Đầu năm 2014, khi một dự án khai thác cát phía thượng nguồn đi vào hoạt động, làm biến đổi dòng chảy đoạn sông Kỳ Cùng chảy qua xã Vân Mộng nên chạy xe qua ngầm Hát Cáy để tới trung tâm xã hoặc hướng ra QL4B trở nên khó khăn hơn nhiều. Công ty tư nhân Đức - Tín - Hưng (trụ sở đặt tại thị trấn Lộc Bình) đã đề nghị UBND xã Vân Mộng cho phép đầu tư xây dựng một cây cầu rồi thu phí của người dân.
Sau khi xã báo cáo chính quyền huyện, tháng 5.2014, một hợp đồng kinh tế giữa UBND xã Vân Mộng và Công ty tư nhân Đức - Tín - Hưng về việc xây cầu được ký kết. Theo đó, doanh nghiệp sẽ đầu tư khoảng 1,5 tỉ đồng, tự thiết kế và thi công xây dựng cầu Hát Cáy có tổng chiều dài 132 m, mặt cầu rộng 3 m, cho phép xe từ 5 tấn trở xuống lưu thông. Khi đưa cây cầu vào hoạt động, công ty sẽ được thu phí người qua cầu để hoàn vốn trong vòng 10 năm rồi bàn giao lại cho chính quyền xã quản lý.
|
Theo quan sát của chúng tôi, cách cây cầu khoảng 20 m có một bốt thu phí rộng chừng 10 m2, cạnh đó là một barie chắn ngang được điều khiển thủ công bằng cách kéo dây thừng buộc vào cột sắt bên đường. Trên tường bốt thu phí có một tấm biển màu xanh quy định nội quy qua cầu đồng thời thông báo rõ mức phí qua cầu là 5.000 đồng/người đi bộ cho cả lượt đi và về, xe máy lưu thông 2 chiều trả 10.000 đồng, ô tô tải dưới 1 tấn hoặc xe dưới 9 chỗ ngồi, xe công nông là 30.000 đồng cho cả 2 chiều.
Trong hợp đồng đã ký kết cũng có điều khoản, các hộ dân có thể nộp phí qua cầu theo năm với mức 500.000 đồng/hộ. Đáng chú ý, điều 2 của bản hợp đồng quy định, ngay cả người ngồi sau xe máy nếu chưa nộp tiền theo năm thì cũng phải trả phí khi qua cầu.
Người dân đồng tình
Ông La Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Vân Mộng cho biết, do đây là tuyến đường chính của xã nên trước đó địa phương đã kiến nghị cấp trên xin hỗ trợ vốn để xây cầu nhưng ngân sách chưa bố trí được nên chính quyền xã quyết định xây cầu theo hướng xã hội hóa. "Khi doanh nghiệp đề xuất làm cầu, chúng tôi đã họp dân lấy ý kiến rộng rãi, đồng thời báo cáo huyện xin chủ trương trước khi ký hợp đồng chính thức", ông Dương nói.
Theo ông Dương, người dân ở 9/9 thôn trong xã đều ủng hộ, trong đó có 3 thôn (khoảng 200 hộ) chọn nộp phí theo lượt vì không thường xuyên đi qua cầu, 6 thôn (300 hộ) đồng ý đóng tiền theo năm và trên thực tế có khoảng 70% hộ đã đóng tiền.
tin liên quan
Các dự án BOT phải giảm gần 100 năm thu phíNgày 28.2, Bộ GTVT đã có văn bản phản hồi về việc rút ngắn thời gian thu phí từ 5 - 7 năm đối với 27 dự án đầu tư theo hình thức BOT sau khi Kiểm toán Nhà nước vào cuộc.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, năm 2012, Công ty tư nhân Đức - Tín - Hưng cũng đầu tư 800 triệu đồng xây dựng một cây cầu “BOT cấp xã” bắc qua sông Kỳ Cùng, đoạn chảy qua xã Lục Thôn (huyện Lộc Bình), sau đó thu phí với mức 350.000 đồng/hộ/năm.
Bình luận (0)