Có mặt tại công trường 2 ngày qua, chúng tôi thấy có khá nhiều người dân, đặc biệt là các bô lão ra xem. Ông Hai Hiền (80 tuổi, ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) là người mà các công nhân ở đây quen mặt vì hầu như ngày nào ông cũng đến công trường xem công nhân làm việc. “Tôi thấy họ làm rất khẩn trương để rút ngắn thời gian thông cầu”, ông Hai Hiền nhận xét.
Khi được hỏi về thiết kế cây cầu mới thế nào, ông Hai Hiền khen "một lèo" đầy phấn khích: “Mới hơn, cao hơn và đẹp hơn”. Còn ông Ngô Thành Liêm (58 tuổi, ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa, nhà sát cầu Ghềnh) nói: “Cầu Ghềnh là biểu tượng của Biên Hòa, nên trong quá trình xây dựng cầu đến công đoạn nào đặc biệt là tôi rất quan tâm. Sáng nay sau khi tập thể dục xong tôi tranh thủ ghé qua ngắm nghía tí”.
Nơi không có Euro
Sáng 18.6, trên đoạn đường sắt từ cầu Rạch Cát đến cầu Ghềnh, chúng tôi bắt gặp nhiều tốp công nhân gia cố lại đường ray. Anh Nguyễn Chí Cường, một công nhân trong nhóm, cho biết: “Đoạn đường sắt này dài khoảng 400 m được tháo ra cải tạo lại toàn bộ cùng với thời điểm khởi công cầu Ghềnh. Hiện tại, chúng tôi đang xử lý những công đoạn cuối cùng để 2 ngày nữa bàn giao”. Anh Cường tâm sự từ khi bắt đầu thi công đến nay, nhiều lần anh mệt mỏi do làm quá sức vì phải đẩy nhanh tiến độ. “Nhưng nghĩ lại thấy mình gắng sức làm để công trình được bàn giao sớm, góp phần thông tuyến đường sắt nên anh em đều nỗ lực. Mình làm đường sắt mà, thấy tàu hỏa chạy là vui”, anh Cường nói.
Vào quán nước gần công trường, thấy 4 công nhân đang ngồi cà phê, chúng tôi bắt chuyện thì được biết các anh làm ca đêm, rạng sáng về lán ngủ, giờ dậy ra uống cà phê cho tỉnh táo. "Làm ca đêm vậy chắc không coi được Euro hả?", chúng tôi hỏi thì những công nhân này cười lớn: “Ngoài dầm sắt không có màn hình ti vi, chỉ có màn trời thôi. Còn làm xong về đến nơi thay áo quần là chỉ muốn ngủ”. Trò chuyện khoảng 5 phút, các anh tính tiền quay về lán dọn cơm ra ăn. Anh Lê Trung Kiên, một công nhân, vừa bê bát cơm thì nhận được điện thoại báo 15 phút nữa có mặt tại công trường để chuẩn bị cho việc lai dắt nhịp cầu thứ hai. Anh Kiên là thợ điện, chuyên phục vụ điện thi công trên công trường, nên công việc của anh hầu như liên tục. “Vừa rồi đồng nghiệp có người nhà mất phải về quê chịu tang, vì thế công việc của mình tăng lên gấp đôi”, Kiên giải thích.
