Chaebol Hàn Quốc không thể thay đổi vì nho giáo?

05/03/2017 16:36 GMT+7

Bài viết dưới đây là nhận định của nhà báo chuyên mục Bloomberg View Michael Schuman về tư tưởng Khổng Tử và văn hóa chaebol, hay những tập đoàn do một gia tộc lèo lái vốn là rường cột kinh tế xứ Hàn.

Hồi năm 2006, sau khi ông Chung Mong-koo, Chủ tịch kiêm con trai nhà sáng lập Hyundai Motor, bị bắt vì liên quan đến nhiều vụ bê bối tham nhũng, tôi gọi điện thoại cho một người bạn ở văn phòng quan hệ công chúng của công ty. Anh ấy nhấc máy với giọng hốt hoảng. Anh ấy bảo tôi nếu không có ông Chung đứng đầu doanh nghiệp, hoạt động quản lý nhà sản xuất ô tô lớn nhất Hàn Quốc sẽ rất chật vật.
Lúc đó, tôi xem lời cảnh báo của bạn tôi là nỗ lực để buộc chính phủ Hàn Quốc nới tay với ông Chung (Nếu điều tôi nghĩ là thật, nó đã có hiệu quả: Ông Chung được ân xá hai năm sau đó). Trong 20 năm theo sát các doanh nghiệp gia đình lớn của Hàn Quốc, hay còn gọi là chaebol, tôi nhận ra bạn tôi nói sự thật. Dù nhiều tập đoàn thống trị kinh tế Hàn Quốc phải đối mặt các cuộc điều tra, áp lực từ phía cổ đông nước ngoài và dân chúng, song trừ khi nền văn hóa gắn chặt hoạt động quản lý, nhà đầu tư, cổ đông với hệ thống doanh nghiệp xứ Hàn có thay đổi đáng kể, các chaebol vẫn gần như chắc chắn tồn tại.
Ngay cả vụ bê bối mới nhất trong giới chaebol là việc Phó chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong bị cáo buộc hối lộ cũng không đủ sức mở cửa cho các thay đổi cần thiết. Trong khi đã và đang nỗ lực hiện đại hóa văn hóa doanh nghiệp cũ kỹ của tập đoàn Samsung, ông Lee lại vướng vào vụ bê bối lớn từng khiến Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị luận tội. Những người phê bình chaebol đang kỳ vọng việc buộc tội sẽ đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của ông Lee, giúp Samsung - tập đoàn quan trọng nhất của kinh tế Hàn Quốc - đại tu hoạt động quản lý và dạy cho các ông chủ chaebol khác một bài học.
Thực tế, chuyện này có thể chỉ là thoáng qua. Các cheabol đã và đang đứng vững trước những sự kiện vốn dễ dàng hạ gục doanh nghiệp ở nhiều nước khác. Dù chaebol thường được giao dịch với mức định giá thấp hơn các hãng khác (chẳng hạn như cổ phiếu Samsung Electronics được giao dịch với tỷ lệ giá cả trên thu nhập thấp hơn so với Apple, còn Hyundai Motor có cổ phiếu rẻ hơn so với Ford Motor và Toyota Motor), các cổ đông Hàn Quốc hiếm khi thách thức ban quản trị công ty. Sự bất bình của công chúng đối với hành vi của những người thừa kế chaebol không dẫn đến bất kỳ nỗ lực kiềm chế chaebol hiệu quả nào, hoặc không làm hạ tiếng nói của các gia đình sáng lập trong hoạt động quản lý công ty.
Các sếp chaebol thường được tha tội, cho phép trở lại làm việc ở vị trí cũ như chẳng có gì xảy ra. Lee Kun-hee, cha ông Lee Jae-yong, từ chức khỏi tập đoàn Samsung khi bị kết tội trốn thuế năm 2008 nhưng sau đó được ân xá và phục chức chủ tịch tập đoàn.
Một phần lý do cho những việc này là ảnh hưởng quá lớn của các chaebol trong nền kinh tế Hàn Quốc. Tổng doanh thu của năm chaebol lớn nhất xứ Hàn tương đương 58% GDP nước này năm 2015. Các quan chức chính phủ Hàn Quốc ngại rằng việc làm bất ổn định các chaebol cũng sẽ làm suy yếu nền kinh tế vốn đã gặp khó.
Dù vậy, thiếu sót về mặt chính trị không hoàn toàn giải thích sức sống mạnh mẽ của các chaebol. Chúng ta cần đi sâu vào lĩnh vực văn hóa.
Tôi từ lâu phản đối việc giải thích vấn đề, kết quả kinh tế theo góc nhìn văn hóa. Song trong trường hợp của chaebol, liên kết văn hóa dường như là điều không thể tránh khỏi. Nho giáo vẫn có ảnh hưởng mạnh mẽ tại Hàn Quốc và tư tưởng này nhấn mạnh lòng trung thành với chính quyền. Tại các chaebol, sự tôn trọng, kính nể dành cho các “hoàng đế” được chuyển thành sự phục tùng những nhà sáng lập doanh nghiệp cùng gia đình của họ. Những nhân vật này hiện được đối xử như thành viên hoàng gia.
Tại một số chaebol nhất định, nhiều nhân viên sẵn sàng ca tụng gia tộc sáng lập doanh nghiệp. Tôi từng biết một nhân viên Samsung ca ngợi sự sáng suốt của ông Lee Kun-hee ngang với mức mà truyền thông Triều Tiên ca ngợi lãnh đạo Kim Jong-un. Những gì xảy ra với gia đình thâu tóm chaebol rất giống với những gì xảy ra với một người cai trị đất nước: họ trở thành điểm chú ý, sự hội tụ của lòng trung thành từ giới quản lý cấp dưới.
Mối quan hệ trong hoạt động kinh doanh là cực kỳ quan trọng ở Hàn Quốc (cũng như ở khắp châu Á). Vì thế các cổ đông, chủ ngân hàng và quan chức - những người thường có kết nối lâu dài với giới quản trị chaebol - miễn cưỡng trong việc gây xáo trộn.
Trên lý thuyết, nhiều biện pháp có thể được thực hiện để thay đổi giới chaebol. Giới chức có thể chặt tay hơn với cổ phần chồng chéo phức tạp vốn cho phép gia đình sáng lập thống trị bộ sậu quản lý. Nhà lập pháp có thể tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp khởi nghiệp và công ty nhỏ hơn, thường bị tập đoàn lớn và nhà cung ứng truyền thống của họ chèn ép. Dù người dân có vẻ chán nản với mớ bòng bong của chính trị - doanh nghiệp lớn ở xứ Hàn, song các chaebol sẽ không biến mất cho đến khi giới quản lý, sở hữu và bơm tiền cho nó chấp nhận rằng kinh tế Hàn Quốc sẽ tốt hơn nếu không có chaebol.

tin liên quan

Người thừa kế Samsung sắp bị truy tố
Giới công tố viên Hàn Quốc đang có kế hoạch kết tội ông Lee Jae-yong, Phó chủ tịch Samsung Electronics kiêm người thừa kế tập đoàn Samsung, về tội hối lộ cùng bốn giám đốc điều hành khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.