Theo CNN, ông Blankfein cho biết khả năng kinh tế Mỹ đi đến kết quả tồi tệ đã tăng lên. Sếp Goldman Sachs lưu ý rằng nền kinh tế vốn đã tốt từ trước khi chính phủ liên bang bơm thêm 300 tỉ USD chi tiêu bổ sung và 1,5 nghìn tỉ USD tiền thuế cắt giảm. Điều này đẩy mạnh thâm hụt ngân sách. Giờ đây, Tổng thống Trump còn đề xuất gói chi cho cơ sở hạ tầng 200 tỉ USD.
Loại chi tiêu này thường được dành riêng cho các cuộc suy thoái, hoặc ít nhất là khi nền kinh tế phục hồi yếu ớt, không phải dành cho giai đoạn kinh tế bùng nổ.
Ông Blankfein cho hay việc kích thích chi tiêu lần này có thể trở nên tốt quá mức đối với thị trường tài chính và nền kinh tế. “Đừng quên rằng tất cả các khoản thâm hụt này đều phải được thanh toán”, ông Blankfein nói.
Phố Wall từng ăn mừng lớn khi ông Trump và Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát thực hiện cắt giảm thuế mạnh vào tháng 12.2017. Có thời điểm ở tháng trước, chỉ số Dow tăng 45% so với mức khi ông Trump vừa đắc cử. Chỉ số này tăng 1.000 điểm trong khoảng bảy ngày giao dịch trong tháng 1.
Các doanh nghiệp nhỏ hơn cũng lạc quan. Cuộc khảo sát của Liên đoàn các doanh nghiệp độc lập quốc gia Mỹ cho thấy chủ công ty nhỏ cho rằng đây là khoảng thời gian tốt nhất trong thập niên để mở rộng kinh doanh.
Dù vậy theo sếp Goldman Sachs, người đã 12 lèo lái ngân hàng, tâm trạng phấn khởi hiện thời có vẻ giống với những ngày lạc quan tiền khủng hoảng tài chính. “Có điều gì sai không? Tôi chưa từng cảm thấy tốt như thế này kể từ năm 2006”, ông Blankfein đùa.
tin liên quan
Chỉ số Dow Jones lại mất hơn 1.000 điểmÔng Blankfein nói rằng nếu nền kinh tế bắt đầu nóng lên và Fed cảm thấy họ không theo kịp lạm phát, Fed sẽ phải hành động. Lo ngại lạm phát quá mức từng buộc Fed phải tăng lãi suất mạnh hơn so với Phố Wall dự báo trong năm 1994.
Lực bán mạnh đã kéo lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng từ 2,4% đầu năm 2018 lên 2,85% hiện nay. Điều này rất quan trọng vì trái phiếu góp phần giúp định giá hầu hết các loại tài sản khác. Lợi nhuận nợ chính phủ Mỹ cao hơn có thể làm tổn thương nhu cầu của các tài sản rủi ro hơn, chẳng hạn như chứng khoán.
Đợt chi tiêu mạnh tay của Washington sẽ buộc Bộ Tài chính Mỹ phải vay thêm bằng cách phát hành thêm trái phiếu. Các trái phiếu này cần được bán cùng lúc với việc Fed giảm nỗ lực kích thích tài chính trước đây, vốn được biết đến với tên gọi chương trình nới lỏng định lượng (QE), bằng cách tung ra lượng lớn trái phiếu Mỹ.
Lên tiếng thể hiện lo ngại song ông Blankfein không dự báo về một thảm họa. Ông cho rằng lãi suất Mỹ hiện vẫn tương đối thấp và kịch bản cơ bản của ông vẫn là một nền kinh tế tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, sếp Goldman Sachs vẫn thúc giục giới đầu tư phải cẩn trọng.
Bình luận (0)