Lan tỏa trên mạng xã hội:

Cậu bé khiếm thị đầy nghị lực chơi được nhiều nhạc cụ

29/04/2023 10:56 GMT+7

Cậu bé Phan Khương Nghị chưa một lần nhìn thấy ánh sáng trong cuộc đời. Dù vậy, em vẫn kiên trì học tập, vươn lên đầy nghị lực và tìm niềm vui qua những loại nhạc cụ yêu thích.

Thích chơi và khám phá nhạc cụ

19 giờ, tại mái ấm Thiên Ân (Q.Tân Phú, TP.HCM), các học sinh khiếm thị vừa ăn tối xong. Các em tranh thủ chút thời gian giải trí trước giờ vào phòng thư viện đọc sách. Em Phan Khương Nghị (12 tuổi, quê ở Kon Tum) hớn hở vào phòng nhạc chơi đàn organ. Đây là niềm đam mê và yêu thích của em sau một ngày học tập ở trung tâm. Những clip ghi lại cảnh em chơi đàn được đăng tải lên mạng xã hội và nhận "cơn mưa" lời khen từ mọi người. Nhìn Nghị say sưa bấm từng phím đàn và nhập tâm vào bài hát, không ai nghĩ em đang sống trong bóng tối.

Cậu bé khiếm thị đầy nghị lực chơi được nhiều nhạc cụ - Ảnh 1.

Khương Nghị đang theo học văn hóa, học nhạc tại mái ấm Thiên Ân

Em bật mí ngoài đàn organ, em biết và có thể chơi được các loại nhạc cụ khác như: piano, sáo, kèn harmonica… Nghị sống và học tập ở mái ấm Thiên Ân được 3 năm nay. "Năm 5 tuổi con tự mày mò từng nốt với chiếc đàn đồ chơi. Con tự khám phá khi tháo ra để xem bên trong có gì và bắt đầu đánh đàn. Sau này vào trung tâm con được học thêm các loại nhạc cụ khác. Dù không chuyên nghiệp nhưng mỗi loại con có thể chơi, thổi được vài bài", cậu bé hào hứng kể.

Cậu bé khiếm thị đầy nghị lực chơi được nhiều nhạc cụ - Ảnh 2.

Cậu bé rất thích chơi nhạc

Không có đôi mắt sáng như mọi người nhưng tinh thần của Nghị luôn lạc quan, cách nói chuyện có chút "ông cụ non". Em kể rằng sau khi mày mò được các nốt, em ghép lại thành bài. Ngày đầu học sáo, em rất chán vì không thổi được, thổi không ra nốt. Tuy nhiên, em vẫn quyết tâm, kiên trì theo đuổi đam mê này. "Con học thổi sáo thì không biết nhận lỗ, thổi hụt, không có hơi dài. Sau đó con lên mạng nghiên cứu cách thổi, cách lấy hơi dài. Con nghe mọi người dạy trên mạng thổi như thế nào rồi làm theo, học dần dần. Con thích khám phá các loại nhạc cụ để có thể đổi kiểu chơi. Mỗi lần chơi nhạc tạo cho con cảm giác thoải mái, vui sướng", cậu bé bày tỏ.

6 tuổi, Nghị nhận thức được việc mắt mình không thể thấy ánh sáng, chấp nhận sống trong bóng tối. Em khá buồn nhưng được sự hỗ trợ động viên của ba mẹ, em tự tập đi lại dù điều này không hề dễ dàng. "Lúc ở nhà cũ con đi quen thì không sao nhưng chuyển qua nhà mới bị đụng tường suốt. Tuy nhiên, chỉ khoảng 2 - 3 ngày sau là con tự đi lại được trong nhà mình. Ban đầu con học chữ nổi thấy rất khó, viết chữ đau tay. Lần đầu sờ thấy tay chai sạn, con thấy xót và thất vọng. Con nghĩ chẳng lẽ mình sống một cuộc đời chai sạn như thế này nhưng tự động viên càng chai càng tốt, sẽ hết đau và lấy lại tinh thần", Khương Nghị chia sẻ.

