Một bác sĩ phụ trách hàng trăm bệnh nhân
Cứ sáng sớm, sau khi mặc bộ đồ bảo hộ bác sĩ Lưu Hiếu Nghĩa (32 tuổi, công tác tại Bệnh viện Y dược TP.HCM) lại vội vã đi bộ hơn 300m đường đất từ khu lưu trú sang 2 toà nhà của khu bệnh nhân F0. Đoạn đường không dài, nhưng là đường đất sỏi, lại phải mặc đồ bảo hộ nên khá vướng víu.
Đặc biệt với những bệnh nhân có bệnh lý nền như: cao huyết áp, tiểu đường, béo phì… thì phải theo dõi sát sao hơn.
“210 bệnh nhân được chia ở 40 phòng, thuộc hai toà nhà khác nhau nên cứ sáng sớm mình phải đi vòng một lượt, xem như tập thể dục”, bác sĩ Nghĩa bắt đầu câu chuyện của mình.
22 giờ ngày 10.7, bác sĩ Lưu Hiếu Nghĩa nhận được thông tin điều động sang công tác tại Bệnh viện dã chiến 4 (huyện Bình Chánh). Sáng hôm sau, 7 giờ anh tạm biệt vợ và hai con nhỏ, xách ba lô đi. Anh cũng không có nhiều thời gian để nói chuyện với gia đình hay chuẩn bị gì cho bản thân, thời gian gấp gáp, nam bác sĩ trẻ chỉ kịp chuẩn bị cho mình vài bộ đồ và một số vật dụng cần thiết.
“Những ngày đầu mình đi, vợ ngày nào cũng khóc, giờ đỡ rồi. Hai bé nhỏ nhà mình đứa lớn 3 tuổi, đứa nhỏ mới hơn 1 tuổi nên vợ ở nhà chăm hai đứa sẽ rất vất vả, khó khăn. Nhưng biết sao được, tình hình dịch bây giờ rất cần lực lượng y tế, mình là người làm trong ngành, nếu không đi thì ai đi”, anh Nghĩa nói.
Vừa là bác sĩ, vừa là “thợ đụng”
Nhóm của anh có hai bác sĩ và 3 điều dưỡng. Vì dã chiến, hầu hết các bệnh viện đều thiếu thốn nhân lực nên là bác sĩ anh kiêm luôn cả nhiệm vụ khiêng người bệnh, tải thuốc, tải oxy…
Bệnh viện dã chiến 4 được chuyển đổi từ những toà nhà tái định cư cũ. “Khi chúng tôi đến nơi, bệnh viện chưa có bất kỳ vật dụng gì, trong khi mình đi cũng vội vàng nên chỉ kịp mang vài bộ quần áo. Ngày đầu thậm chí không có mùng mền, chỗ ăn chỗ ngủ hay những vật dụng sinh hoạt thiết yếu cho việc tắm, giặt…”, bác sĩ Nghĩa chia sẻ.
|
Mục đích ban đầu của bệnh viện là tiếp nhận những bệnh nhân F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nhưng trong quá trình theo dõi, không ít người chuyển nặng, phải chuyển lên tuyến trên.
Những ngày đầu tiếp nhận công việc ở đây, bác sĩ Nghĩa cho biết gặp không ít khó khăn và tình huống bi hài. Một số gia đình, nhiều người bị nhiễm bệnh nhưng có thể dựa trên tình trạng của mỗi người nên được đưa đi nhiều bệnh viện khác nhau. Bị chia cắt, nhiều người phát cáu vì lo lắng cho người thân; có người cáu vì thất lạc đồ đạc, người thì không chịu hợp tác…
Dù bệnh viện có 2 số hotline (đường dây nóng), một số y tế để bệnh nhân liên lạc trong trường hợp khẩn cấp và số còn lại cho những nhu cầu sinh hoạt khác. Nhưng vì hotline y tế đường truyền ổn hơn nên những ngày đầu, bác sĩ Nghĩa luôn trong tình trạng “cháy máy”.
“Mình là bác sĩ mà mấy ngày đầu cứ ngỡ là nhân viên trực tổng đài và kiêm đủ thứ việc. Có những lúc dùng đến hai chiếc điện thoại để xạc pin luân phiên nhưng vẫn không kịp trả lời hết thắc mắc của mọi người.
Nhiều khi phòng nào có vấn đề về điện, nước cũng gọi vào số điện thoại của bác sĩ. Do vậy mình kiêm luôn thợ sửa điện nước. Có người bức xúc nhiều vấn đề cũng cần tìm người xả, mình cũng ráng nghe cho hết, rồi phải lựa lời để tư vấn, gíup mọi người bình tĩnh hơn”, nam bác sĩ trẻ kể lại.
Đặc biệt là những cuộc gọi vào lúc 3-4 giờ sáng, vì lúc này nhiệt độ bên ngoài hạ xuống, trời lạnh thì những triệu chứng của bệnh về hô hấp sẽ xuất hiện nhiều hơn như ho, sốt, lạnh… nên cũng vào những khung giờ này thường những cuộc gọi đến số hotline sẽ nhiều hơn. Do vậy, có khi 3-4 giờ sáng, bác sĩ Nghĩa đã phải lọ mọ dậy mặc đồ bảo hộ, đi bộ từ nơi lưu trú lên khu bệnh viện để thăm khám.
Và niềm vui lớn nhất của mỗi bác sĩ ở đây chính là ký giấy, làm thủ tục xuất viện cho người bệnh. “Chứng kiến giấy phút họ được về với gia đình mình cũng vui lắm, cứ mỗi người được ra viện mình lại ghi thêm tên một người vào danh sách số ca được chữa khỏi. Hy vọng được về nhà của các bác sĩ cũng vì thế gần hơn”, anh nói và cho biết hiện bệnh viện dã chiến số 4 có 10 toà nhà với khoảng hơn 4.000 bệnh nhân F0 đang điều trị.
Bình luận (0)