Câu chuyện giáo dục: Để học sinh có 'sân chơi' trong giờ chơi

01/12/2020 09:25 GMT+7

Nếu các trường biết tận dụng các giờ ra chơi, khoảng gần 30 phút, sẽ giáo dục cho các em nhiều điều hay, tạo được sân chơi bổ ích cho học sinh.

Không gian trường học chật chội, thư viện èo uột, không có các phương tiện giải trí để học sinh thư giãn trong các giờ chơi. Giờ ra chơi giống như thời gian chuyển tiết giữa các môn. Hệ quả là học sinh chỉ biết thụ động ngồi một chỗ để bấm điện thoại...
Quan sát nhiều trường phổ thông, chúng ta rất hiếm khi bắt gặp những cảnh nhảy dây, đá cầu, bắn bi, những trò chơi vận động... của học sinh như trước đây. Các trường có không gian hẹp, thuê mướn mặt bằng, lại càng đáng lo ngại hơn: hành lang chật chội, không có sân chơi, thư viện không có... Thực tế này dẫn đến tình cảnh giờ ra chơi của các em bị tước mất. Hậu quả là học sinh không có điều kiện xả stress sau những tiết học căng thẳng, việc học kém hiệu quả; nhiều em thụ động, lâu ngày trở nên ù lì, chậm chạp, béo phì; nhiều học sinh nghiện game; những xích mích giữa học sinh đa số cũng xuất phát từ các giờ chơi mà không biết chơi gì...
Nếu các trường biết tận dụng các giờ ra chơi, khoảng gần 30 phút, sẽ giáo dục cho các em nhiều điều hay, tạo được sân chơi bổ ích cho học sinh.
Vậy làm gì để giờ chơi có hiệu quả? Tùy theo tình hình từng trường mà áp dụng cho phù hợp, mà nòng cốt là vai trò của đoàn thanh niên, như thực hiện việc phát thanh học đường, quà tặng âm nhạc, chúc mừng sinh nhật, phát thanh theo các chủ đề trong năm học. Thường xuyên tổ chức cho các em tham gia những cuộc thi vận động trong giờ chơi như: nhảy dây tập thể, đá bóng, kéo co, nhảy flashmob. Tăng cường vai trò của thư viện, đưa các em đến với thói quen đọc sách, báo. Phòng tư vấn tâm lý nếu tổ chức các buổi trao đổi, thảo luận nho nhỏ trong giờ chơi cũng giúp các em quan tâm...
Có như thế mới mong học sinh được trả lại ý nghĩa trong giờ ra chơi vốn đang bị tước mất hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.