Cây mía... hết thời

01/11/2014 09:08 GMT+7

Sau khi Nhà máy đường Thới Bình đóng cửa, mía không bán được dù giá rẻ mạt, người trồng mía ở Cà Mau chán nản đốt bỏ mía để nhanh chóng chuyển sang mô hình canh tác mới.

Ruộng mía loang lổ vết cháy của bà Ráng sắp thành ruộng tôm - lúa
Ruộng mía loang lổ vết cháy của bà Ráng sắp thành ruộng tôm - lúa - Ảnh: Hằng Ni

Đốt bỏ mía

Vùng mía nguyên liệu của H.Thới Bình (Cà Mau) những ngày cuối tháng 10 đang vào mùa thu hoạch nhưng lại vắng bóng người. Nhiều ruộng mía bị bao phủ, lập lờ trong làn khói trắng. Ruộng mía gần 4 công của bà Dương Thị Ráng (61 tuổi, ngụ ấp Lê Giáo, xã Biển Bạch Đông), tiếng cơ giới ầm ì. Tâm trạng buồn so, bà Ráng cho biết rất tiếc khi đưa ra quyết định đốn bỏ mía, nhưng bà đã “tới đường cùng”, không còn cách nào khác hơn. Bà nói: “Giá mía chỉ còn chừng 500 đồng/kg nhưng thương lái không mua. Bực quá tôi kêu mấy cô bán nước mía đến cho đốn thoải mái. Họ đốn rất ít, đủ để ép nước mía nên tôi gom lá dừa đốt luôn rẫy mía cho lẹ”.  

Hàng chục năm gắn bó với cây lúa không khá lên được, cuối năm 2011, bà Ráng thuê xáng vô đào đất, kê liếp trồng mía. Lúc đầu do chưa nắm vững kỹ thuật nên ruộng mía èo uột, chử đường thấp gặp ngay lúc giá sụt nên bà Ráng “dưỡng” mía lại, định “hốt cú chót” ở niên vụ 2014, nhưng mọi hy vọng giờ đã tan biến. Bà Ráng chia sẻ không phải mình bà “chơi sang” tự đốt bỏ ruộng mía mà ở xóm này còn vài hộ tương tự. “Tôi chầu chực dưới bến sông mấy ngày liền mà chẳng thấy ghe vào mua mía. Không đốt bỏ chuyển qua nuôi tôm không lẽ trồng mía nữa để nó làm khổ mình”, bà Ráng chua chát.

Không “chơi sang” như bà Ráng nhưng đến nay ông Lê Văn Được (ở ấp 6 La Cua, xã Biển Bạch Đông) vẫn chưa tìm được thương lái bán ruộng mía hơn 5 ha. Ông nói từ hồi nhà máy đường đóng cửa, thương lái không vô mua mía trong dân dù giá đã xuống tới đáy. Ông Được cho biết: “Hiện mía chỉ còn 500 đồng/kg. Biết sẽ lỗ nhưng nếu bán được thì gỡ gạc được chút tiền phân bón, giống, công đánh lá mía. Không lẽ trồng cả năm không thu lại được đồng nào. Nếu bán được hết ruộng mía, tôi sẽ thuê cơ giới vô ban đất ra nuôi tôm sú kết hợp trồng một vụ lúa vào mùa mưa”.

Ông Nguyễn Minh Chủ (Bí thư Chi bộ ấp 6 La Cua) cho biết: “Trong số gần 140 ha mía năm 2014 của ấp (giảm khoảng 30 ha so với vụ trước) hiện chỉ có trên 60% diện tích đã thu hoạch nhưng ai cũng bị lỗ vì giá quá thấp. Tình hình này chắc chắn sau vụ mía này, không dưới 50% số hộ sẽ bỏ mía chuyển sang làm thứ khác”.

