Cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh: Liệu có bình mới rượu cũ?

Lê Hiệp
Lê Hiệp
13/04/2019 08:12 GMT+7

Ngày 12.4, tại phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 dự kiến gửi ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 5 tới.

Trình bày dự thảo báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, công tác cải cách hành chính tiếp tục được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt là việc rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh (ĐKKD). “Thực hiện chủ trương cắt giảm tối thiểu 50% thủ tục hành chính (TTHC), Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa 61% ĐKKD và 60% thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất, nhập khẩu”, ông Dũng nêu.
Qua đánh giá tác động có 8/16 bộ ước tính việc cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD này đã tiết kiệm cho doanh nghiệp và người dân khoảng 5.847.925 ngày công/năm, tương đương 872,2 tỉ đồng/năm. Mặc dù vậy, báo cáo của Chính phủ cũng thừa nhận: ĐKKD, TTHC trong một số lĩnh vực còn gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ TTHC vẫn còn.

Giảm được đầu thủ tục nhưng nội dung như cũ

Cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga lưu ý 2 vấn đề cắt giảm TTHC và ĐKKD. “Có một số đơn vị chạy theo cắt giảm số học. Trong khi đó, một số lại chạy theo thành tích, cắt giảm rất nhiều mà không lưu ý tới vấn đề quản lý”, bà Nga nói và dẫn chứng Nghị định quy định về kinh doanh và ĐKKD vận tải bằng ô tô do Bộ GTVT chủ trì đang được soạn thảo theo hướng cắt giảm các ĐKKD, tuy nhiên vận tải đường bộ là hình thức giao thông gây tai nạn rất nhiều, là lĩnh vực cần phải tăng cường quản lý chứ không phải là cắt giảm.
Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, cho biết nhiều bộ, ngành, người dân phản ánh mặc dù các TTHC có cắt giảm nhưng nhiều khi việc cắt giảm thực chất chỉ là “gói” vào nên dù giảm được đầu thủ tục nhưng nội dung bên trong thủ tục vẫn như cũ. “Người ta gọi việc cắt giảm này là bình mới nhưng rượu thì cũ”, bà Hải nêu.

Chưa đồng tình cấm bán rượu bia trên mạng internet

Cũng tại phiên họp, cho ý kiến về một số vấn đề của luật Phòng chống tác hại rượu, bia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa tán thành với nhiều đề xuất được quy định trong dự thảo luật, trong đó có quy định cấm bán rượu bia trên mạng internet. Theo dự kiến, luật Phòng chống tác hại rượu bia sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 tới đây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.