Câu chuyện đằng sau gà 9 cựa ở Đarahoa

29/01/2017 09:32 GMT+7

Chỉ là bức tượng gà trống 9 cựa khổng lồ được dựng giữa làng nhưng mang ý nghĩa sâu sắc về xóa bỏ hủ tục thách cưới của người K’ho ở một vùng đất nam Tây nguyên đầy nắng gió.

Cũng từ câu chuyện và bức tượng này mà một ngôi làng nhỏ có tên gọi Đarahoa (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), nằm nép mình dưới chân núi Voi huyền thoại, được người dân và du khách biết đến, đặt cho tên gọi trìu mến: làng gà.
Người dân địa phương kể rằng, ngày xưa ở làng có đôi trai tài gái sắc yêu nhau thắm thiết. Thế nhưng, người cha của chàng trai không muốn con mình lấy cô gái bởi nhà cô rất nghèo. Nghĩ vậy, ông đã thách cưới bằng lễ vật ngặt nghèo là gà 9 cựa để cô gái thấy khó khăn mà từ bỏ ý định “bắt” chàng trai về làm chồng.
Thế nhưng, cô gái không từ bỏ tình yêu của mình, quyết đi vào rừng tìm bằng được lễ vật ấy. Nhiều ngày trôi qua, cô gái cứ đi, đi mãi và lạc trong rừng sâu. Chàng trai thương nhớ người yêu nên cũng vào rừng tìm. Cuối cùng, sau nhiều ngày họ gặp nhau, ôm nhau nức nở rồi gục chết vì kiệt sức, đói khát.
Cảm thương cho tình yêu của đôi trai gái, người dân trong làng đã làm một tượng gà 9 cựa bằng tre nứa, cỏ cây đặt ở làng để tưởng nhớ và nhắc nhở mọi người từ nay nếu ai thách cưới “khó” như vậy thì ra đây mà nhận lễ vật.
Gà 9 cựa ở Đarahoa 1
Năm 1978, khi thiết kế công trình cung cấp nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số ở đây, kiến trúc sư Lữ Trúc Phương được nghe kể câu chuyện cảm động trên, nên đúc một tượng gà 9 cựa khổng lồ với chiều cao khoảng 3,2 m, nặng 8 tấn.
Theo thiết kế ban đầu, trong bụng tượng gà sẽ có bộ phận giúp phát ra tiếng gáy và làm khởi động hệ thống để đưa nước về phục vụ bà con. Tiếc là vì nhiều lý do khác nhau, công trình dang dở. Dù vậy, bức tượng gà vẫn tồn tại giữa làng Đarahoa đến ngày nay, gắn với câu chuyện truyền thuyết để nhắc nhở bà con xóa bỏ hủ tục thách cưới, chung tay xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.
Chị K’Đông, nhà ở cạnh tượng gà, cho biết hằng năm có cả ngàn lượt du khách nước ngoài đến tham quan tượng gà. Hầu hết du khách đều rất thích thú khi nghe câu chuyện tình cảm động. Họ cũng tỏ ra ngạc nhiên khi biết chế độ mẫu hệ còn tồn tại ở đây, ngạc nhiên khi nghe chuyện con gái “bắt” chồng, phụ nữ làm chủ gia đình, con cái theo họ mẹ…
“Câu chuyện gà 9 cựa và chế độ mẫu hệ của các bạn nghe hấp dẫn thật đấy. Không chỉ vậy, đến làng này, mình còn biết thêm về nghề truyền thống dệt thổ cẩm của người dân nơi đây. Mình sẽ giới thiệu để bạn bè mình đến làng này tham quan trải nghiệm”, chị Angelina Charton (42 tuổi, du khách người Anh) chia sẻ sau khi nghe xong câu chuyện tình cảm động.
Gà 9 cựa ở Đarahoa 2
Theo chị K’Đông, ngày nay đa số việc thách cưới ở làng đều nhẹ nhàng hơn và gắn với cuộc sống thực tế chứ không như ngày xưa. Còn ông Khuất Minh Ngọc, Phó trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Lâm Đồng), cho biết ngành đang có kế hoạch xây dựng làng Đarahoa thành “làng văn hóa kiểu mẫu gắn với du lịch”, để khôi phục các giá trị truyền thống của địa phương và gắn với phát triển du lịch mà người dân ở đây sẽ là chủ thể, trực tiếp tham gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.