Cha mẹ ở TP.HCM cần làm gì để ngăn con trẻ liên tục 'mất liên lạc' thời gian qua?

11/09/2022 10:33 GMT+7

Theo tổng hợp, đa phần các trường hợp trẻ “mất tích” thời gian vừa qua xuất phát từ việc các em sử dụng mạng xã hội , bị bạn bè, người lạ lôi kéo, dụ dỗ. Cha mẹ cần làm gì để không gặp phải cảnh bỗng một ngày con mình “mất tích”?

Vấn đề nhức nhối đối với gia đình, xã hội

Theo dõi các vụ việc trẻ em, thiếu niên mất tích thời gian gần đây, TS. Huỳnh Văn Chẩn, Trưởng khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội tâm lý học Việt Nam đánh giá, đây là một vấn đề nhức nhối của xã hội, gây hoang mang cho các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi này.

Nhiều vụ việc trẻ mất tích gây quan ngại thời gian qua
gia đình cung cấp

Đa phần, các câu chuyện đều xuất phát từ việc trẻ sử dụng điện thoại thông minh, dùng mạng xã hội. Đơn cử có thể nhắc tới vụ việc em Châu Lưu Nhựt Phát (16 tuổi, ngụ Long An) sau khi nhận được chiếc điện thoại hơn 8 triệu đồng từ người lạ, thì bỏ đi đến giờ chưa về.

Trước đó, Phát có nhắn tin với một người lạ quen qua mạng xã hội. Sau nhiều ngày tìm kiếm, em liên lạc với gia đình, nói rằng sẽ theo người này đi làm. Khi nào có tiền sẽ gửi về nhà, và hiện em đang làm phục vụ tại một quán nhậu ở Bình Phước, cách nhà hàng trăm cây số. Vụ việc khiến mẹ em, bà Lưu Thị Bẽ (43 tuổi) lo lắng, không ăn không ngủ suốt nhiều ngày liền.

Cuối tháng 5, vụ việc em T.T.D (13 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) mất tích cũng khiến dư luận xôn xao. Khi một người lạ đã chủ động nhắn tin cho em qua Facebook với lời dụ dỗ “việc nhẹ lương cao”. Cô học sinh lớp 7 vì muốn sớm kiếm tiền cho gia đình đã bị lừa bán sang Campuchia đến tận ngày 24.8 mới đây, mới được gia đình chuộc về với giá 130 triệu đồng.

Đa phần các vụ việc mất tích đều xuất phát từ mạng xã hội
gia đình cung cấp

Từ những vụ việc nói trên, Phó Chủ tịch Hội tâm lý học Việt Nam phân tích trong giai đoạn vị thành niên, thiếu niên - độ tuổi chuyển giao giữa trẻ con và người lớn, trẻ có nhiều nét tính cách khá độc đáo, như dễ tin tưởng người khác, “anh hùng rơm”, bốc đồng với gia đình, thích làm người lớn, thích tự lập và kỳ vọng nhiều điều vào tương lai.

Chuyên gia đánh giá chính những nét tính cách này khiến cho trẻ dễ bị dụ dỗ, thuyết phục từ người lạ, nhất là những người am tường về tính cách của trẻ.

TS. Huỳnh Văn Chẩn nhận định rằng, mạng xã hội được sử dụng không đúng cách là một trong những nguyên đứng sau các vụ việc “mất tích” đau lòng nói trên. Ông đánh giá không thể phủ nhận những mặt tích cực của mạng xã hội đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ, tuy nhiên đó cũng là con dao 2 mặt.

“Một số người xấu lợi dụng kênh truyền thông này để lừa đảo xã hội, và dụ dỗ trẻ vị thành niên cũng là một dạng thức lừa đảo. Những trẻ vị thành niên dễ cả tin vào không gian mạng khi nhận được những lời hứa ngọt ngào kèm theo cái “bánh vẽ” khá tuyệt vời cho tương lai, thế là các em bị sập bẫy ngay”, vị chuyên gia cảnh báo.

Cha mẹ cần làm gì?

Trưởng khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, với các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi vị thành niên, trước hết phải tạo môi trường gia đình thật sự thân thiện gắn bó với trẻ.

Bên cạnh đó, cha mẹ giải giáo dục, hướng dẫn và cảnh báo cho các em biết các hình thức lừa đảo, dụ dỗ trên mạng xã hội hay có thể cho các em xem câu chuyện cảnh giác về trẻ bị mất tích trên TV.

“Đặc biệt, phải quan tâm sâu sắc đến việc sử dụng mạng của con trẻ thông qua lịch sử truy cập trang web của các em để cha mẹ uốn nắn và định hướng đúng cho các em sử dụng không gian mạng”, TS. Huỳnh Văn Chẩn nhấn mạnh.

Với những trường hợp trẻ được tìm thấy sau các vụ mất tích, chuyên gia cho rằng phụ huynh phải chăm sóc, thương yêu và quan tâm các em hơn. Mọi người trong gia đình phải tạo thành vòng tay che chở cho trẻ để trẻ có được cảm giác an toàn. Đặc biệt, cha mẹ tránh nhắc lại quá khứ sự việc nhiều lần, sẽ tạo “vết hằn trên não” không tốt trong ký ức tuổi thơ của trẻ.

Anh Phúc từng lo lắng khi con gái mất tích hơn nửa tháng
cao an biên

“Bên cạnh đó, khi trẻ đã bình tâm, ổn định tinh thần, cha mẹ nên giáo dục dạy bảo các kinh nghiệm của cha mẹ cũng như những kỹ năng sống cho trẻ để tránh bị lặp lại sự việc đáng tiếc đã qua. Chỉ cần cha mẹ thực sự quan tâm và yêu thương con, thì những vụ việc “mất tích” như thời gian qua sẽ khó để xảy ra trong gia đình của bạn”, ông Chẩn bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.