Cha tôi - Nhà thơ Nguyễn Bính: Nguyễn Bính thật, Nguyễn Bính giả

13/03/2016 07:00 GMT+7

Một hôm cha tôi cùng NSND Hoàng Tuyển bơi xuồng ngang ngã ba sông Thới Bình (Cà Mau), nơi có một trạm gác dân quân, bỗng nghe có tiếng quát rất to gọi xuồng ghé lại.

Một hôm cha tôi cùng NSND Hoàng Tuyển bơi xuồng ngang ngã ba sông Thới Bình (Cà Mau), nơi có một trạm gác dân quân, bỗng nghe có tiếng quát rất to gọi xuồng ghé lại.

Nguyễn Bính (thứ 2 từ phải qua) và anh em văn nghệ sĩ Đoàn văn công Khu 8 - Ảnh: Tư liệu gia đìnhNguyễn Bính (thứ 2 từ phải qua) và anh em văn nghệ sĩ Đoàn văn công Khu 8 - Ảnh: Tư liệu gia đình
Chẳng là hôm ấy có giỗ, chủ nhà muốn nhân dịp mời hết thảy những ai đi công tác ngang qua để chiêu đãi. Tất nhiên cha tôi và bác Hoàng Tuyển không thể từ chối. Hai người vừa ngồi chưa nóng chỗ, bỗng có người chen lại nhìn cha tôi, mừng rỡ:
- Xin lỗi, tôi có lần lên họp ở Đồng Tháp Mười, gặp sơ qua nhà thơ Nguyễn Bính, nay gặp ông đây, trông giống Nguyễn Bính quá. Vậy xin hỏi ông có phải là Nguyễn Bính thật hay không?
Ông khách vừa nói vừa nồng nhiệt siết chặt tay cha tôi. Ông chủ nhà liền nói to:
- Tôi xin phép giới thiệu cùng bà con, ông này đây là Nguyễn Bính, một nhà thơ có tên tuổi, nổi tiếng từ ngoài Bắc nay vào Nam, ra bưng biền kháng chiến. Tôi thay mặt tất cả bà con xin nâng cốc chúc mừng sức khỏe nhà thơ.
Chủ nhà vừa đưa cốc lên, mọi người vỗ tay hoan hô và yêu cầu cha tôi đứng dậy cho mọi người thấy mặt. Bất ngờ, một anh chàng tay xách cái ghế, tay cặp chai rượu từ trong góc bước liêu xiêu về phía cha tôi, lớn giọng quát:
- Ai bảo ông này là Nguyễn Bính? Sai rồi. Nguyễn Bính là một người trẻ tuổi, đẹp trai. Chớ đâu như cái ông lưng tôm, mắt lộ, răng hô này...
Ha... ha... tôi nói không phải Nguyễn Bính thật đó, có ai dám “cá” không?
Tình hình có vẻ căng, không khí bữa tiệc đang vui bỗng chốc chùng xuống, ông chủ nhà bối rối không biết phải làm thế nào. Bác Hoàng Tuyển định đứng lên giãi bày, cha tôi ngăn lại. Cùng khi đó, có người đứng lên phản đối:
- Tôi xin có ý kiến, theo tôi có thể còn có một Nguyễn Bính khác, trùng tên trùng họ với bác Nguyễn Bính đây... chớ không phải bác này là Nguyễn Bính giả phải không bà con?
Mọi người còn đang phân vân chưa biết thực hư ra sao, bỗng nghe có tiếng trẻ con reo:
- Bà con ơi! Có ông Ba Du tới!
Trong lúc mọi người rần rần chạy ra đón nghệ sĩ Ba Du và Tám Danh mà qua những lần biểu diễn trên sân khấu hầu như bà con quanh vùng đều quen mặt biết tên. Đợi cho bà con dần ổn định, bằng giọng hồ hởi ông chủ nhà lên tiếng:
- Kính thưa tất cả bà con, tôi xin trân trọng giới thiệu hai ông đây là Ba Du và Tám Danh, nghệ sĩ nổi tiếng của Đoàn văn công Khu 8 mà từ bắc chí nam, từ tây sang đông ai ai cũng biết. Còn nữa nghe, hai ông đây cũng đã từng sang Pháp biểu diễn hồi năm 1930, bây giờ hai ông cùng đi kháng chiến với chúng ta.
Mọi người vỗ tay hoan hô ầm ĩ. Chờ cho dứt tiếng vỗ tay, ông chủ nhà quay sang cha tôi, nói tiếp:
