Cầu 337 tỉ đồng 'dài cổ' chờ... đường dẫn

Mạnh Cường
Mạnh Cường
13/12/2023 06:32 GMT+7

Cầu Thanh Nam bắc qua sông Thu Bồn ở Quảng Nam được đầu tư hàng trăm tỉ đồng dù cơ bản hoàn thành đã lâu nhưng vẫn phải nằm 'dài cổ' chờ đường dẫn lên cầu. Nguyên nhân được xác định do vướng mặt bằng hai bên đầu cầu.

Dự án cầu Thanh Nam có chiều dài 344 m, rộng 10,5 m cùng hệ thống đường dẫn dài gần 200 m bắc qua sông Thu Bồn, nối 2 phường Cẩm Châu và Cẩm Nam (TP.Hội An).

Cầu 337 tỉ đồng 'dài cổ' chờ... đường dẫn - Ảnh 1.

Cầu Thanh Nam bắc qua sông Thu Bồn

MẠNH CƯỜNG

Cầu xây xong đã lâu, nhưng…

Dự án có tổng kinh phí 337 tỉ đồng, do Ban Quản lý (BQL) dự án đầu tư và xây dựng TP.Hội An làm chủ đầu tư, khởi công từ tháng 6.2020, dự kiến hoàn thành vào tháng 7.2022. Tuy nhiên, hiện hạng mục cầu đã hợp long nhưng còn chờ đường dẫn ở hai bờ.

Cầu 337 tỉ đồng 'dài cổ' chờ... đường dẫn - Ảnh 2.

Tường nhà ông Lê Viết Lơ xuất hiện vết nứt kéo dài do quá trình thi công cầu

MẠNH CƯỜNG

Ông Nguyễn Thương (62 tuổi, ở khối Thanh Nam, P.Cẩm Châu) cho hay gia đình ông bị ảnh hưởng một phần đất nằm trong hạng mục đường dẫn, đã đồng thuận với giá đền bù và đang chờ bàn giao đất. Khi TP.Hội An có chủ trương đầu tư xây dựng cầu Thanh Nam, người dân ai nấy đều vui mừng vì sẽ rút ngắn được thời gian đi lại. Tuy nhiên, việc phần cầu xây xong đã lâu nhưng hạng mục đường dẫn "đứng bánh" đã gây khó khăn cho người dân sống hai bên cầu. "Người dân mong chính quyền sớm thu hồi đất, hoàn thiện dự án để người dân hai bên đầu cầu ổn định đời sống… Cầu được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, xây xong đã lâu nhưng lại bỏ không thì khó chấp nhận", ông Thương nói.

Ông Lê Viết Lơ (66 tuổi, ở khối Thanh Nam), cho hay gia đình ông có diện tích đất bị thu hồi khá lớn, nhưng mức giá đền bù chỉ bằng một nửa giá thị trường. Tuy nhiên, vì đây là dự án quan trọng phục vụ nhu cầu của người dân nên chấp nhận chịu thiệt (giá đất đền bù thấp hơn thị trường - PV) để thành phố thu hồi đất sớm triển khai thi công đường dẫn lên cầu. "Việc tôi bức xúc nhất là quá trình thi công cầu đã khiến gần như cả ngôi nhà tôi xảy ra tình trạng nứt nẻ, sụt lún… nhưng khi đi kiểm tra các đơn vị liên quan chỉ đền bù 29 triệu đồng. Với số tiền này thì không đủ trám lại các vết nứt, chứ đừng nói sửa chữa nhà", ông Lơ nói.

Chậm một ngày là lo một ngày

Đại diện BQL dự án đầu tư và xây dựng TP.Hội An cho biết mục tiêu đầu tư cầu Thanh Nam là giải quyết nhu cầu giao thông giữa P.Cẩm Nam với trung tâm TP.Hội An, khắc phục tình trạng tắc nghẽn giao thông trên tuyến đường Hoàng Diệu và khu vực chợ Hội An, đồng thời tạo cảnh quan đô thị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố… Tuy nhiên, sau thời gian triển khai thi công, dự án buộc phải dừng vì vướng mặt bằng một số hộ dân hai bên đầu cầu.

Cầu 337 tỉ đồng 'dài cổ' chờ... đường dẫn - Ảnh 3.

Do vướng mặt bằng hai bên đầu cầu nên cầu Thanh Nam chưa thể đưa vào sử dụng

MẠNH CƯỜNG

Cụ thể, hiện nay tại khu vực P.Cẩm Châu có 6 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án thi công đường dẫn lên cầu Thanh Nam. Trong đó, 5 hộ dân thống nhất bàn giao mặt bằng, còn 1 hộ chưa đồng tình với phương án đền bù. Tại P.Cẩm Nam cũng có vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng tương tự, trong đó 1 hộ đang vướng tranh chấp đất đai đang được tòa án thụ lý xét xử nên phải chờ.

"Gói thầu đường dẫn bao gồm đường dân sinh hai bên, ảnh hưởng toàn bộ hoặc một phần đất của người dân. Cả hai bên đều đang vướng phần đường dân sinh. Đường dân sinh chưa thông thì không thể làm đường dẫn, nên buộc phải chờ", vị này nói.

Ông Nguyễn Minh Lý, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An, xác nhận công trình cầu trễ tiến độ là do vướng mặt bằng. Qua nhiều lần làm việc, các hộ dân cơ bản đồng ý, sẵn sàng bàn giao đất để hoàn thiện dự án đưa vào sử dụng. Đến thời điểm này, còn 1 hộ chưa chấp nhận bàn giao vì cho rằng giá đền bù quá thấp, nhưng đây là dự án phát triển kinh tế xã hội, việc hỗ trợ chính sách là theo quy định chứ không có thấp hay cao. "Chúng tôi sẽ mời hộ này lên làm việc lần cuối, trường hợp không chấp thuận thì sẽ tiến hành cưỡng chế. Bởi chậm một ngày là lo một ngày, không hoàn thành công trình sẽ khiến giảm khả năng phát huy tác dụng của công trình", ông Lý nói. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.