Một số mỏ cát sẽ được nâng công suất khai thác thêm 50%; một số mỏ cát mới sẽ được cấp phép khai thác. Tuy nhiên, quản lý, khai thác cát như thế nào để đảm bảo an toàn, hạn chế tác động môi trường, hạn chế sạt lở, hạn chế gian lận? Đó luôn là những câu hỏi lớn, không dễ tìm lời đáp.
Quá trình thu thập thông tin viết bài Khủng hoảng cát tại ĐBSCL đăng trên Báo Thanh Niên, có những lời nói cảm thán nặng trĩu của người dân bị sạt lở khiến tôi ám ảnh. Họ bảo: "Chúng tôi đứng nhìn đất đai của mình sạt dần xuống sông từng ngày, còn ngoài kia xáng cạp họ cứ việc nạo cát lên bán lấy tiền". Có người dân quay clip để làm bằng chứng rồi bật khóc nức nở khi tận mắt nhìn căn nhà của mình bị xé toạc rồi nhận chìm xuống sông. Đất đai, nhà cửa, ao cá... của người dân bị nuốt chửng nhưng cách đó chừng trăm mét, xáng cạp vẫn đang nhởn nhơ khai thác cát từ lòng sông.
Nỗi bức xúc của người dân vùng sạt lở càng lớn khi nạn khai thác cát trái phép xảy ra khắp nơi. Ở những mỏ khai thác có giấy phép cũng đầy mập mờ, xuất bán cát "buông đuôi" thiếu minh bạch. Đã có những vụ xuất bán gần 1.000 hóa đơn khống cho gần 2 triệu m3 cát với số tiền trục lợi hàng trăm tỉ đồng.
Có một ý kiến rất đáng suy nghĩ: khai thác cát ở ĐBSCL thực chất là một sự đánh đổi giữa các giá trị. Ở đó cát chưa thực sự được coi trọng đúng mức, đúng giá trị. Cát không chỉ là vật liệu thông thường mà còn là đất ở, là hệ sinh thái, là tài sản người dân...
Sau bài viết được đăng tải trên Thanh Niên, chưa biết tới đây công tác quản lý khai thác cát ở các địa phương có được thắt chặt hay nới lỏng hơn, nhưng có một điều rõ ràng là người dân gần như không thể giám sát hoạt động khai thác. Không ai biết con số khai thác thực tế ở các mỏ cát, lợi nhuận của những mỏ cát là bao nhiêu, nhưng chắc chắn sau mỗi vụ sạt lở, thiệt hại luôn đè lên vai người dân trước tiên.
Bình luận (0)