- Sẵn đây tôi xin phép hỏi hai nghệ sĩ cho chúng tôi biết quý danh ông đây, chắc là hai ông có biết chớ?
Bác Tám Danh cười ngất:
- Trời đất, bà con ta chưa biết ông ấy là ai à? Ông đây chính là nhà thơ Nguyễn Bính, tác giả của Lỡ bước sang ngang và lời ca của hành khúc Tiểu đoàn 307 đó.
Có tiếng ồn ào xôn xao của mọi người. Và có người lên tiếng hỏi thêm: “Vậy còn Nguyễn Bính nào là Nguyễn Bính Sang máu. Ngoài Nguyễn Bính Lỡ bước sang ngang và còn có Nguyễn Bính nào khác nữa không?”.
Chờ một lúc, bác Ba Du lên tiếng:
- Còn bà con nào muốn hỏi thêm gì về Nguyễn Bính? Nếu không ai hỏi thêm gì tôi xin phép được tóm tắt để giải quyết thắc mắc của bà con. Ông đây đích thị là nhà thơ Nguyễn Bính sinh ra ở miền Bắc, trước kháng chiến đã có nhiều tập thơ, trong đó có Lỡ bước sang ngang và sau này đi với cách mạng anh sáng tác tùy bút Sang máu, Trường ca Đồng Tháp Mười, Cửu Long Giang, kịch thơ Chiếc áo đêm trăng... và còn nhiều bài thơ nổi tiếng khác đăng trên báo Tổ Quốc. Còn gần đây tôi cũng có nghe loáng thoáng về một nhà nhạc nhà họa chi chi đó cũng lấy tên Nguyễn Bính nhưng đó không phải là nhà thơ Nguyễn Bính của chúng ta. Tôi đề nghị nhà thơ có đôi lời với bà con, xin mời.
Cha tôi đứng lên trong tiếng vỗ tay reo hò phấn khích của bà con. Ông lặng hồi lâu cố kiềm nén cơn xúc động trước tấm lòng yêu mến của mọi người. Với giọng chân thành, ông nói:
- Trước hết xin cảm ơn tất cả bà con cô bác có mặt tại đây, sau xin cảm ơn bác Tám Danh và bác Ba Du đã có mặt kịp thời giúp chúng tôi “gỡ rối”. Để đáp tạ tấm lòng bà con nhân buổi gặp gỡ hôm nay và cũng để thay lời tạm biệt trước lúc chia tay, tôi xin tặng lại bà con một bài thơ kỷ niệm mà tôi mới vừa viết tức thì.
Tiếng vỗ tay lại một lần nữa dậy lên như pháo nổ. Khi cha tôi cất giọng đọc thơ, không khí trở nên yên ắng một cách bất ngờ. Mọi người chăm chú lắng nghe thơ dù họ là những người nông dân tay lấm chân bùn. Rất tiếc bài thơ chỉ có bản duy nhất, cha tôi gửi tặng lại bà con. Theo trí nhớ của bác Hoàng Tuyển, bài thơ đại ý: Sông Thới Bình có chỗ sâu chỗ cạn, khi lớn khi ròng, khi đục khi trong nhưng tấm lòng của bà con Thới Bình với cha tôi trước sau vẫn như một, thủy chung son sắt không bao giờ thay đổi.
Chính phủ Nam kỳ tự trị hiểu được giá trị sức mạnh của thi ca và nhất là cái đầu của tác giả Lỡ bước sang ngang nên tìm cách mua chuộc lôi kéo cha tôi bỏ chiến khu đang quá nhiều khó khăn thiếu thốn để về thành nơi có cuộc sống đầy đủ tiện nghi. Chúng treo giải thưởng nếu ai đem được ông vào thành sẽ được thưởng 1.000 đồng tiền Đông Dương, còn cha tôi tự về thành thì phần thưởng sẽ lớn hơn. Nhiều người viết thư “thuyết khách” không ngừng kêu gọi. Chúng cho máy bay rải truyền đơn suốt trục lộ giao thông: Chắc Băng, Huyện Sử, Thới Bình, Vĩnh Thuận... kêu gọi đích danh ông hãy quay về với chính phủ quốc gia, nhưng cha tôi bỏ hết ngoài tai, chấp nhận chịu đựng cuộc sống gian khó đi theo cách mạng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.