Giải mã 3 di tích ở Hội An được người Pháp chọn làm cổ tích liệt hạng

Hữu Trà
Hữu Trà
13/09/2019 20:35 GMT+7

Năm 1930, Viện Viễn đông bác cổ (Pháp) đã chấm chọn chùa Cầu, chùa Ông Bổn và chùa Bà Mụ- chùa Ông Chú là cổ tích liệt hạng của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, lý do người Pháp chấm chọn 3 di tích nêu trên là cổ tích liệt hạng do thời gian xây dựng trải qua hàng trăm năm, lưu giữ tinh hoa nghệ thuật kiến trúc gỗ và cũng là nơi giao thoa, hội tụ văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân cư ở Hội An…

Chùa Cầu từng được đặt tên chùa Hội An?

Sách Đại Nam Nhất thống chí ghi rằng: “Năm Kỷ Hợi - 1719, Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế (tức chúa Nguyễn Phúc Chu) đi tuần du phương nam, xa giá đến phố Hội An, thấy phía tây phố có cầu, thuyền buôn tụ họp, bèn cho tên là Lai Viễn Kiều và viết chữ khắc biển vàng ban cho, nay vẫn còn”.
Theo khảo cứu của Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, trong Thiên Nam Tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá Công Đạo vẽ và chú thích vào năm Bính Dần-1686, lần đầu tiên hình vẽ về di tích chùa Cầu được thể hiện trên bản đồ với dòng chú thích: Hội An kiều (cầu Hội An).

Du khách tham quan chùa Cầu

ẢNH: Hữu Trà

 Ngoài ra, trong tập Những người bạn cố đô Huế, xuất bản năm 1920, có ghi lại câu chuyện diễn ra khoảng 1673-1683 của giáo sĩ Bénigne Vachet, cũng có nhắc đến tên cầu Faifo (cầu Hội An). Năm 1695, trong cuốn Hải ngoại ký sự, khi nói về chùa Cầu, thiền sư Thích Đại Sán gọi tên là cầu Nhật Bản. Còn căn cứ vào cây cầu có mái ngói, người dân gọi nôm na dân dã: cầu Ngói.
Còn tên chùa Cầu có thể được đặt sau khi miếu thờ Bắc Đế Trấn Vũ nằm phía bắc của cầu hoàn thành.
Chùa Cầu đã trải qua 7 lần trùng tu. Lần tu bổ năm 1986, được xem là đợt trùng tu lớn nhằm phục hồi nguyên trạng hình hài chùa Cầu với phần sàn cầu cong như hiện nay. Bởi trước đó, người Pháp đã hạ sàn cầu bằng phẳng để cho các phương tiện lưu thông qua cầu.

Năm 1986, chùa Cầu được trùng tu, nâng sàn cầu theo hình uốn lượn thơ mộng theo nguyên trạng

ẢNH: Hữu Trà

Chùa Bà Mụ- chùa Ông Chú
Chùa Bà Mụ và Ông Chú tức hai cung Hải Bình và Cẩm Hà là công trình kiến trúc tín ngưỡng lâu đời ở Hội An.
Cung Cẩm Hà nằm bên trái, thờ đức Bảo Sanh Đại Đế và 36 vị tướng được phong thần; cung Hải Bình nằm bên phải, thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và 12 Bà Mụ.

Chùa Bà Mụ-Ông Chú chỉ còn cổng tam quan

ẢNH: Hữu Trà

 Ngoài ra, còn có tên cung Cẩm Hà, xuất phát từ cách gọi ghép địa danh hai làng Cẩm Phô và Thanh Hà, là nơi công trình nêu trên tọa lạc ban đầu. Trong các thư tịch cổ, hai cung Cẩm Hà và Hải Bình này còn được ghép đặt tên chung là cung Cẩm Hải hoặc Cẩm Hải nhị cung.
Căn cứ vào các tài liệu khảo cứu, niên đại xây dựng hai cung này vào năm Bính Dần-1626 đời Hy Tôn Hiếu Văn Hoàng đế (thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên trị vì 1614-1635).
Tuy nhiên, có thể xuất phát từ thuật phong thủy và nhiều khả năng cũng nhằm mục đích tạo thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, nên những thương nhân người Minh Hương lúc bấy giờ đã quyết định chuyển hai cung Cẩm Hà và Hải Bình về vị trí hiện tại, nhưng niên đại xây dựng mới hai cung này vẫn chưa được xác định cụ thể.
Trong số này, có các tài liệu cho rằng việc di dời hai cung và xây dựng mới diễn ra vào năm 1686.
Trải qua thời gian, thay vì gọi tên chùa Bà Mụ và chùa Ông Chú, người dân trong vùng giản lược cho dễ nhớ, lâu dần thành quen với cách gọi tên: chùa Bà Mụ. Mặc dù, được gọi là chùa nhưng bản chất đây không phải là một ngôi chùa.
Vì trong hệ thống thờ tự không có thờ Phật. Do nhiều nguyên nhân, chùa Bà Mụ chỉ còn lưu giữ hệ thống tam quan (là cổng được chia 3 cửa vào) có quy mô kiến trúc khá đặc biệt, được ghép đặt tên với chùa thành Tam quan chùa Bà Mụ.

Một cổ tích liệt hạng đã mất, chỉ còn lại cổng tam quan và ngày nay chính quyền Hội An đặt tên Cổng chùa Bà Mụ

ẢNH: Hữu Trà

Cuối năm 2018, việc trùng tu hoàn thành, sau khi lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân, tháng 4.2019, chính quyền thành phố Hội An đã chính thức chọn tên: Cổng chùa Bà Mụ đặt cho di tích kiến trúc độc đáo này.

Chùa Ông Bổn

Chùa Ông Bổn

ẢNH: Hữu Trà

Chùa Ông Bổn hay còn gọi Hội quán Triều Châu. Hội An là vùng đất cuối sông Thu Bồn và xa hơn nữa là nơi hội thủy của sông Trường Giang, Cổ Cò và hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn trước khi đổ ra Biển Đông, hằng năm thường xuyên hứng chịu bão, lụt.
Trong khi đó, Hội An xưa là thương cảng sầm uất, tàu thuyền các nước thường lui tới bán buôn, tránh gió bão ở cảng Đại Chiêm-Cù Lao Chàm. Ngoài ra, một bộ phận cư dân không nhỏ là thương nhân người Hoa, người Nhật vượt biển khơi đến định cư, lập phố ở Hội An, họ rất coi trọng thờ cúng những vị thần phù hộ, độ trì cho việc đi lại, buôn bán trên sông, trên biển “xuôi chèo mát mái”.
Đây là di tích được ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An xác định có kiến trúc gỗ tinh xảo, đẹp nhất trong các hội quán ở Hội An.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.