|
Mong trời đừng mưa
Khoảng 13 giờ cùng ngày, công tác lai dắt nhịp thứ 2 được bắt đầu. Cũng giống như nhịp đầu tiên, các kỹ sư đưa nhịp cầu từ bãi lắp ráp lên sà lan rồi chở đến sát cầu Ghềnh, neo cáp hai đầu nhịp, từ từ quay ròng rọc kéo nhịp cầu vào gác lên trụ đỡ tạm. Sau đó, tiếp tục dùng kích nâng nhịp lên gác vào trụ. Các kỹ sư đã dựa vào con nước lai dắt nhịp cầu nhằm rút ngắn khoảng cách nâng nhịp từ trụ đỡ tạm lên trụ cầu chính. Khi thủy triều xuống thì rút sà lan ra, nhịp cầu nằm lại trên trụ đỡ tạm. Nếu con nước không lên cao thì buộc phải hạ trụ đỡ xuống sát mặt nước hơn, lúc đó khoảng cách để kéo lên xa hơn, tốn nhiều thời gian hơn. Hôm nay con nước lên trễ, khiến việc tiến hành lai dắt nhịp 2 trễ hơn nhịp đầu khoảng 1 giờ (hôm 17.6 bắt đầu lúc 12 giờ). Tuy nhiên, do đã có kinh nghiệm nên việc lai dắt nhịp 2 diễn ra thuận lợi hơn nhịp 1 rất nhiều.
Song song với quá trình lai dắt nhịp, hàng trăm công nhân khác vẫn tất bật với những công việc chuẩn bị, hàn… Trên 2 giá đỡ dùng chứa kích nâng, các tia lửa hàn liên tục tóe ra từ mối hàn. Sát bên đó, các công nhân khác hì hục trên trụ kích, dùng sức đưa những sợi cáp nặng trịch vào vị trí. Một kỹ sư cho biết, 1 kích nâng như vậy có tải trọng 600 tấn, 2 giá đỡ 2 đầu có tổng cộng 4 kích, tổng tải trọng có thể nâng 2.400 tấn, trong khi đó một nhịp cầu Ghềnh chỉ 260 tấn. Dưới khu vực chân trụ 2 bờ, hàng chục xe tải chở đá tảng đến để các công nhân bốc xuống, chuẩn bị đổ bê tông gia cố chân trụ, chống sạt lở.
|
Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, công việc buộc phải tạm gián đoạn vì trời đổ mưa lớn. Trả lời với chúng tôi khi đang trú mưa trong quán cà phê cạnh chân cầu, ông Nguyễn Duy Thắng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1, đơn vị thi công cầu Ghềnh), tỏ ra lo lắng: “Dự kiến ngày mai chúng tôi sẽ kích nâng 2 nhịp cầu lên trụ chính, nhưng bây giờ trời mưa lớn thế này các công việc chuẩn bị phải hoãn lại, ảnh hưởng lớn đến tiến độ”. Cũng theo ông Thắng, đơn vị dự tính đến ngày 21.6 sẽ hoàn tất công tác lắp nhịp, với điều kiện thời tiết thuận lợi, nên bây giờ “chỉ mong ông trời ngưng mưa” để anh em tiếp tục công việc, kịp thông cầu vào ngày 26.6.
Sớm thông cầu, tiết kiệm hàng chục tỉ đồng
Trả lời với PV Thanh Niên, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt VN (VR), cho biết dự kiến ban đầu cầu Ghềnh sẽ thông suốt vào 1.7 tới, tuy nhiên công nhân thi công đã làm ngày làm đêm để đưa tiến độ cầu thông suốt sớm hơn dự kiến vào 0 giờ ngày 26.6.
Về mặt thiết kế, cầu Ghềnh mới đảm bảo an toàn hơn so với cầu cũ, từ 4 nhịp ban đầu của cầu cũ rút xuống còn 3 nhịp, khoảng không lưu thông thuyền rộng hơn, chiều cao thành cầu so với mặt nước cũng được nâng lên, hạn chế tối thiểu va chạm của các phương tiện thủy lưu thông. "Cầu Ghềnh mới không xây trụ chống va đập, tuy nhiên các trụ cầu được thiết kế và xây dựng rất chắc chắn, đảm bảo an toàn hơn nhiều so với cầu Ghềnh cũ có tuổi đời gần 100 năm", ông Hoạch cho hay.
