Rạch Giá bị Pháp chiếm đóng, lực lượng vũ trang cách mạng lập những tuyến phòng thủ để rút lui dần vào căn cứ cách mạng vùng U Minh Thượng và cha tôi hào hứng nhập cuộc.
Văn nghệ sĩ Đồng Tháp Mười (năm 1950) - Ảnh: Tư liệu gia đình |
Ông theo bộ phận tuyên truyền văn nghệ của Ủy ban Kháng chiến tỉnh Rạch Giá nói chuyện thơ văn yêu nước chống ngoại xâm trước công chúng. Đi đến đâu cha tôi cũng tạo được sự chú ý và thu hút được đông đảo bà con. Ông ngâm sang sảng những vần thơ của Thủ Khoa Huân, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị, Nguyễn Đình Chiểu… rồi khi bà con yêu cầu đọc thơ Lỡ bước sang ngang của chính mình, cha tôi không hề đắn đo, ông còn cất tiếng đọc những bài mà ông mới sáng tác: Chim kia có cánh thì bay/Con ơi có nước thì mày phải thương…
Diễn trên sân khấu bằng cây tràm
Những câu như vậy chẳng mấy chốc lan truyền nhanh trong dân chúng, trở thành câu hò, câu hát ru em mênh mang trên sông nước miền đất vùng cực Nam. Bên cạnh những bài thơ trữ tình, những bài thơ hào hùng còn có những bài ca dao giản dị kịp thời khích lệ cuộc sống lao động, chiến đấu. Cha tôi cặm cụi sáng tác những vở kịch mới như Hội nghị Diên Hồng, Nguyễn Trãi, Thầy lang chẩn mạch, Phi Khanh… để tập luyện cho anh em trong nhóm tuyên truyền, kịp thời ra mắt phục vụ đồng bào.
Điều kiện vật chất thời bấy giờ rất khó khăn, thiếu thốn mọi bề, phần lớn y trang phông màn đều do anh chị em trong nhóm tự bươn chải, chủ yếu là mượn y phục của bà con trong vùng. Ngày đó, cán bộ chiến sĩ cơ quan quân đội đều sống dựa vào dân, bà con nuôi ăn nuôi ở lấy đâu ra tiền mà dàn dựng sân khấu. Ấy vậy mà mỗi vở diễn tự biên tự chế, dù sân khấu đơn sơ được dựng lên trên những bãi đất trống giữa đồng, sàn diễn được ghép bằng những tấm ván, cây tràm mượn của bà con và bất kể trời mưa hay nắng cũng thu hút không dưới bốn năm trăm người đến dự. Nhóm tuyên truyền của cha tôi bắt đầu công diễn đêm đầu tiên ở TT.Minh Lương (nay thuộc H.Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), rồi kéo qua TT.Thứ Ba (H.An Biên), đến xã Thủy Triều (H.Gò Quao)... đã góp phần đáng kể trong việc mang lại sự phấn khởi và khích lệ khí thế cách mạng trong quần chúng nhân dân.
Cười qua ngấn lệ
Khi nhóm văn nghệ chuyển về Long Mỹ (Hậu Giang), có chủ trương ra tờ tạp chí Lòng Dân, in bằng bột nếp, do cha tôi làm chủ nhiệm, ông Huỳnh Phục Đáng làm chủ bút. Tạp chí chủ yếu in thơ, kịch, những sáng tác mới của cha tôi trong thời kỳ này. Các bài thơ được nhiều người dân Rạch Giá còn nhớ cho đến tận bây giờ là Cười qua ngấn lệ, Trận Cây Bàng, Trận Cái Răng…Riêng bài Cười qua ngấn lệ thuộc vào loại phổ biến nhất ở Rạch Giá lúc bấy giờ. Vào những đêm trăng, văng vẳng trên các dòng sông, kinh rạch, tiếng các cô gái, chàng trai hay các cụ già chèo xuồng ngâm nga: Lá quốc kỳ bay giữa nắng hồng/Mẹ đưa con đến bến sông trong/Mẹ cầu nguyện đến khi đò khuất/Con mẹ đem về một chiến công.
Nhà văn Sơn Nam lúc sinh thời cho biết cha tôi là một trong những người khởi xướng việc thành lập Đoàn văn hóa cứu quốc Rạch Giá và cho ra mắt tập thơ Yêu nước gồm hai mươi bài thơ ngắn kịp thời phục vụ kháng chiến. Vài tháng sau đó, cha tôi lãnh trách nhiệm Phó chủ tịch Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Rạch Giá, thay mặt thường vụ ký tên trên các công văn và giấy tờ sao y. Những công văn gửi xuống các địa phương, đôi khi thi hứng nổi lên, cha tôi bèn chuyển ngôn ngữ văn bản hành chính sang văn vần. Có một lần trong giấy báo tử gửi đến bà mẹ có con hy sinh, cha tôi kèm bốn câu thơ: Đêm đêm mẹ đốt cây hương ngát/Mẹ khấn đôi lời con có nghe?/Vì nước bỏ mình là bất tử/Xưa nay chinh chiến mấy ai về!
Bà con lối xóm đến chia buồn ai cũng nhẩm đọc bài thơ xuýt xoa tâm đắc cho là bài thơ hợp tình hợp cảnh. Bà mẹ có con hy sinh cũng cảm thấy an ủi được phần nào nỗi đau mất mát. Tờ giấy báo tử được gia đình đóng khung trang trọng để lên bàn thờ bên cạnh di ảnh liệt sĩ.
Ít lâu sau, cha tôi từ bỏ chức vụ, vui sướng được bứt ra khỏi công việc hành chính, chờ đợi chuyến liên lạc về Đồng Tháp Mười, để chuyên tâm làm công việc sáng tác. Cuối năm 1948, ông được điều về Ban Tuyên truyền khu Tám. Phòng Chính trị - Bộ Tư lệnh Quân khu Tám đã quy tụ được rất nhiều anh em văn nghệ sĩ tên tuổi: Ba Du, Tám Danh, Tư Xe, Triệu An, Hoàng Tuyển, Khương Mễ, Mai Lộc, Hoàng Việt, Mặc Khải, Minh Lộc, Nguyễn Bính, Đoàn Giỏi, Huỳnh Văn Gấm, Nguyễn Cao Thương, Lê Ba, Diệp Minh Châu… được các cấp lãnh đạo xem như một binh chủng đặc biệt, nhờ vậy mà phong trào văn nghệ ở chiến khu Đồng Tháp Mười phát triển lớn mạnh chưa từng thấy.
Buổi đầu, giữa bộ đội và binh chủng đặc biệt có một khoảng cách khá lớn trong sinh hoạt, tác phong luộm thuộm của các anh văn nghệ khó lòng khép họ vào quân phong quân kỷ, nội chuyện thức khuya dậy trễ, giờ giấc vô chừng đã làm cho nhiều người khó chịu. Thành kiến đó chẳng bao lâu được xóa dần, khi họ được đọc những bài thơ mới sáng tác của cha tôi, được nghe nhạc Hoàng Việt, xem Ba Du, Tám Danh nghệ sĩ bậc thầy biểu diễn. Thời đó sự có mặt của binh chủng đặc biệt này rất cần thiết cho công cuộc kháng chiến.
Bình luận (0)