“Tôi cần bình oxy cho ba tôi thở. Làm ơn giúp với vì bình oxy ở nhà gần hết, ba tôi khó giữ được tính mạng khi không có bình oxy để cầm cự trong đêm nay”, một nam thanh niên ở quận 10 đăng thông tin cầu cứu trong đêm. Nhận được thông tin, hơn 22 giờ, nhóm của anh Hoàng Tuấn Anh (35 tuổi, Q.Tân Phú, TP.HCM) người được biết đến là “cha đẻ” của ATM gạo trước đó đã liên lạc và tiếp tế cho trường hợp này, ngay cả khi cả nhóm chưa sẵn sàng triển khai dự án.
Mong người bệnh có đủ bình oxy lúc ngặt nghèo
“Mỗi bình oxy có thể cứu thêm được vài chục bệnh nhân khi bệnh viện quá tải, nhiều F0 ở nhà gặp khó khăn vì thiếu bình oxy. Tôi chỉ mong muốn hỗ trợ mọi người một tay trong đại dịch”, anh Hoàng Tuấn Anh nói. Đó là lý do anh triển khai ATM bình oxy cấp tốc trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng ở TP.HCM và nhu cầu sử dụng bình oxy cao hơn bao giờ hết.
Chương trình có sự kết hợp của Hội doanh nhân trẻ Việt Nam - đơn vị đồng tổ chức ATM Oxy cũng như kêu gọi đóng góp.
Từ đầu tuần, anh đã bắt đầu lên kế hoạch kêu gọi, quyên góp để triển khai mô hình này và hiện vẫn đang quá trình kêu gọi mọi người cùng quyên góp bình để chuyển đổi công năng thành bình oxy y tế. “Nhưng tối qua, khi hay thông tin mình triển khai dự án này, nhiều F0 tại nhà đã liên lạc trong tình huống khẩn cấp. Mặc dù chưa chuẩn bị chương trình xong nên còn lúng túng và dự định tuần tới mới bắt đầu nhưng tụi mình vẫn quyết định tiếp tế bình oxy cho họ và quyết định triển khai luôn vì cấp thiết quá rồi”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Nói về dự án này, Tuấn Anh cho biết mỗi lần nạp oxy, các bệnh viện thường phải chi trả từ 300.000-500.000 đồng/bình. Trong khi nhu cầu bình oxy ở các bệnh viện rất lớn, nhiều nơi bị thiếu hụt hoặc thu nạp không kịp.
Thông thường các bệnh viện sẽ thu nạp oxy mỗi tuần một lần nên nhiều bình oxy đã hết sẽ phải nằm kho chờ, không tận dụng được hết công suất. Từ thực tế này, Tuấn Anh mong muốn hỗ trợ các bệnh viện đẩy nhanh tốc độ thu nạp oxy cho những bình trống đang nằm kho trong thời gian chờ nạp, nâng mức sử dụng tối đa số lượng bình oxy hiện có.
Bên cạnh đó, “cha đẻ” của ATM gạo kêu gọi mọi người quyên góp các bình hàn gió đá để vệ sinh rồi nạp oxy y tế tiếp tế cho bệnh viện, bệnh nhân mượn miễn phí. Cũng trong khuôn khổ dự án ATM bình oxy, Tuấn Anh kêu gọi mọi người tham gia làm tình nguyện viên để chuyên chở, vận chuyển bình đến các điểm có nhu cầu mượn.
Mỗi bình oxy, mỗi người dùng được 4-24 giờ liên tục, tuỳ dung tích. Anh cũng làm việc với đơn vị cung cấp oxy để có được giá tốt nhất, giúp “bình ổn” giá thu nạp oxy trong thời điểm này.
|
ATM bình oxy: tạm thời cho mượn, không tặng
“Trước mắt, chúng tôi sẽ cho lực lượng đến các bệnh viện lấy bình oxy trống về nạp oxy trong đêm và chuyển lên các bệnh viện vào buổi sáng. Số lượng bình vẫn chừng đó, nhưng có thể tăng năng suất sử dụng lên 4-5 lần qua việc tối ưu việc vận chuyển, thu nạp. Điều mà nhiều bệnh viện chưa thể làm được do tình trạng quá tải như hiện nay”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Còn với số bình nhận được từ mọi người, nhóm của Tuấn Anh sẽ thu nạp và cho những bệnh nhân F0 tại nhà mượn trong trường hợp cấp thiết, đồng thời đặt mua thêm hàng trăm bình oxy khác nhưng phải 2-3 tháng mới có. Anh mong muốn ATM bình oxy sẽ có được 1.000 bình trong thời gian tới, giúp hàng nghìn bệnh nhân ở TP.HCM có oxy để thở.
Nói về lý do chỉ “cho mượn” mà không tặng như những mặt hàng trước đây, cha đẻ của mô hình này cho biết đây là “mặt hàng” cấp thiết nhưng không phải để sử dụng lâu dài. Sau này khi TP.HCM kiểm soát được dịch bệnh, nhu cầu giảm thì nhóm của anh có thể chuyển sang cho tỉnh, thành khác mượn.
Anh cũng không lo dư thừa trong trường hợp sau này Việt Nam hết dịch bệnh hoàn toàn, vì loại bình này có thể chuyển công năng, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực hàn, xì… sẽ có nhu cầu sử dụng.
Dù vậy, so với ATM gạo hay khẩu trang như trước đây thì anh Tuấn Anh cho biết việc triển khai ATM bình oxy gặp nhiều khó khăn hơn, nhất là việc vận chuyển gặp nhiều vướng mắc do TP.HCM đang thực hện lệnh giãn cách xã hội. Đây cũng là sản phẩm đặc biệt nên anh phải cẩn trọng và tính toán nhiều hơn trong việc nên tận dụng và cho mượn thế nào để đạt hiệu quả cao nhất.
Mặt khác, việc triển khai ATM bình oxy cần rất nhiều kinh phí so với những sản phẩm trước đây vì chi phí thu mua và dung nạp rất cao, theo Tuấn Anh.
“Trước mắt ATM oxy sẽ lập 5 trạm đội bán tải phản ứng nhanh hỗ trợ toàn thành phố. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi sẽ vừa làm vừa điều chỉnh thêm cho phù hợp với tình hình và nhu cầu thực tế. Nhưng một mình tôi thì không làm được, hy vọng được sự chung tay của mọi người, để bất kỳ người bệnh nào khi cần cũng có bình oxy để thở”, cha đẻ mô hình ATM chia sẻ.
Bình luận (0)