RA BIỂN CON BƠI, BỐ NGỒI NHẬU, MẸ LƯỚT ĐIỆN THOẠI THÌ NGUY
Trò chuyện với Thanh Niên về đề tài cấp bách phòng chống đuối nước tại VN, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thể thao dưới nước VN Đinh Việt Hùng nhấn mạnh, điều quan trọng đầu tiên nằm ở nhận thức.
"Về lý thuyết, nội dung các bài dạy bơi, rèn kỹ năng phòng chống đuối nước trên thế giới cũng như VN tương đối giống nhau. Điều quan trọng là nhận thức và phương pháp giảng dạy. Không ít gia đình lên kế hoạch đi biển vào mùa hè, liền cho con đăng ký các khóa học bơi cấp tốc, thuê một HLV tay ngang dạy tầm 10 - 12 buổi. Thấy con biết bơi thì gia đình chủ quan, khi ra biển thì bố ngồi nhậu, mẹ lướt điện thoại, thả con ở dưới nước không thèm để ý thì dễ xảy ra hậu quả lớn. Phải gạt ra khỏi đầu suy nghĩ rằng con em mình bơi được 50 m thì khi đi bơi ở biển sẽ an toàn, bố mẹ và gia đình coi như hoàn thành nhiệm vụ, chấm hết. Đó chỉ là kiểu dạy và học bơi mang tính hình thức và rất nguy hiểm", ông Đinh Việt Hùng bày tỏ.
Đó là nhận thức về phía gia đình, còn nhận thức về mặt xã hội cũng cần phải thay đổi. Theo ông Đinh Việt Hùng, cần có cơ quan đứng ra cầm trịch, điều hành các hoạt động phòng chống đuối nước để thống nhất nội dung, cách thức thực hiện; đồng thời giám sát, đánh giá hiệu quả việc dạy bơi. Bởi hiện nay các bộ, ngành, địa phương đều tích cực tham gia hoạt động phòng chống đuối nước nhưng cách làm vẫn chưa thống nhất.
CẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HLV, HƯỚNG DẪN VIÊN
Để phổ cập bơi, phòng chống đuối nước hiệu quả, theo ông Đinh Việt Hùng, cần nâng cao chất lượng HLV, hướng dẫn viên. Ông Hùng nêu thực trạng, hiện nay một số địa phương, đơn vị đứng ra tổ chức đào tạo, cấp giấy chứng nhận và cho phép tham gia hoạt động dạy bơi trên địa bàn. "Không ai dám đảm bảo chất lượng đào tạo HLV, hướng dẫn viên khi những khóa đào tạo chỉ vài buổi rồi cấp giấy chứng nhận và đi dạy bơi. Chưa kể theo tôi được biết, một số khóa dạy HLV bơi nhưng không đào tạo các HLV đó phải có kỹ năng phòng chống đuối nước. Những khóa đào tạo của Hiệp hội Thể thao dưới nước VN được tổ chức bài bản có sự tham gia của HLV, chuyên gia đầu ngành và cập nhật thường xuyên giáo trình giảng dạy theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc tổ chức các lớp dạy cho hướng dẫn viên phòng chống đuối nước cũng được Hiệp hội Thể thao dưới nước VN tổ chức hết sức nghiêm túc. Không có chuyện chưa thuần thục bơi mà được học lớp hướng dẫn viên phòng chống đuối nước", ông Hùng nói.
Ông Hùng còn nêu ra một tình trạng đáng lo ngại là vì chưa có sự quản lý chặt chẽ về công tác đào tạo, cấp giấy chứng nhận HLV bơi, hướng dẫn viên phòng chống đuối nước… nên không ít người tham gia các lớp đào tạo cấp tốc để lấy giấy chứng nhận rồi vội vã đi hành nghề hướng dẫn viên ở biển, các khu vui chơi giải trí có bể bơi. Khi chất lượng hướng dẫn viên không cao, việc tham gia phòng chống đuối nước trong tình huống có sự cố không hay xảy ra cũng bị ảnh hưởng lớn.
4 tiêu chí, 3 cấp độ
Vụ phó Vụ TDTT quần chúng Tổng cục TDTT Nguyễn Thị Chiên cho biết ngành thể thao đang triển khai chương trình thí điểm đánh giá trẻ em biết bơi, kỹ năng phòng chống đuối nước.
Theo đó, có 4 tiêu chí đánh giá trẻ em biết bơi, kỹ năng phòng chống đuối nước, gồm: phải có kiến thức phòng chống đuối nước, có kỹ năng bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, và kỹ năng cứu đuối an toàn. Việc đánh giá kỹ năng an toàn cho trẻ em có 3 cấp độ, gồm: tham gia học bơi ban đầu (cấp độ 1); tham gia chương trình củng cố các kỹ năng bơi an toàn, chống đuối nước (cấp độ 2); tham gia chương trình hoàn thiện kỹ năng bơi an toàn, chống đuối nước (cấp độ 3).
Việc biết bơi cấp độ 1 cũng được quy định cụ thể, gồm lên xuống bể bơi an toàn, nổi ngửa ít nhất 1 phút 30 giây, đứng nước ít nhất 1 phút 30 giây, xoay tư thế thân người và bơi vào bờ. Biết bơi cấp độ 2 phải đảm bảo nổi ngửa ít nhất 2 phút, đứng nước 2 phút, lặn di chuyển trong nước ít nhất 3 m, kỹ năng xử lý tình huống bị chuột rút. Cấp độ 3 gồm kỹ năng nổi ngửa ít nhất 3 phút, đứng nước 3 phút, lặn di chuyển trong nước ít nhất 5 m, kỹ năng xử lý tình huống bị ôm bám dưới nước.
Ngoài bộ tiêu chí trên, Vụ TDTT quần chúng còn có HLV hướng dẫn cụ thể từng kỹ năng an toàn trong môi trường nước như nổi nước, đứng nước, di chuyển trong môi trường nước với kỳ vọng sẽ giúp mọi người, đặc biệt là trẻ em có khả năng chịu được nước trong khoảng thời gian nhất định, biết xử lý tình huống để tự cứu mình và cứu bạn trong khi đi bơi hoặc vui chơi giải trí dưới nước.
Bình luận (0)