Trong hơn 10 ngày, một người lớn tử vong trong đêm sau khi nhập cấp cứu 4 giờ vì bác sĩ (BS) thiếu kinh nghiệm lâm sàng xảy ra tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM); một em bé tử vong cũng trong đêm vì BS cấp cứu không nhận biết được dấu hiệu bệnh nặng và bệnh nhi bị “bỏ rơi” 3 giờ trong khu nội trú tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Hai ca bệnh tử vong trong đêm đều do BS cấp cứu trẻ khám, không đánh giá được tình trạng bệnh của bệnh nhân. Điều này nói lên điều gì? Sau khi Thanh Niên đăng bài Bất an bác sĩ cấp cứu bỏ mặc người bệnh, tôi đã nhận nhiều phản hồi của quý độc giả trên mặt báo, email, điện thoại và cả trực tiếp, trong đó có các chuyên gia là y BS lâu năm.
PV đã ghi nhận 2 ý kiến rất xác đáng. Thứ nhất tình trạng bệnh nhân ở khoa cấp cứu BV lớn quá tải, bởi các tuyến dưới chuyển đến và theo nguyện vọng của người bệnh, hoặc người bệnh tự đến. Trong khi nhân lực ở các khoa cấp cứu là có hạn.
Do đó, cùng với sự quá tải bệnh nhân là quá tải công việc của y BS cấp cứu, dẫn đến sự sai sót, “bỏ quên” chăm sóc người bệnh nặng của nhân viên y tế là có và thực tế đã xảy ra chết người. Thứ hai, một thực tế được các chuyên gia khẳng định là phần lớn BS trẻ làm cấp cứu nên thiếu kỹ năng lâm sàng; còn BS “già” thì không chịu làm cấp cứu.
Vì sao? Theo các chuyên gia, một BS trẻ học ra trường, đi làm cấp cứu phải thay phiên nhau trực “3 ca, 4 kíp” đã khiến họ mệt mỏi, lại không có cơ hội thăng tiến, nhưng kinh nghiệm chỉ ở mức “hồi sức cấp cứu”; trong khi đó, bệnh nhân vào viện cấp cứu với nhiều bệnh cảnh khác nhau. Còn BS “già” một khi đã có chuyên khoa thì “ôm” giữ ở các khoa lâm sàng “khỏe” hơn và không chịu xuống cấp cứu làm gì cho mệt.
Chuyên gia đề xuất, bên cạnh việc phân luồng, sàng lọc bệnh nhân, ưu tiên cấp cứu người nặng trước thì ở các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện đa khoa, các BS “già” ở các khoa lâm sàng phải luân phiên trực cấp cứu. BS “già” khả năng nhận biết đánh giá tình trạng nặng, nhẹ của bệnh nhân nhanh và chuẩn hơn BS trẻ là điều đương nhiên. Cấp cứu là cứu mạng người chứ không phải là nơi thực hành trên mô hình.
Bình luận (0)