Cặp đôi Hà Nội nắm tay nhau vào TP.HCM chống dịch

13/09/2021 11:35 GMT+7

Cặp đôi đến từ Trường ĐH Dược Hà Nội. Họ cùng đăng ký đi chống dịch ở TP.HCM và ghi nhiều trang vào cuốn nhật ký đặc biệt của đời mình.

Đó là cặp đôi Phạm Thị Phương Mai và Nguyễn Xuân Chiến, 9X, sinh viên Trường ĐH Dược Hà Nội đang chống dịch ở Q.12, TP.HCM. Mai đang làm việc tại trạm y tế lưu động số 23, P.Hiệp Thành; còn Chiến đang làm việc tại trạm y tế lưu động số 27, P.Thạnh Xuân.

Lời nói dối của người yêu

Mai kể, họ bắt đầu yêu nhau vào tháng 6.2020, thời điểm đó Covid-19 đã xuất hiện ở Việt Nam và vài lần tái phát. Ngay từ đầu, cô và Chiến đã bảo với nhau, nếu cần người hỗ trợ, cả hai sẽ cùng lên đường đi chống dịch.
Mùa hè 2021,  khi dịch ở TP.HCM bùng phát mạnh, lúc này Mai thấy tuyển thông báo tình nguyện viên ở TP.HCM, cô đã chia sẻ thông tin đến Chiến và cả hai quyết định đăng ký tham gia.
“Sau đó, Chiến đột ngột báo hủy kèo, nhưng mình vẫn kiên quyết lên đường. Mình giận lắm. Nhưng vài hôm sau, mình được bạn báo rằng Chiến vẫn tham gia, chỉ là lo sức khỏe mình không tốt, điều này ảnh hưởng không chỉ đến cho mình mà cho cả mọi người nên mới nói dối để mình nghĩ lại và thay đổi suy nghĩ”, Mai kể.
Sát ngày trước khi vào TP.HCM chống dịch, đôi bạn trẻ mới bắt đầu nói chuyện lại, cùng nhau chuẩn bị đồ đạc, không quên nhắc nhở nhau về hành trình sắp tới.

Đôi bạn trẻ trong ngày lên đường

Ảnh NVCC

Ngoài những đồ dùng cần thiết, Chiến không quên mang theo cuốn sổ nhật ký của hai đứa và cuốn lịch nhỏ người yêu tặng. Anh giữ nó cạnh mình, làm động lực và dành thời gian ghi lại những câu chuyện trong quãng thời gian này của hai đứa.
“Ban đầu, chúng mình có lịch khởi hành cùng chuyến bay và được phân về cùng một nhóm làm việc tại TP. HCM. Sau đó mọi thứ thay đổi, chúng mình vẫn vui vẻ vì nhiệm vụ lớn nhất của hai đứa trong chuyến đi này là đóng góp sức mình cho việc chống dịch của TP.HCM”, Chiến chia sẻ.
Ngày 25.8, chuyến bay VN215 và VN213 cất cánh, bắt đầu hành trình mới của đôi bạn 9X.

Covid-19 sáng 13/9: 613.375 ca nhiễm, 374.578 ca khỏi | F0 tự chữa trị rất khó cấp “thẻ xanh Covid”

Những cuộc gọi vội vàng

Hiện tại, công việc của cả hai là trực cấp cứu 24/24, tư vấn cho người dân qua đường dây nóng của trạm y tếm xét nghiệm cộng đồng. Ngoài ra, còn đến thăm khám và xét nghiệm tại nhà với một số trường hợp cấp cứu, phát thuốc cho người bị nhiễm đủ điều kiện cách ly tại nhà và tổng hợp, báo cáo lên phường. Chính vì thế, cả hai không thể nhắn tin hay gọi điện thoại cho nhau nhiều như trước đây.
“Tin nhắn gửi đi không được trả lời, đến lúc trả lời thì bên kia cũng đang bận nên lại thôi, không ai giận ai. Cuộc gọi nào cũng vội vàng và hầu hết chỉ hỏi về tình hình bệnh nhân, như số ca nhiễm có giảm không, bệnh nhân có đỡ không,… và nhắc nhau cẩn thận”, Mai chia sẻ.

