Những bạn trẻ miệt mài lần theo dấu F0 ở điểm nóng vùng dịch

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
22/07/2021 10:33 GMT+7

Khi được hỏi công việc tình nguyện ở điểm nóng vùng dịch kết thúc lúc nào trong ngày, Thanh An trả lời: “Thường bọn em bắt đầu từ lúc 8 giờ, còn kết thúc khi nào thì không biết được, khi nào hết việc thì kết thúc ngày”.

Dư Thanh An, sinh viên năm 3 ngành dược, Trường ĐH Y dược TP.HCM. An cũng như hàng chục bạn trẻ tình nguyện khác đang 'cắm chốt' tại P.Tân Tạo A (quận Bình Tân) - một trong những địa điểm nóng vùng dịch Covid-19 tại TP.HCM trong thời gian gần đây.

Góp ít sức trẻ cho thành phố

Sinh ra tại TP.HCM nên khi thành phố cần thì Thanh An sẵn sàng đăng ký làm tình nguyện hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 vào khoảng giữa tháng 6, khi dịch bắt đầu bùng phát mạnh và phức tạp ở TP.HCM. “Lúc đăng ký, bản thân em thì không lo lắng gì và chỉ muốn chia sẻ một phần sức trẻ của mình để cùng thành phố chống dịch Covid-19", Thanh An (21 tuổi) chia sẻ.
Ban đầu, gia đình lo ngại nguy cơ lây nhiễm Covid-19 nên không ai đồng ý cho Thanh An làm tình nguyện. Do đó, nam sinh viên phải dành thời gian giải thích, thuyết phục với lý do rất chính đáng “nếu ai cũng sợ thì biết lấy ai tham gia". "Cuối cùng gia đình cũng tôn trọng lựa chọn của em và ủng hộ cho em tham gia. Bạn bè cũng động viên và hỏi thăm em rất nhiều”, Thanh An kể lại.
Hiện Thanh An cùng nhiều bạn trẻ khác làm việc cố định cho trạm y tế P.Tân Tạo A, được phân công và thực hiện các công việc phù hợp với khả năng. Riêng Thanh An tham gia lấy mẫu xét nghiệm cho người dân sau khi được tập huấn kỹ càng.
Khi được hỏi về khối lượng công việc mỗi ngày, Thanh An cho biết tình hình dịch đang rất phức tạp nên cả nhóm làm việc liên tục kể cả Chủ nhật. "Thường, cả nhóm bắt đầu công việc lúc 8 giờ sáng, nhưng kết thúc thì khi nào xong việc là kết thúc lúc đó, có khi đến khuya, cũng có khi lấy mẫu xét nghiệm tới 2 giờ sáng hôm sau”, bạn trẻ này nói.

Thanh An và nhiều bạn sinh viên ngành y vẫn đang miệt mài hỗ trợ công tác y tế tại các quận, huyện

NVCC

“Cũng có đôi lúc thấy mệt mỏi vì phải mặc đồ bảo hộ trong thời gian dài, tình dịch diễn biến ngày càng phức tạp nên cũng nguy cơ lây nhiễm cho tụi em cũng khá cao. Nhưng nghĩ về những công sức mình đóng góp cho xã hội, cùng nhau chung tay chống dịch thì em lại không muốn bỏ cuộc mà càng quyết tâm làm tốt phần công việc của mình.
Em không mong gì hơn là TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung sẽ mau chóng hết dịch. Mọi hoạt động sẽ trở lại bình thường. Mọi người sẽ có ý thức chung tay bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và xã hội hơn”, Thanh gửi gắm.

Sáng 22.7: Cả nước thêm 2.967 ca Covid-19, riêng TP.HCM có 2.433 bệnh nhân

Sẵn sàng vào điểm nóng vùng dịch

Không phải là sinh viên ngành y, nhà cũng chỉ có hai mẹ con nhưng khi dịch bùng phát, Lưu Hải Phong, sinh viên năm 3 ngành công tác xã hội, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng không đắn đo. Nam sinh viên đã đăng ký để trở thành tình nguyện viên chống dịch hồi cuối tháng 5, ngay sau khi nhóm thiện nguyện mà anh tham gia ngừng phát rau và gạo cho người gặp khó khăn.
Lúc đó, Hải Phong sẵn sàng đăng ký về quận Bình Tân và quận 8, được xem là hai điểm nóng dịch Covid-19 ở TP.HCM. “Mình còn trẻ và được tập huấn kỹ lưỡng khâu bảo hộ phòng bệnh cho bản thân nên bản thân không suy nghĩ gì nhiều. Với cả, nếu ai cũng ngại vào điểm nóng thì biết làm sao. Nghĩ vậy nên em đăng ký thôi”, Hải Phong chia sẻ.
Sau đó, tình nguyện viên trẻ này được phân về hỗ trợ cố định tại P.Tân Tạo A (Bình Tân). Hải Phong và các tình nguyện viên khác được trang bị đầy đủ kỹ năng khi xuống các khu vực có ca nhiễm mới. Công việc đầu tiên nam sinh viên làm là cùng nhân viên y tế truy vết bệnh nhân, hỗ trợ địa phương điều phối người dân thực hiện giãn cách trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm,…
Là tình nguyện viên hỗ trợ nhân viên y tế, Hải Phong cùng nhiều bạn trẻ khác làm tất cả những việc có tên và không tên. Công việc của Phong cũng tất bật, mướt mồ hôi trong những bộ đồ bảo hộ.
“Ngày ngày tiếp xúc với F0, em đăng ký ở lại luôn tại phường vì sợ mang mầm bệnh về cho người thân, nhiều khi nhớ và thương mẹ ở nhà một mình nhưng có làm tình nguyện viên, vào các điểm nóng mới thấy hết ý nghĩa của tuyến đầu chống dịch. Mình còn trẻ, dù không giúp được gì nhiều nhưng cứ mỗi người chung một tay, rồi Sài Gòn sẽ khoẻ. Em tin vậy”, Hải Phong nói.
Giống như những nhân viên y tế và hàng nghìn tình nguyện viên khác, công việc của Phong cũng bắt đầu từ sáng và kết thúc ngày chỉ khi đã xong việc. Đó có thể là cuối giờ chiều, có khi nửa đêm nhưng cũng có khi đến sáng ngày hôm sau. Mệt, những bữa ăn không đúng giờ giấc, có khi ngủ chỉ 3-4 giờ /đêm… nhưng Hải Phong và hàng nghìn bạn trẻ khác vẫn ngày đêm miệt mài với công việc của mình, ở những điểm nóng vùng dịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.