"Tôi muốn được giống ba"
Hiện nay, Nguyễn Phương Thảo (Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM) được xem là một chuyên gia hàng đầu về công nghệ sinh học phân tử trên đối tượng thực vật tại Việt Nam. Năm 2015, cô được nhà nước công nhận và được Trường ĐH Quốc tế bổ nhiệm chức danh Phó giáo sư. Tính đến nay cô đã công bố được 24 bài đăng trên tạp chí quốc tế uy tín (tạp chí thuộc danh mục ISI). Cô còn được mời tham gia ban biên tập, tham gia phản biện nhiều tạp chí quốc tế uy tín.
Gần đây, Phương Thảo mới được ĐH Quốc gia TP.HCM giao phụ trách một lab (phòng thí nghiệm) 24 tỉ đồng. Cô cũng được nhà nước giao cho chủ trì một đề tài lớn chưa từng có trong lĩnh vực nghiên cứu về thực vật (kinh phí 15 tỉ đồng).
"Đề tài của tôi là nghiên cứu chọn tạo và nhân giống dừa có năng suất, chất lượng cao phục vụ phát triển bền vững cây dừa cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhất là ở tỉnh Bến Tre vì vùng đó nhiều dừa nhất nước. Vì thế lãnh đạo tỉnh Bến Tre "cưng" nhóm nghiên cứu của chúng tôi lắm, mỗi lần lên TP.HCM công tác họ lại ghé thăm. Thực sự nghề nghiên cứu mang lại cho tôi rất nhiều thứ. Được làm những việc mình thích mà lại thấy nó thực sự có ý nghĩa; được tiếp tiếp xúc nihều với sinh viên, thấy cuộc sống như tươi đẹp hơn; được đánh giá cao, được tin tưởng trong công việc; được làm việc với nhiều cộng sự, nhiều học trò giỏi”, PGS Phương Thảo chia sẻ.
|
Phương Thảo xuất thân trong một gia đình “trí thức nòi”. Ông nội vốn làm đốc học tỉnh Bình Định thời Pháp thuộc (chức vụ tương đương Giám đốc Sở GD-ĐT ngày nay). Bố là GS Nguyễn Tự Cường (Viện toán học Việt Nam) một trong số ít các nhà toán học được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh danh giá. Bác ruột là cố GS Nguyễn Đình Tứ, một nhà vật lý hạt nhân, một nhà lãnh đạo của nền khoa học Việt Nam, người được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh sau khi đã qua đời. Các bác ruột khác cũng đều là những nhà khoa học thành công trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Còn mẹ cô, PGS Tạ Phương Hòa, cũng là một nhà khoa học ngành hóa, trước đây làm việc ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Lớn lên trong một gia đình như thế nên Thảo thấy cuộc đời mình như đã được “lập trình” sẵn để trở thành nhà khoa học.
PGS Phương Thảo tâm sự: “Hồi nhỏ, tôi nghĩ ba là người giỏi nhất trên đời. Thành ra rất tự hào về bố mẹ, về gia đình. Đi học thì lúc nào cũng thuộc diện học giỏi. Thấy con đường tương lai cứ thế mà đi, chưa bao giờ có ý tưởng làm gì khác ngoài học hành và nghiên cứu. Học đại học xong thì ra nước ngoài học thạc sĩ, làm tiến sĩ, rồi trở thành cán bộ nghiên cứu hoặc giảng viên đại học”.
|
Đối mặt "ma lực" đồng tiền
Hơn 10 năm trước, khi mới chân ướt chân ráo trở về từ Nhật Bản, Phương Thảo là một nữ tiến sĩ ngành di truyền phân tử thực vật đầy triển vọng.
Ở Nhật, Thảo được GS Shimamoto (nay đã mất) hướng dẫn nghiên cứu. Ông là một trong những nhà khoa học đầu ngành của thế giới trong lĩnh vực sinh học. Được "đứng trên vai của người khổng lồ", lại có tố chất thông minh, ham học hỏi và chịu thương chịu khó nên kết quả học tập của Thảo sau thời gian ở Nhật khá ấn tượng.
Cô có nhiều bài báo xuất bản trên các tạp chí nghiên cứu uy tín hàng đầu về nghiên cứu thực vật (Plant Cell, Plant Physiology và Cell Press). Vì thế mà Thảo được thầy Shimamoto mời ở lại làm việc với thầy, rồi có cơ hội sang ĐH Yale ở Mỹ làm việc. Tuy nhiên, cô vẫn quyết định về nước.
|
"Vào thời điểm đó tôi rất tin vào khả năng nghiên cứu khoa học của mình và nghĩ rằng tôi có thể bắt đầu xây dựng một nhóm nghiên cứu tương tự ở Trường ĐH Quốc tế ", Phương Thảo nói.
