Cầu ngói có từ thời Hậu Lê bị 'làm mới' sai lệch

15/02/2020 06:38 GMT+7

Sở VH-TT-DL tỉnh Nam Định đã khẩn cấp yêu cầu chính quyền xã Bình Minh (H.Nam Trực, Nam Định) trả lại cổng Cầu Ngói chợ Thượng như hình ảnh đã được lưu trong hồ sơ di tích.

Ngày 14.2, một số nhà hoạt động văn hóa chia sẻ hình ảnh Cầu Ngói chợ Thượng (ở thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, H.Nam Trực, Nam Định) được làm mới một cách tệ hại. Trong đó, phần cổng được trát lại, sơn mới màu giả đá không khác gì một bia mộ. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị văn hóa, thẩm mỹ, lịch sử của công trình được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia này.

“Quá sai”

Cầu Ngói chợ Thượng được xây dựng từ thời Hậu Lê, với sự đóng góp công đức của bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân, cung phi của chúa Trịnh. Cầu có kết cấu “thượng gia, hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu) giống chùa Cầu ở Hội An. Mố cầu được xây dựng hoàn toàn bằng đá tảng. Bộ khung Cầu Ngói chợ Thượng được dựng bằng gỗ lim. Cầu được chia thành 11 gian, mỗi gian có kích thước trung bình từ 1,45 m đến 1,65 m tạo nên một tổng thể kết cấu dài 17,35 m. Phía trên các bộ vì còn có hệ thống các hoành mái nối mộng với nhau để tạo nên một khoảng trống tối đa cho lòng cầu. Các bộ vì tạo thành những cánh tay đòn vươn qua cột cái, cột quân đến tận diềm mái. Năm 1993, do hai bên thành bằng gỗ của cầu bị mối mọt nên đã được trùng tu thay thế bằng đá. Đến năm 2012, Cầu Ngói chợ Thượng được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Cầu Ngói chợ Thượng hiện là 1 trong 5 cầu ngói cổ độc đáo nhất VN cùng với Chùa Cầu (Hội An), Cầu Ngói Thanh Toàn (Huế), Cầu Ngói chùa Lương (Nam Định) và Cầu Ngói Phát Diệm (Ninh Bình).
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Xuân Bình, Trưởng ban Quản lý di tích và danh thắng (Sở VH-TT-DL tỉnh Nam Định), cho biết: “Tối 13.2, chúng tôi cũng nắm được thông tin về việc cổng Cầu Ngói chợ Thượng bị làm mới sai nguyên mẫu. Ngay sáng 14.2, chúng tôi đã về thôn Thượng Nông để kiểm tra và thấy cầu bị làm mới quá sai, mất hết hoa văn, màu sắc”.
Theo ông Trần Xuân Bình, cuối năm 2019, Cầu Ngói chợ Thượng được Bộ VH-TT-DL hỗ trợ 200 triệu đồng theo chương trình “Mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020” để tu sửa phần mái đã xuống cấp. Sở VH-TT-DL tỉnh Nam Định giao UBND xã Bình Minh tiến hành tu sửa phần mái (thay ngói, rui, mè cũ) theo đúng hình mẫu được lưu trong hồ sơ di tích. “Phần tu sửa mái được giám sát của Ban quản lý di tích và danh thắng đã làm rất chuẩn, đúng chất liệu cũ. Tuy nhiên, trong quá trình tu sửa, chính quyền địa phương nhận thấy phần cổng bắc xuống cấp nên vận động kinh phí xã hội hóa trát lại rồi sơn màu giả đá. Phần bậc thang bằng gạch cũng được lát lại bằng đá xanh. Việc làm phát sinh này là do chính quyền địa phương tự ý, không báo cáo”, ông Bình cho biết. Việc sửa cổng cầu này vừa hoàn thành thì bị phát hiện.
Sau khi biết thông tin, xuống kiểm tra và nhận thấy việc “hiện đại hóa” phần cổng Cầu Ngói chợ Thượng đã phá hỏng giá trị thẩm mỹ, văn hóa, lịch sử của di tích quốc gia này, Sở VH-TT-DL tỉnh Nam Định đã yêu cầu chính quyền địa phương làm lại phần cổng đã bị sửa chữa. “Xã Bình Minh phải bỏ kinh phí ra làm lại. Rất may là họ chỉ trát lại và sơn giả đá chứ không ốp đá vào. Chúng tôi sẽ giám sát việc sửa chữa này để đảm bảo các hoa văn, màu sắc của cầu ngói trở về đúng hình ảnh trong hồ sơ di tích”, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Nam Định, cho biết.
Cầu ngói có từ thời Hậu Lê bị “làm mới” sai lệch

Cổng Cầu Ngói chợ Thượng sau khi được trát lại, sơn giả đá

Ảnh: Vũ Đình Lực

Nhận thức lệch chuẩn về di sản

TS-KTS Hoàng Đạo Cương, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, cho biết: “Giá trị lớn nhất của Cầu Ngói chợ Thượng chính là mái ngói cổ và khung gỗ vẫn được giữ nguyên. Còn phần đã thay đổi là tường trát vữa xi măng. Phần ốp đá thì cũng dở”.
Theo TS Nguyễn Hạnh Nguyên, giảng viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, phong trào nông thôn mới đang được nhiều địa phương hiểu theo nghĩa là bê tông hóa nông thôn, “granite hóa” di tích... Ý thức sai lầm này xuất phát từ sự lệch chuẩn nhận thức. Khi không nhận thức được giá trị lớn nhất của một di tích trên địa phương mình chính là giá trị di sản, là tinh thần, là lịch sử, là ký ức..., các di tích sẽ bị làm biến dạng, đập phá. Sự lệch chuẩn nhận thức về giá trị di sản chính là mối hiểm họa lớn nhất đối với công tác bảo tồn. TS Nguyễn Hạnh Nguyên cho rằng trùng tu chỉ thực hiện phần duy trì tuổi thọ mà không được làm biến dạng di tích. “Với Cầu Ngói chợ Thượng thì sai phạm lớn nhất là thay đổi vật liệu. Lần tu sửa này cũng làm mất chi tiết kiến trúc. Để phục hồi lại nguyên trạng, rất cần có bản vẽ ghi cụ thể. Thông thường khi trùng tu, trong hồ sơ sẽ có bản vẽ này. Như thế mới có thể làm lại như cũ. Cũng phải nói thêm rằng cầu ngói này từng bị làm sai khác với nguyên gốc rồi”, TS Nguyên nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.