Nghị lực đáng khâm phục

9 tuổi, Nghị rời xa vòng tay ba mẹ từ Kon Tum xuống TP.HCM nhập học ở trung tâm Thiên Ân. Lúc đầu, cậu bé không muốn đi vì nhớ mẹ nhưng nghĩ đến môi trường học tập tốt hơn, em mạnh mẽ bắt đầu cuộc sống mới. "Ngày xuống thành phố, con nói sẽ không khóc nhưng nước mắt cứ tự chảy. Mẹ nói với con cố gắng học để sau này thành công. Giờ ở trung tâm con thấy vui vì có nhiều sách, nhiều đàn và bạn bè cùng cảnh ngộ", em nói.

Bà Vũ Thị Tố Lan (53 tuổi), mẹ của Khương Nghị cho hay khi chia tay ba mẹ, anh chị để xuống mái ấm học, con không dám khóc trước mặt mọi người. Con tự vào phòng đàn khóc thoải mái rồi ôm chia tay mẹ. Dù nhớ con da diết nhưng bà chấp nhận để con có tương lai tốt hơn.

Bà cho hay Nghị là đứa trẻ sinh thiếu tháng. Khi bà mang thai sang tháng thứ bảy bỗng trở dạ sinh non. Cậu bé phải nằm lồng kính 32 ngày, sức khỏe yếu và chỉ nặng 1,2 kg. Từ khi sinh ra, bộ phận tiêu hóa, hô hấp kém nên ăn uống rất khó khăn. Bởi vậy, dù đã 12 tuổi nhưng tay chân Khương Nghị nhỏ xíu, người rất gầy. "Con được 3 tháng tôi cho ra ngoài sưởi nắng. Lúc đầu mắt con còn chớp chớp nhưng sau không thấy phản ứng nữa nên tôi đưa con đến Bệnh viện Mắt kiểm tra. Các bác sĩ nói con bị bong võng mạc", bà Lan nhớ lại.

Các bác sĩ đưa ra phương án phẫu thuật nhưng khả năng chỉ có thể là 50/50. Lúc đầu, bà đồng ý với hy vọng con sẽ may mắn nhìn thấy ánh sáng. Tuy nhiên, khi bác sĩ đưa giấy cam kết để ký, bà vỡ lẽ đó là 50/50 giữa sự sống và cái chết khi phẫu thuật giữ đôi mắt cho con. Bà dừng việc phẫu thuật, chấp nhận số phận con không thể nhìn thấy ánh sáng. "Hồi Nghị còn nhỏ, tôi cứ ra hàng chép từng bài hát về cho con nghe. Con nghe nhạc, biết tên bài hát và học các loại nhạc cụ dần dần. Nếu với người khác đó có thể là việc bình thường nhưng với con trai tôi, đó là cả một sự cố gắng rất lớn. Tôi rất mừng khi nhìn thấy nghị lực của con. Giờ con xuống trung tâm học, không ngày nào tôi không nhớ đến con", bà xúc động nói.

Cậu bé khiếm thị đầy nghị lực chơi được nhiều nhạc cụ - Ảnh 3.

Bà Hoàng Thị Mỹ, Quản lý mái ấm Thiên Ân, cho biết Khương Nghị rất thích khám phá các nhạc cụ. Ở mái ấm có phòng cho các em học nhạc nên cậu bé rất chăm chỉ tự học, tự đánh đàn. "Ở mái ấm, các sơ cũng tạo điều kiện để các em thoải mái khám phá. Mỗi lần có các nhóm tới thăm mái ấm, em cũng hát theo, đánh đàn, hòa vào không khí vui chơi. Em chơi nhạc để thư giãn ngoài giờ học và biết một số bài hát tiếng nước ngoài", bà Mỹ cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.