ trách TCMR, nhấn mạnh: “Tất cả các đối tượng trước khi tiêm chủng đều phải được cán bộ y tế khám sàng lọc trước khi chỉ định tiêm chủng”.
Theo hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca, không chống chỉ định với các trường hợp có bệnh lý nền như tiểu đường, tăng huyết áp... Với người bệnh có các bệnh lý nền nặng, bệnh mạn tính chưa được điều trị ổn định là một trong những yếu tố cần thận trọng khi tiêm chủng. Vì vậy, những đối tượng này sẽ được tiêm chủng và theo dõi tại BV nếu đủ điều kiện tiêm chủng.
Theo Chương trình TCMR quốc gia, các công việc đảm bảo an toàn tiêm chủng vắc xin Covid-19 được triển khai toàn diện về nhân lực, kho lạnh, trang thiết bị bảo quản, vận chuyển cũng như công tác xử trí nhanh khi có sốc phản vệ... “Bộ Y tế và Chương trình TCMR quốc gia khi triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 luôn tuân thủ nguyên tắc “tiêm đến đâu an toàn đến đấy”, PGS-TS Dương Thị Hồng khẳng định.
Theo TS Hồng, tất cả các điểm tiêm chủng cán bộ y tế đã được tập huấn đầy đủ về kỹ năng thực hành tiêm chủng an toàn và xử trí phản ứng nặng sau tiêm chủng, đặc biệt là phản ứng phản vệ sau tiêm vắc xin. 100% điểm tiêm chủng đều được trang bị đầy đủ thuốc và thiết bị để đảm bảo tổ chức tiêm chủng an toàn. Tất cả các đối tượng trước khi tiêm chủng đều được khám sàng lọc theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đủ điều kiện sẽ được tiêm chủng và hướng dẫn theo dõi sức khỏe sau khi tiêm chủng. Các địa phương đều bố trí các đội cấp cứu lưu động với cán bộ có chuyên môn hồi sức cấp cứu để hỗ trợ cho điểm tiêm chủng.
“Vì đây là một vắc xin mới nên Bộ Y tế và Chương trình TCMR quốc gia thường xuyên cập nhật các thông tin hướng dẫn và kịp thời tập huấn cho cán bộ tiêm chủng các tuyến. Đồng thời truyền thông, hướng dẫn cho người đi tiêm chủng những điều cần thực hiện khi đi tiêm chủng để đảm bảo an toàn nhất”, TS Hồng cho biết thêm.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thông tin: “Chúng tôi tiếp tục tăng cường tập huấn cho cán bộ tiêm chủng các tuyến. Đặc biệt, bơm tiêm thuốc chống sốc được sẵn sàng tại nơi cán bộ tiêm chủng, để nếu không may xảy ra thì cán bộ tiêm chủng sẽ kịp thời xử lý ngay. Độ an toàn và hiệu quả sử dụng cũng phụ thuộc vào tốc độ tiêm chống sốc nhanh”.
Bình luận (0)