'Cha đẻ' máy karaoke không tiếc khi bỏ lỡ hàng trăm triệu USD tiền bản quyền

Huệ Bình
Huệ Bình
12/08/2020 18:00 GMT+7

Ông Daisuke Inoue, "cha đẻ" của chiếc máy karaoke, đã bỏ lỡ số tiền bản quyền lên đến hàng trăm triệu USD, nhưng không hề tiếc nuối.

Theo báo South China Morning Post, ông cụ người Nhật Bản Daisuke Inoue (80 tuổi) là người tạo ra máy hát karaoke cho cả thế giới có thể thỏa mãn nhu cầu ca hát, được mệnh danh là "người thay đổi ban đêm ở châu Á". Chỉ tính riêng năm 2019, ông Daisuke Inoue đã có thể kiếm 100 triệu USD tiền bản quyền nhưng ông bỏ lỡ số tiền này vì đã không đăng ký tác quyền phát minh karaoke.
Khi được hỏi có nuối tiếc không khi ngày nay, karaoke đã trở nên phổ biến khắp nơi, ông Daisuke Inoue chia sẻ với tờ Mainichi: “Thời điểm đó, tôi nghĩ rằng các bằng sáng chế chỉ dành cho những phát minh vĩ đại, khó tin hay những sáng chế ra thứ chưa từng có trước đây. Chiếc máy karaoke đầu tiên tôi tạo ra chỉ là tập hợp một số linh kiện điện tử có sẵn lúc ấy nên tôi chưa bao giờ nghĩ đó là một phát minh đúng nghĩa”.
Ông Daisuke Inoue chưa từng nghĩ ý tưởng tưởng chừng đơn giản của mình lại tạo ra một cuộc cách mạng đối với văn hóa đại chúng. “Ca hát là nhu cầu của đa số mọi người, karaoke cho họ cơ hội để cảm thấy mình tỏa sáng như ngôi sao, giải tỏa mọi áp lực, căng thẳng thường nhật”, ông Daisuke Inoue cho biết trước thềm kỷ niệm 50 năm ngày chiếc máy karaoke ra đời (1971 - 2021).

Chế ra karaoke từ nỗi sợ bị... mời lên hát

Ông Daisuke Inoue sinh năm 1940 ở thành phố Osaka. Lúc 3 tuổi, Daisuke Inoue rơi từ tầng 2 xuống đất, bất tỉnh trong 2 tuần. Các bác sĩ nói với cha mẹ ông rằng ngay cả khi sống sót thì ông chắc hẳn bị tổn thương não. Một nhà sư đã được mời đến để cầu nguyện cho ông lúc đang hôn mê. Ông được đổi tên từ Yusuke thành Daisuke, trong tên mang các nghĩa “giúp đỡ”, “to lớn”. May mắn, ông đã vượt qua đại nạn và sống sót, không bị ảnh hưởng lâu dài.
Từ thời trung học, ông Daisuke Inoue chơi trống trong ban nhạc biểu diễn ở các chương trình âm nhạc địa phương. Ông cũng tự học vài điệu nhảy để biểu diễn. Trong suốt những năm tuổi trẻ, Daisuke Inoue đã dành 9 năm đi theo ban nhạc lưu diễn khắp nơi nhưng ông nhận ra mình không thể thành danh với nghiệp trống.

Ông Daisuke Inoue và máy karaoke đầu tiên có tên Juke 8

Ảnh: SCMP

Năm 28 tuổi, Daisuke Inoue quay về nhà và bắt đầu biểu diễn ở các tụ điểm giải trí trong vùng. Chia sẻ với tạp chí Topic (Mỹ), ông cho biết một giám đốc công ty từng đến gặp và nói rằng người này sắp phải đến một câu lạc bộ tiếp đãi khách hàng nhưng sợ bị mời lên hát. Giám đốc này đề nghị ông Daisuke Inoue thu băng một vài bài hát ông ta yêu thích để về luyện hát theo tại nhà.
Doanh nhân này vượt qua sự kiện một cách hoàn hảo và nó cũng giúp cho Daisuke Inoue một ý tưởng tuyệt vời. Đó là đặt tiền xu vào một chiếc máy nối với micro, loa, bộ khuếch đại âm thanh và chiếc máy sẽ phát lại những bài hát mọi người muốn rồi hát theo. Một người bạn của ông Daisuke Inoue có cửa hàng điện tử đã theo ý tưởng của ông, ráp các linh kiện điện tử làm thành chiếc máy karaoke đầu tiên mang tên Juke 8, với chi phí 425 USD.
Sau đó, ban nhạc của ông Daisuke Inoue thu âm nhiều ca khúc để phát trên máy Juke 8 và tập hợp được danh mục bài hát gần 300 bài. Ông Daisuke Inoue chia sẻ: “Tôi hát bài hát karaoke đầu tiên năm 1969. Thời điểm đó, tôi chưa bao giờ tưởng tượng sau này mọi người lại thích cái máy ấy đến thế. Karaoke ra thị trường năm 1971”.
Ban đầu, không ai sử dụng chúng nhưng mọi thứ thay đổi sau khi ông nhờ một nữ nhân viên ưa nhìn đến các quán bar và hát vài ca khúc với chiếc máy Juke 8. Dần dần, nhiều người yêu thích và không rời được micro. Cuối năm 1971, hơn 200 tụ điểm giải trí trên khắp thành phố Kobe (Nhật Bản) trang bị thế hệ máy karaoke đầu tiên. Có thời điểm trong một năm, công ty ông sản xuất 25.000 máy karaoke và gây nên “cơn sốt” karaoke ở Nhật Bản.

Chiếc máy karaoke sắp 50 tuổi vào năm 2021

Ảnh: SCMP

Trong vòng vài năm, công ty của Daisuke Inoue đạt doanh thu bán hàng thường niên 100 triệu USD, số dư trong ngân hàng tăng lên không ngừng. Tuy nhiên, thay vì tận hưởng giàu sang, ông lại bắt đầu rơi vào trạng thái trầm cảm và sau đó thì giao công ty lại cho anh trai rồi rời đi. Chú chó Donbei của ông đã giúp ông vượt qua giai đoạn này. Về sau, Daisuke Inoue xây viện dưỡng lão đầu tiên dành cho những chú chó già và một trung tâm huấn luyện chó như lời cám ơn dành cho Donbei vì đã giúp ông vượt qua giai đoạn trầm cảm.
Năm 1999, Daisuke Inoue được tạp chí Time vinh danh trong Top 20 nhân vật châu Á của thế kỷ 20, sánh ngang với các huyền thoại khác như lãnh đạo Ấn Độ Mahatma Gandhi. Hiện "cha đẻ" của chiếc máy karaoke sinh sống ở thành phố Nishinomiya bên cạnh vợ cùng con cháu và các chú chó cưng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.