Ngày 25.10, Bộ Y tế cho biết đã xuất cấp thêm cho các tỉnh bị thiên tai tại miền Trung mỗi tỉnh 2 tấn cloramin B (hóa chất khử khuẩn môi trường, nguồn nước).
Trước đó, Bộ Y tế cũng đã xuất cấp 4,2 triệu viên sát khuẩn nước cho sở y tế các tỉnh, thành bị lũ, gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng từ kho hàng phòng chống thiên tai; hỗ trợ bè cứu sinh, phao cứu sinh. Việc hỗ trợ đặc biệt chú trọng đảm bảo cung ứng cloramin B, thuốc sát trùng, viên sát khuẩn nước, không để các nơi chịu thiên tai bị thiếu.
Bộ Y tế cũng đã có quyết định cử các đoàn công tác vào Quảng Bình, Quảng Trị và các tỉnh khác của miền Trung hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh; khám chữa bệnh. Mỗi tỉnh có ít nhất 2 đoàn, các đoàn sẽ giúp địa phương phục hồi khám, chữa bệnh, không để bị gián đoạn việc phòng, chống dịch bệnh.
Theo Bộ Y tế, trong và sau mưa bão, lũ lụt sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Những dịch bệnh thường hay gặp trong mùa mưa lũ là tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết, đặc biệt là nguy cơ của dịch bệnh Covid-19 trong điều kiện bão lũ, thiên tai. Vì vậy, y tế các địa phương cần chú trọng hỗ trợ tích cực giúp người dân phòng chống bệnh dịch.
Người dân cũng cần chủ động phòng, chống bệnh dịch bằng cách: đảm bảo xử lý nước ăn uống, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân; thực hiện nguyên tắc “ăn chín, uống chín”, đảm bảo đủ nước sạch cho ăn uống, sinh hoạt; giữ ấm khi thời tiết lạnh, nhất là ở trẻ em và người già; đảm bảo đủ dinh dưỡng; đồng thời, tra thuốc nhỏ mắt cho những người có nguy cơ tiếp xúc với nước bẩn.
Ghi nhận của PV Thanh Niên tại rốn lũ Lệ Thủy (Quảng Bình) hôm qua (25.10), sau khi lũ rút, cả vùng rộng lớn biến thành bãi rác trộn lẫn bùn non khổng lồ. Rác, bùn ứ đọng, ngập ngụa từ ngoài đường lớn vào tận ngõ nhỏ. Chính quyền địa phương đã huy động máy xúc và xe tải xúc bùn, rác chuyển đi nơi khác; lực lượng công an, quân đội cũng vào cuộc dọn bùn sau lũ. Lực lượng y tế các cấp, đoàn viên thanh niên Sở Y tế tỉnh Quảng Bình cũng đã khẩn trương phun hóa chất, cấp phát thuốc, khám chữa bệnh cho người dân vùng lũ…
Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình, cho hay địa phương đã đặt vấn đề huy động lực lượng, vận động người dân tham gia vệ sinh môi trường từ ngày 22.10. Sở Y tế dự báo nguy cơ rất dễ bùng phát dịch bệnh do ô nhiễm môi trường, đặc biệt là từ nguồn nước, phân, rác, xác súc vật... Do vậy, cộng đồng cần ưu tiên xử lý môi trường, chôn lấp, rắc vôi bột... Tuy nhiên, hiện hoạt động phun hóa chất phải tạm dừng vì bão sắp vào đất liền.
Bình luận (0)