Cát lậu lộng hành và trách nhiệm quản lý

Đình Tuyển
Đình Tuyển
06/06/2022 04:16 GMT+7

Vấn nạn khai thác cát lậu và gian lận trong khai thác cát đang diễn ra vô cùng phức tạp. Thực trạng này cũng đặt ra nhiều vấn đề trong quản lý nhà nước, cả về công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm lẫn đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dựng.

Từ năm 2017, Chính phủ đã có hàng loạt văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý thăm dò, khai thác cát, xử lý nghiêm khai thác cát trái phép; đồng thời kiểm soát, truy xuất nguồn gốc cát sử dụng trong các công trình xây dựng. Tuy nhiên, khi nhu cầu cho xây dựng quá lớn, cộng thêm lợi nhuận “khủng” đã khiến hoạt động khai thác cát trở nên phức tạp, khai thác cát trái phép ngày một lộng hành.

Đáng buồn là khi báo chí phản ánh tình trạng khai thác cát lậu thì chính quyền địa phương thường né tránh, đùn đẩy. Như mới đây, Báo Thanh Niên đăng bài điều tra “Cát tặc” đe dọa cầu Mỹ Thuận với những tư liệu, hình ảnh thuyết phục được thu thập tại hiện trường. Thế nhưng, lãnh đạo UBND xã Hòa Hưng (H.Cái Bè, Tiền Giang) lại phủ nhận tình trạng khai thác cát trái phép khi trả lời một cơ quan báo chí khác. Vài hôm sau, tại địa bàn Báo Thanh Niên phản ánh, Công an H.Cái Bè đã bắt quả tang sà lan đang khai thác cát trái phép trên sông Tiền.

Không riêng ĐBSCL, cát lậu lộng hành, rút ruột lòng sông khắp nơi nhưng việc xử lý ở các địa phương như bắt cóc bỏ đĩa. Thậm chí, cả khi có giấy phép thì hoạt động của doanh nghiệp khai thác cát vẫn luôn mập mờ, nhiều “chiêu trò”.

Có một nghịch lý là so với sắt, thép, lẽ ra giá cát sẽ ít biến động hơn vì chỉ phụ thuộc vào chi phí nhiên liệu khai thác, vận chuyển. Nhưng thực tế lại trái ngược, giá cát luôn thất thường bởi sự thiếu minh bạch trong hoạt động khai thác. Ở nhiều địa phương, mỗi khi có đoàn kiểm tra thì lập tức nguồn cát cho các công trình thiếu hụt vì lúc này, các doanh nghiệp khai thác cát không thể tiếp tục gian lận trữ lượng; khai thác cát lậu cũng “án binh bất động”. Khi ấy, giá cát sẽ được đẩy lên cao hơn, thậm chí nguồn cung bị cắt đứt khiến nhiều công trình rơi vào thế bị động.

Ghi nhận của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), từ năm 2016, tổng trữ lượng cát, sỏi được phê duyệt trên cả nước khoảng 692 triệu m3, công suất cấp phép khai thác khoảng 62 triệu m3/năm. Trong khi đó, nhu cầu cát cho xây dựng cả nước là 130 triệu m3/năm. Như vậy, nguồn cung cát hợp pháp chỉ đáp ứng được 40 - 50% nhu cầu. Riêng ở ĐBSCL, từ nay đến năm 2025, khoảng 400 km đường cao tốc sẽ được xây dựng, dự báo cần đến hàng trăm triệu mét khối cát.

Nói vậy để thấy bài toán nan giải đặt ra là làm thế nào ngăn chặn khai thác cát lậu mà vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cát, hoặc vật liệu thay thế cho xây dựng, phát triển.

Đến nay, Bộ Xây dựng đã đưa ra nhiều giải pháp tìm vật liệu thay thế cát ở các địa phương, như sử dụng cát nghiền từ đá với trữ lượng vài chục tỉ mét khối. Cùng với đó là hàng trăm tỉ mét khối cát biển cũng có thể thay dần cát sông… Tuy nhiên, để “kích cầu” việc sản xuất và sử dụng các loại vật liệu xây dựng thay thế cát tự nhiên, mấu chốt là cần rà soát lại toàn bộ nhu cầu và nguồn cung thực tế của các mỏ cát; minh bạch và ổn định giá cát. Cùng với đó, các địa phương cần sớm ban hành lộ trình, kế hoạch và ưu tiên sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên dùng cho san lấp; đưa vật liệu thay thế vào danh mục ngay từ công đoạn tư vấn thiết kế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.