Đừng là những người trẻ thiếu hiểu biết pháp luật: Đưa luật pháp đến gần hơn với người trẻ

23/04/2019 07:06 GMT+7

Những bạn trẻ trong đội hình tư vấn và giảng dạy pháp luật cộng đồng tại TP.HCM đang mỗi ngày cố gắng thực hiện các hoạt động tuyên truyền và phổ biến pháp luật đến với bạn trẻ nói riêng và người dân nói chung.

Những phiên tòa giả định

Được tận mắt chứng kiến và tham dự phiên tòa giả định do Đội hình tư vấn và giảng dạy pháp luật cộng đồng của Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM tổ chức, mới thấy hết được những nỗ lực của họ để đưa luật pháp đến gần hơn với người trẻ.

Trong tiếng xì xầm to nhỏ của sinh viên (SV) tại hội trường một trường đại học khi đang chờ phiên tòa giả định diễn ra, một SV trong vai thư ký phiên tòa giọng nghiêm nghị: “Đề nghị mọi người trong khu vực xử án giữ trật tự”. Ngay sau đó, bị cáo được một anh “cảnh sát SV” đưa vào, “hội đồng thẩm phán SV” vào làm việc...
Dù là phiên tòa giả định do SV tổ chức nhưng không khí trang nghiêm và trình tự các bước, cũng như “thần thái” nhập vai vô cùng xuất thần khiến người xem như được chứng kiến một phiên tòa thật sự đang diễn ra.
Hôm nay đội hình tư vấn và giảng dạy pháp luật thực hiện phiên tòa “Mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy”. Phiên tòa với tình huống bị cáo là SV vốn hiền lành, tốt bụng, chưa có tiền án, tiền sự nhưng vì lâm cảnh đường cùng, cần tiền chạy xạ trị cho mẹ nên đã làm liều nghe theo người quen mua bán trái phép ma túy. Theo đó, bị cáo đã mua ma túy từ một người bán tại công viên Lê Thị Riêng (Q.10) và về chia thành nhiều tép nhỏ bán lại cho các đối tượng sử dụng ma túy trên địa bàn Q.Thủ Đức.
Với hành vi này, đại diện viện kiểm soát đề nghị xử phạt đúng theo quy định của pháp luật về hành vi cố ý, có tính chuyên nghiệp trong việc mua bán trái phép chất ma túy.
Tuy nhiên, luật sư bào chữa cho rằng mức hình phạt mà vị đại diện viện kiểm soát đưa ra từ 7 - 15 năm tù giam là quá khắt khe, cần có mức phạt nhẹ hơn để bị cáo có cơ hội quay về và làm lại cuộc đời. Nên sử dụng mức phạt thấp nhất vì thân chủ vốn là SV hiền lành, lương thiện, chỉ vì quá thương mẹ và đã dùng hết mọi cách để kiếm tiền lo cho mẹ nhưng vẫn không đủ nên mới dẫn đến hành vi trên.
Trước tình huống được đặt ra như vậy, người viết hỏi những SV tham dự phiên tòa giả định hôm đấy có suy nghĩ gì. Đa phần cho rằng lời của vị luật sư bào chữa là đúng và thấu tình đạt lý. Người viết hỏi lại: “Nhưng như thế là bạn chấp nhận việc rơi vào hoàn cảnh túng quẫn có thể làm những việc trái với pháp luật?”, thì họ lại bần thần.
Cuối cùng tòa tuyên án mức hình phạt cho bị cáo là 8 năm tù giam. Có SV thở dài: “Như thế thì hết đời trai trẻ rồi. 8 năm là mất học, mất cả tuổi trẻ. Thật dại dột quá”.

Đến tận nhà dân để tuyên truyền

“Hầu hết SV ở những phiên tòa khác đều như vậy, họ thường sẽ đồng tình với luật sư bởi luật sư sẽ có những lý lẽ chạm đáy lòng người, đánh thẳng vào đa số tâm lý của cộng đồng là đặt tình thương vào bị cáo nhiều mà quên đi tội mà bị cáo phạm phải là gì và pháp luật quy định như thế nào về nó. Đây cũng là một lỗ hổng của người trẻ về kiến thức pháp luật”, Võ Thị Hồng, thành viên của đội, chia sẻ.
Hồng nói thêm: “Sau rất nhiều năm tụi mình gắn bó với những hoạt động tư vấn pháp luật cộng đồng, mình thấy rất cần nhiều đội hình tư vấn pháp luật cộng đồng như tụi mình, để ánh sáng của pháp lý đến gần hơn với mọi người”.
Hồng kể: “Có lúc tụi mình thực hiện ở các trường đại học, các khu phố... Có khi đến các chiến dịch lớn như Mùa hè xanh, Xuân tình nguyện... tụi mình đến tận UBND xã - nơi tình nguyện để thực hiện phiên tòa cho người dân ở đó xem. Rồi thậm chí đến từng nhà dân để tuyên truyền. Hầu như tuần nào bên mình cũng có tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật”.
Ngoài các phiên tòa, đội còn thực hiện các bài giảng pháp luật, phát tờ rơi tuyên truyền, giải đáp tình huống pháp lý miễn phí, phát thanh truyền thông về pháp luật, tổ chức các cuộc thi học thuật về luật như Đấu trường công lý thu hút rất đông SV tham dự...
“Điều đặc biệt hơn là sau mỗi phiên tòa, SV trao đổi với tụi mình rất nhiều về luật, và còn đặt ra những tình huống thực tế để nhờ tụi mình giải đáp. Như thế là tụi mình đã kích thích được sự tìm hiểu của mọi người về luật và đã giúp được người trẻ hiểu hơn về các hành vi vi phạm cũng như cách nhận biết hành vi để phòng ngừa và né tránh”, Hồng hạnh phúc chia sẻ.
Hồng gửi gắm: “Tuổi trẻ là khoảng thời gian để chúng ta cống hiến sự nhiệt huyết và tri thức cho xã hội, cho đất nước. Chúng ta là lớp người kế thừa, là tương lai của đất nước, chính vì thế đừng là những người trẻ thiếu hiểu biết pháp luật”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.