Theo ước tính sơ bộ, sau sự cố cầu Ghềnh, mỗi ngày VR chịu thiệt hại gần 10 tỉ đồng doanh thu do đường sắt bắc - nam bị tê liệt và phải trung chuyển khách, hàng hóa từ ga Sài Gòn ra ga Sóng Thần, Đồng Nai... Cụ thể, tàu khách phải giảm 3 đôi tàu/ngày, tàu hàng giảm 4 đôi/ngày, chưa kể ngành đường sắt phải lập mới nhiều đôi tàu chuyển tải hành khách đoạn Sài Gòn - Sóng Thần và kết hợp với chuyển tải bằng ô tô đoạn Sóng Thần - Biên Hòa, tổ chức thay đổi vị trí xếp, dỡ cho toàn bộ các đoàn tàu chuyên tuyến...
VR cũng đã có kế hoạch chạy tàu mới kể từ 0 giờ ngày 26.6, khi hoàn thành cầu Ghềnh, tuyến đường sắt bắc - nam thông suốt. Cụ thể tàu sẽ hoạt động trở lại bình thường hằng ngày với 5 đôi tàu khách Thống Nhất (Sài Gòn - Hà Nội), mang các số hiệu SE2/SE1, SE4/SE3, SE6/SE5, SE8/SE7, TN2/TN1; 1 đôi SE22/SE21 chạy tuyến Sài Gòn - Vinh - Sài Gòn. Ngoài ra còn có đôi tàu SE26/SE25 chạy tuyến Sài Gòn - Quảng Ngãi - Sài Gòn; 3 đôi SNT2/SNT1, SNT4/SNT3, SNT6/SNT5 chạy tuyến Sài Gòn - Nha Trang - Sài Gòn; 2 đôi SPT2/SPT1; SPT4/SPT3 chạy tuyến Sài Gòn - Phan Thiết - Sài Gòn; 1 đôi N12/N11 chạy tuyến Nha Trang - Quy Nhơn - Nha Trang. Kể từ ngày này, ngành đường sắt cũng tạm ngưng thí điểm tổ chức chạy tàu ngoại ô giữa Sài Gòn - Dĩ An - Sài Gòn và chưa có kế hoạch tổ chức chạy tàu ngoại ô Sài Gòn - Biên Hòa. Một lãnh đạo ngành đường sắt cho biết hiện đơn vị lo tập trung chạy tốt các đoàn tàu sau khi cầu Ghềnh thông xe, sau đó mới tính tiếp.
Mai Thu - Đình Mười
|
87 ngày đêm khẩn cấp
- Trưa 20.3, sà lan đâm làm sập trụ cầu Ghềnh (tại Km 1.699+860 thuộc khu gian Biên Hòa - Dĩ An) làm tê liệt giao thông đường sắt tuyến bắc - nam.
- Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 23.3 Bộ GTVT giao VR làm chủ đầu tư dự án cầu Ghềnh theo lệnh khẩn cấp.
- Ngày 26.3 hoàn thành công tác lập dự án; hoàn thành thiết kế bản vẽ thi công kết cấu phần dưới và phần dầm ngày 28.3.
- Hoàn thành công tác trục vớt nhịp số 2, 3 và đầu kéo, sà lan vào ngày 31.3. Các nhịp 1, 4 và các trụ cầu cũ hoàn thành việc trục vớt trước 15.4.
- Ngày 31.3, hoàn thành công tác di dời các công trình hạ tầng, rà phá bom mìn.
- Khởi công ngày 1.4 với quyết tâm phấn đấu thi công đảm bảo tiến độ xong trước 15.7.
- Dự kiến 0 giờ ngày 26.6 sẽ thông tuyến cầu Ghềnh, xong trước 20 ngày so với kế hoạch.
Như vậy, tổng cộng 87 ngày đêm khôi phục khẩn cấp cầu Ghềnh, tính từ ngày khởi công đến ngày dự kiến hoàn thành, thông tuyến.
|
Bình luận (0)