Câu chuyện giáo dục: Khi giáo viên khóc vì... thi dạy giỏi

21/04/2021 09:22 GMT+7

Một cô giáo tại một trường ở TX.Đức Phổ (Quảng Ngãi) đã ôm mặt khóc sau cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học diễn ra gần đây.

Đó là trường hợp của cô H. dạy môn tiếng Anh. Cô đã dành nhiều ngày trước đó để chuẩn bị rất kỹ cho tiết dạy. Cô soạn giáo án trên máy tính bằng powerpoint, mượn lớp dạy thực nghiệm nhiều lần đều suôn sẻ. Nhưng đến khi dạy thật thì đầu chiếu bị “đơ”. Ban giám khảo vừa thương cảm vừa thông cảm ngồi chờ, trong khi bạn bè, đồng nghiệp của cô H. chạy đôn chạy đáo mượn 2, 3 cái đầu chiếu khác để thay thế.
Nhưng “đầu” nào cũng “đóng băng”, không xuất ảnh lên màn hình được. Quýnh quá, không biết xử trí ra sao, cô giáo rưng rưng nước mắt, dạy đại trên bảng tương tác. Nhưng bảng tương tác cũng không khác đầu chiếu, tiếp tục hành cô giáo. Chữ viết khi tỏ khi mờ, lúc được lúc mất bởi bảng này đã quá “đát”. Bảng tương tác không tương tác với cô giáo đã đành mà buồn hơn là học sinh (HS) cũng không tương tác với cô. Chúng cựa quậy, quay xuống quay lên, rì rầm bàn tán về những giọt nước mắt lăn dài trên má cô giáo.
Trống báo hết giờ. HS ra về. Các giám khảo sang phòng bên hội ý. Cô giáo một mình ôm mặt khóc nức nở. Một giám khảo an ủi: “Em đừng buồn. Cả đời giáo viên (GV) không chỉ đánh giá chỉ bởi một tiết dạy. Huống chi đây là trục trặc kỹ thuật chứ đâu phải em yếu kém chuyên môn”.
Những giọt nước mắt của cô giáo H. đã khơi lên rất nhiều ý kiến nhận xét, bình luận, phân tích, khen chê xung quanh những cuộc thi GV dạy giỏi.
Công bằng mà nói, cuộc thi GV dạy giỏi là cơ hội tốt để người thầy đi tìm và xác lập những giá trị đích thực trong nghề dạy học của mình. Qua cuộc thi, những lý thuyết khoa học sư phạm sẽ được soi chiếu và đúc kết bổ sung thông qua các kỹ thuật dạy học được vận dụng trong thực tiễn. Và sau cùng, cuộc thi sẽ kích hoạt phong trào thi đua dạy tốt học tốt. Mục tiêu là vậy nhưng nếu hỏi đã đạt chưa thì phải nói là chưa đạt, do cách tổ chức cuộc thi lâu nay vẫn đang còn nhiều xơ cứng.
Công văn gửi xuống, trường nào cũng phải dự thi đủ số người, đủ bộ môn theo quy định. Việc cử GV “ứng thí” rất căng vì hầu hết GV ai cũng sợ đi thi. Có nhiều lý do như: không có “khiếu” đi thi; lớn tuổi rồi, thi thố nỗi gì…
Nhiều GV cho rằng cuộc thi GV dạy giỏi còn nặng về hình thức và thiếu thực chất. Thầy đạt giải thì được vinh danh. Rồi sau cuộc thi, lối dạy của thầy lại trở về trạng thái “bình thường cũ”. Vậy thử hỏi học trò được gì từ những cuộc thi như thế?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.