Chiến (đứng) và bạn đang làm báo cáo chăm sóc F0 lên phường

Ngay ngày đầu tham gia chống dịch, ca đầu tiên trực tiếp xét nghiệm là F0, khiến cô sinh viên trường dược lo lắng, sợ ảnh hưởng đến những người xung quanh. Cả ngày hôm đó, Mai tìm cách tránh mọi người, hết ngồi rồi lại đi khắp sân trường nhưng không dám nhắn tin cho Chiến.
“Mình luôn tự nhủ là khi đã quyết định vào đây, mọi người đều lường trước những rủi ro có thể phải đối mặt. Các bác sĩ ở tuyến trên còn vất vả, nguy hiểm hơn mình nhiều, thế nhưng mình vẫn thấy tủi thân. Mình muốn chia sẻ với người yêu nhưng lại sợ anh lo và công việc của Chiến cũng bận nên mình thôi. May mắn mình được các anh chị ở trạm hỏi chuyện và động viên giúp mình lấy lại tinh thần”, Mai kể.
Dần dần, Mai mạnh mẽ, xông pha hơn không còn “mè nheo” với người yêu như trước. Cô thấy ấm lòng vì biết một nửa luôn nghĩ tới mình.
“Một lần, mình nhận được thông tin đồng đội nghi nhiễm và thông báo họp khẩn đúng lúc đang nói chuyện với Chiến, tắt máy rồi mình vẫn liên tục nhận được tin nhắn từ anh. Anh đang lo lắng cho mình”, Mai kể.

Mai (bên trái) và đồng đội đang đi làm nhiệm vụ trong đêm tại P.Hiệp Thành, Q.12

Tin nhắn ấm áp người dân gửi đến Mai

Trong khi đó, chàng tình nguyện viên Nguyễn Xuân Chiến thì kể về chuyện tình yêu của mình với nhiều sự bất ngờ. Cũng trong hai tuần tham gia chống dịch, cặp đôi gặp những câu chuyện giống nhau đến cùng thời điểm.
“Đầu tháng 9 nhóm mình được người dân cho trái cây, mình khoe với Mai, em bảo hôm nay trạm cũng nhận được quà từ bà con. Hay Mai kể hôm nay bị lạc đường khi đi xét nghiệm tại nhà, thì hôm đó mình cũng vậy. Cả hai ở đây, may mắn nhận được sự giúp đỡ của đồng đội, sự yêu thương của người dân Sài Gòn. Đặc biệt, với tính cách ấm áp của Mai, Mai đã nhận được những tin nhắn cảm ơn đầy yêu thương từ bà con nơi em đang làm nhiệm vụ”, Chiến kể.
Không chỉ có sự quan tâm dành cho nhau, Mai và Chiến còn nhận được sự yêu thương từ bố mẹ hai bên. Đều đặn mỗi ngày, bố mẹ thăm hỏi, không quên nhắc nhở hai bạn cẩn thận và lời chúc bình an để sớm về Hà Nội.

Hẹn nhau về trước khi Hà Nội vào đông

Không được nhìn thấy đối phương hằng ngày, cũng không thể trao nhau những cái ôm, nắm tay trực tiếp, Mai và Chiến gửi gắm tình cảm vào những tin nhắn, cuộc gọi vội vàng và ghi vào cuốn nhật ký của mình những vui buồn. Họ vẫn nhớ lời hẹn nhau cùng bình an trở về trước khi Hà Nội vào đông.

Cả 2 hẹn nhau cùng bình an về trước khi Hà Nội vào đông

“Chúng mình bảo nhau sẽ sớm được về và chở nhau đi khắp Hà Nội, ăn hết những món ngon như trước đây đã làm cùng nhau, cùng nhau đến trường, thi thoảng lại giận hờn rồi lại nhanh chóng làm lành”, Mai chia sẻ.
Cặp đôi Trường ĐH Dược Hà Nội vào TP.HCM chống dịch cho biết, đây là khoảng thời gian đặc biệt bởi là được đi cùng nhau trong hành trình thanh xuân, được đóng góp sức trẻ cho đất nước. “Mai nhỏ bé nên lúc nào mình luôn muốn bảo vệ. Nhưng nghị lực của Mai khiến mình thay đổi suy nghĩ, mình quyết định để bạn tự do với những dự định của bản thân, còn mình vẫn sẽ đứng ở đây, là điểm tựa cho em khi cần”, Chiến cho hay. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.