Lòng dân muốn… “mặn”

Con lộ nhựa xẻ dọc ruộng mía ấp Quyền Thiện rồi qua ấp 6 La Cua hai bên là những vuông tôm đang mùa cấy lúa nằm xen kẽ với những ruộng mía vắng bóng người. Mặt tiền của những thửa ruộng ấy, bà con đang tận dụng đất trống trồng khoai ngọt, gừng, khổ qua… Hai bên đường nhà cơ bản khá nhiều cho thấy cây mía đã một thời giúp bà con ổn định cuộc sống. Nhưng giờ đây, cây mía đã không còn chỗ đứng trước “dòng mặn” đang tràn về. Bí thư Chi bộ ấp Lê Giáo Quách Văn Ứng so sánh một bọc tôm sú khoảng 2 kg không dưới 500.000 đồng nhưng một tay cầm gọn hơ. Trong khi chừng ấy tiền nhưng bằng một tấn mía và phải cả chục người khiêng. “Bà con tự phát đưa nước mặn vô ruộng mía nuôi tôm, lãnh đạo ấp ra khuyên, làm theo hay không còn tùy chứ kêu bà con trồng mía, lỡ có nghèo bà con đổ thừa”, ông Nguyễn Trang Nghiệm, Chủ tịch UBND xã Biển Bạch Đông, chia sẻ. 

Ngược đường về Cà Mau, chúng tôi ghé Nhà máy đường Thới Bình. Nhà máy đã ngừng xả khói. Bến sông bên cạnh cũng có hàng chục ghe tải đậu nhưng trống rỗng. Trao đổi qua điện thoại, ông Vưu Văn Út (Giám đốc nhà máy) cho hay đã đóng cửa nhà máy hơn tuần nay, chỉ còn bảo vệ gác cổng phòng trộm vặt.

Còn ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng phòng NN-PTNT H.Thới Bình, cho biết toàn huyện hiện chỉ còn khoảng 1.200 ha mía (giảm khoảng 300 ha so với đầu năm 2014) và giảm khoảng 500 ha so với đầu vụ mía năm 2013. Số diện tích mía giảm chủ yếu chuyển đổi qua nuôi tôm sú kết hợp trồng một vụ lúa vào mùa mưa. Giá mía đã bấp bênh mấy vụ trước, năm nay lại tệ hại hơn vì không còn nơi tiêu thụ. Hết vụ này, số hộ phá mía để làm chuyện khác sẽ còn nhiều hơn. Ông Lâm cho biết thêm sẽ đề xuất lãnh đạo tái cơ cấu diện tích trồng mía đi kèm các giải pháp giúp bà con trụ được với cây mía. Còn giải pháp “ngắn ngày” là chuyển ruộng mía sang trồng lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh; tận dụng mặt nước nuôi cá đồng xen canh thêm rau màu ở những khoảnh đất trống để tăng thu nhập.

Hơn 14 năm trước, Cà Mau nỗ lực giữ ngọt cho một số huyện phía Nam nhưng bất thành. Các cống, đập kiên cố đã bị khuất phục trước khát vọng làm giàu chính đáng của những hộ độc canh cây lúa muốn chuyển sang nuôi thủy sản. Hàng trăm ngàn héc ta lúa sau đấy đã nhường chỗ cho con tôm sú, giúp không ít nhà nông khấm khá và kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt trên 1 tỉ USD vào năm 2013.

Riêng cây mía, Cà Mau cũng có nhiều giải pháp đầu tư hạ tầng, kỹ thuật… nhằm khuyến khích hộ trồng mía phát triển diện tích khoảng 4.000 ha vào cuối năm 2015, để giữ ổn định vùng nguyên liệu cho Nhà máy đường Thới Bình duy trì hoạt động. Nhưng thực tế hiện nay cho thấy cây mía đã “hết thời”. Nhiều lãnh đạo xã có trồng mía không dám lên tiếng ủng hộ dân bỏ mía vì sợ làm trái chủ trương. Tuy nhiên, qua thăm dò, những lãnh đạo ấy đã “bằng lòng” dù không “bằng mặt”. Cái chính là không lãnh đạo nào muốn ép dân phải nghèo trên luống cày, thửa ruộng. Họ luôn muốn bà con khá hơn, giàu hơn thay vì bấu víu cây mía đã hết thời, cằn cỗi. Đến thời điểm hiện tại, vùng ngọt hóa Cà Mau vẫn chưa khép kín được các cống đập, nên dòng mặn từ biển Tây đang hòa lẫn vào dòng ngọt tại địa phương. Và năm nay, dòng nước ấy dường như mặn hơn vì lòng dân đang “muốn mặn”.

Hằng Ni

>> Người trồng mía 'mất oan' hàng chục tỉ đồng
>> Hậu Giang: Người trồng mía lỗ nặng
>> Bảo vệ quyền lợi người trồng mía
>> Không để người trồng mía thiệt thòi
>> Chi phí tăng, người trồng mía không có lời
>> Trồng mía trên bờ vuông tôm: Làm chơi, ăn thiệt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.