Cô giải thích thêm: “Ba tôi là người có tư tưởng coi thường đồng tiền, nên khi nói về công việc, ông không xem tiêu chí kiếm được bao tiền là quan trọng. Ông thường đề cao thái độ làm việc tận tụy, dồn tâm huyết cho nó để thành người giỏi. Và quan trọng là phải sống trong sạch, lương thiện. Quan điểm đó ảnh hưởng rất nhiều tới cách nghĩ của tôi. Tôi từng nghĩ, tiền không quan trọng, nên sau này về nước cho dù có doanh nghiệp có trả cho 10.000 USD tôi cũng không đi làm, với tâm niệm sẵn sàng đi dạy với lương mấy triệu đồng/tháng".
"Từ bé tôi luôn nghĩ rằng mình sẽ là nhà khoa học, nên công việc sẽ chỉ loanh quanh trong mấy cơ quan kiểu như viện nghiên cứu hay trường ĐH. Thực tế thì tôi gặp may, vì dạy ở Trường ĐH Quốc tế, nên lương được trả là rất khá so với các trường ĐH trong nước", cô nói.
Vậy nhưng đồng lương "rất khá" ấy đối với một nhà khoa học vừa mới lập gia đình, lại có thêm em bé, trong khi nhà thì phải đi thuê, đã khiến Thảo lần đầu "va vấp" với đồng tiền. Cô buộc phải suy nghĩ khác cha mình đôi chút, khi thấy hóa ra tiền cũng quan trọng.
"Tôi phải lựa chọn đi hay ở lại trường. Ba mẹ, đặc biệt là ba, thì không vui. Ở trường, thầy cô rất tốt. Tôi thấy mình được trân trọng yêu quý. Quan trọng họ thực sự cần mình. Nhưng rồi tôi vẫn quyết định ra đi. Người ta chào mời tôi lương cao quá, gấp chục lần lương đi làm ở trường quốc tế. Tôi lại đang cần tiền nên không "cưỡng" lại được. Tôi đã ra ngoài làm một năm, cũng kiếm được đủ tiền mua căn nhà để ở", Phương Thảo tâm sự.
"Nhưng rồi tôi quyết định quay trở lại với giảng đường ĐH. Và khi đã quay về thì tự biết với mình rằng, sẽ không bao giờ từ bỏ… ", Phương Thảo nhớ lại.
|
Có chút... gàn dở giống ba
Từ nhỏ, cô bé Phương Thảo thường được nhận xét là giống cha. Càng lớn, và nhất là khi đã trưởng thành, Phương Thảo thấy mình đúng là… giống cha đủ đường, không chỉ ở các nét trên khuôn mặt mà từ cái tính khí ương ngạnh, gàn dở của ông cho tới tình yêu dành cho khoa học.
Thảo lý giải: “Tôi mâu thuẫn, mà ương bướng lắm, nên tự làm khổ mình trong suốt nhiều năm vì vừa học sinh (môn sinh học) vừa lay lắt tình yêu với toán. Nhưng lại sợ người ta nhìn vào bảo mình dựa hơi bố, nên thôi quyết định bỏ toán. Hồi còn ở Hà Nội, đi đâu tôi cũng được người ta biết đến là con bố Cường, cháu bác Tứ. Còn bé thì thấy hãnh diện, nhưng khi lớn thì điều này khiến mình cứ có gì đó khó chịu trong người”.
Theo GS Nguyễn Tự Cường, thì cái khó chịu đó “có nòi” rồi. Năm 1974, sau khi ông vừa tốt nghiệp ĐH tổng hợp Martin-Luther, Halle, Cộng hòa liên bang Đức, ông được GS Tạ Quang Bửu khi đó đang là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp định hướng về giảng dạy tại Trường ĐH Tổng hợp nhưng chính GS Nguyễn Đinh Tứ (lúc đó đang là Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp) từ chối nhận em trai mình.
“Khi tôi đem giấy phân công công tác của Bộ về trường nộp, anh Tứ nói anh em thì không nên làm cùng một chỗ. Về sau anh Tứ đề nghị tôi sang làm việc ở Viện Toán học Việt Nam”, GS Cường cho biết.
Bình luận (0)