Cha mẹ phải là một tấm gương làm việc theo pháp luật

Thúy Hằng
Thúy Hằng
23/04/2019 08:03 GMT+7

Các chuyên gia cho rằng, gia đình - nhà trường - xã hội đều cùng phải vào cuộc, cùng giáo dục, nâng cao nhận thức về pháp luật cho thế hệ trẻ.

Chị Nguyễn Thị Diệp Anh, cử nhân Luật - Trường ĐH Luật Hà Nội, nói: “Chúng ta không thể phủ nhận thế hệ trẻ ngày nay rất giỏi, trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin đều hơn các thế hệ trước, dám nghĩ, dám làm, tinh thần khởi nghiệp lan tỏa rộng khắp. Nhưng cũng phải thừa nhận, rất nhiều bạn trẻ vi phạm pháp luật, sống theo những trào lưu trên mạng, bắt chước những thói hư tật xấu được cổ xúy trên mạng xã hội”.

Theo chị Diệp Anh, vấn đề gốc rễ là giáo dục đạo đức, nâng cao nhận thức cho các con ngay từ nhỏ, trong mỗi gia đình. “Nhà trường có thể có môn giáo dục công nhân, nhà nước và pháp luật hay pháp luật đại cương, nhưng trước khi đến trường, con đã là một công dân trong một gia đình, các con phải nhận được sự giáo dục nghiêm khắc của cha mẹ. Chúng ta không thể nào dạy các con mình không làm ăn gian lận, tuân thủ luật pháp khi kinh doanh trong khi từ nhỏ cha mẹ đã đi xin điểm, đòi nâng điểm cho con. Cô giáo dạy trò, các em ra đường đừng vượt đèn đỏ nhưng các con sẽ quên điều đó nếu ngồi sau tay lái của các cha mẹ vượt đèn đỏ bất chấp”.
Luật sư Đào Đức Đại, hiện làm việc tại Hà Nội, cho biết thông qua các khảo sát có thể chia người trẻ thành 3 nhóm. Một là những người không biết gì về pháp luật, nhóm này rất dễ phạm tội. Nhóm thứ hai là biết một chút thông tin, nhưng không rõ ràng, ví dụ có thể biết là tàng trữ, vận chuyển ma túy là không được phép làm nhưng không nắm được hành vi này có cấu thành tội phạm hay không, mức độ hậu quả như thế nào. Nhóm thứ ba, chỉ chiếm rất ít, là những người trẻ hiểu biết rõ về pháp luật.
Theo luật sư Đào Đức Đại, chúng ta cần đổi mới cách thức tuyên truyền, phổ biến, vận động người trẻ sống và làm việc theo pháp luật. “Chúng ta luôn có tinh thần phải phổ biến, tuyên truyền pháp luật đi vào cuộc sống, nhưng cần làm sao để nó hấp dẫn hơn, dễ thu hút người trẻ. Nói nôm na là đi từ “biển hiệu” tới “biểu hiện” cần một cách thức sáng tạo”, luật sư Đại nhấn mạnh.
Theo luật sư Đào Đức Đại, nhà trường có thể tăng cường những chương trình ngoại khóa, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, đổi mới cách thức tổ chức để thu hút đông đảo người trẻ tham gia. Bên cạnh đó, trong mỗi gia đình, người làm cha mẹ cũng cần cập nhật thông tin pháp luật để truyền đạt cho các con, đồng thời chính bố mẹ cũng phải là một tấm gương sống và làm việc theo pháp luật để các con học hỏi.
“Tôi cũng cho rằng các tin tức liên quan pháp luật trên các phương tiện truyền thông ngoài việc đưa tin nhân vật, sự kiện, có thể chốt lại bằng việc cung cấp thông tin pháp luật, nhằm đọc hay xem tin tức cũng là cách người trẻ học về pháp luật”, ông Đại nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.