Chái bếp sau nhà

09/10/2022 07:26 GMT+7

Chái bếp của má là mái ấm của cả nhà, là ký ức đẹp đẽ mà hễ nhớ tới là nôn nao, muốn tìm về. Ở đó, có cái tủ bếp mở cửa là có đồ ăn, có bếp cà ràng sáng chiều đỏ lửa, có bộ ván ngựa nhỏ trên có giăng chiếc võng đươn bằng dây bình bát.

Mấy dòng này là tôi kể về chái bếp của ngày xưa, của hơn hai mươi năm về trước. Hồi đó, tôi chừng 9, 10 tuổi, hay chăn trâu, chạy nhảy ngoài đồng, bờ ruộng nhiều hơn trong nhà. Bắn xong mấy ván đạn keo, thua sạch, mặt xụi lơ, vội đứng lên lấy tay phủi phủi, rồi thì cứ nhắm thẳng chái bếp mà về: “Má ơi, cơm chín chưa, má? Con đói bụng quá hà!”. Tôi cầm tay má đang nêm nếm nồi canh rau đắng đất nấu với cá trê vàng, lay lay hỏi giục. Má sẵn cầm cây vá nêm canh, vá vá trước mặt tôi mà mắng giọng trìu mến: “Tía mày, chín rồi nè ông thần, mau rửa tay chân cho sạch rồi vô phụ má dọn cơm”.

Chái bếp của nhà tôi, và hẳn nhiên cũng là đặc điểm chung của những ngôi nhà quê ở Nam bộ, là “căn nhà thêm” của căn nhà chính. Nơi đó để dành nấu ăn cho khỏi ám khói lên “nhà trên” vì hồi xưa toàn nấu bằng bếp củi. Chái bếp của má tôi lợp bằng lá dừa nước, cột tràm khẳng khiu, sạm đen vì khói củi. Cứ hễ gà vừa gáy sáng, má đã lui cui mồi ngọn đèn hột vịt, lấy nắm lá dừa nhóm bếp lửa đỏ rực. Má vo gạo nấu cơm, chưng mấy con mắm đồng để đem theo ra ruộng.

Mai Đức Trung

Thời đó, má đi cấy lúa mùa, thường là “buổi đứng”, nghĩa là cấy từ lúc trời sáng vừa tỏ mặt người cho tới 2 - 3 giờ chiều, không nghỉ trưa. Vậy nên má phải thức sớm, nấu cơm đem theo. Chẳng đồ ăn ê hề gì, má bới cơm vào lon gi-gô (guigoz), trên có chén mắm chưng, đậy kín. Bấy nhiêu đồ ăn nhưng trưa lại phong phú hơn vì tía má hay nhổ ít rau mác, hẹ nước, bông súng ăn kèm… Nhớ hồi chưa đi học, tía má hay dẫn tôi theo, chạy lấp xấp trên bờ ruộng té lên té xuống, tới bữa cơm thì má biểu lại ăn, dọn dưới gốc mù u ngay mé kinh. Đó cũng là chỗ tôi hay nằm gác chân mà ngủ ngon lành.

Mùa hạn, má ra vạt tràm sau nhà, tỉa tót nhánh tràm và cây tràm đẹt chở về chặt củi. Chái bếp của má lúc nào cũng có dãy củi chất đẹp lắm, gọi là “cự củi”. Chị Ba thì róc lá dừa, bó thành bó lớn, chừng chục bó để dành xài cả năm. Để bó được bó lá dừa đẹp cũng là cả một nghệ thuật, làm sao để lá dừa ken cứng, không sút sổ và đầu cũng phải “bằng thán” như cự củi thì mới đạt yêu cầu. Má tôi kỹ lắm nên dạy chị Ba làm chừng nào được mới thôi. Chị Ba nhờ anh Hai gác mấy cây tràm cứng trên nóc chái, rồi gác bó lá dừa lên. Số củi và lá dừa đó, nhà tôi chụm được qua mùa mưa, hiếm củi.

Cây chổi bếp và cái bợ là hai thứ má tôi tự làm và giữ rất kỹ. Cây chổi bếp má tự chuốt lá dừa, rồi bó bằng dây gân chắc chắn, chắc đến nỗi quét mòn nhẵn mà vẫn không bung. Chiếc bợ nhắc nồi má làm gần chục cái, may tay, vải từ những quần áo rách của cả nhà dạt ra. Má treo rõ ràng: thứ này dùng nhắc nồi có lọ, thứ khác dùng nhắc nồi không lọ (do có vỉ)… Bếp của má lúc nào cũng sạch bóng, dù lúc lót bằng cây sóng lá hay lúc mua được sáu viên gạch tàu.

Má trọng cái bếp như kiểu, có lần con gái má lục đục chuyện chồng con, má đi thăm về, ba hỏi: “Con Ba sao rồi bà?”. Má trả lời mà nước mắt rơm rớm: “Bếp núc lạnh tanh hà, chắc không được rồi ông à!”. Má tôi là vậy đó, ngày hai bữa nhóm lửa nấu cơm không hẳn là để giúp lòng đỡ đói mà còn nhóm lên tình thương yêu, nhóm ngọn lửa của tình thân ái. Chái bếp trong lòng má tôi là biểu thị cho hạnh phúc gia đình, cho bữa cơm ngon, cho tình san sẻ và cả những xót xa cho bất hạnh đời người.

Nơi chái bếp, những bữa cơm đầm ấm ngày tết, những mẻ mứt gừng, mứt chuối cứ tỏa hương, mang hương xuân hương đời lan tỏa. Làm mứt gì thì làm nhưng bao giờ cũng có mẻ mứt khóm. Má nói: “Thằng Út nó ưa ăn!”. “Ưa” là thích, còn thằng Út là tôi đây. Riêng tôi, tôi thích cái xịa má treo phía trên giàn bếp. Đó là nơi má đựng gia vị linh tinh, củ hành, củ tỏi và nhất là khi có củ khoai lùi tro, má để trên đó, dành phần tôi đi học về. Lúc rảnh, má kêu tôi lội đi kiếm lá “thúi địt” (tên dân gian xứ tôi kêu vậy, có tên khác là lá mơ) về làm bánh lá. Đó là thứ bánh rẻ tiền, dễ chế biến nhưng ngon không thể tả với tuổi thơ tôi bởi cái thời nghèo khó, thèm bánh khát trái.

Nhắc chái bếp của má, tôi cũng không làm sao quên được chiếc tủ bếp. Dân thành thị gọi là tủ gạc-măng-giê, phiên âm theo tiếng Pháp, nghĩa là nơi giữ thức ăn. Nhưng má tôi cứ gọi là tủ bếp, gọi với tất cả thương yêu và chân chất của một người phụ nữ Nam bộ. Chiếc tủ bếp giờ má còn xài là bằng cây thao lao, tuổi đời hơn nửa thế kỷ, bây giờ vẫn y nguyên hồi xưa, vẫn có nồi cá kho ăn chưa hết, có chén nước mắm chấm chưa cạn, rồi có hũ cơm mẻ sực nức mùi chua, lỉnh kỉnh chai nước mắm, nước màu…

Chái bếp trong ký ức của người yêu mảnh đất Nam bộ như tôi là có những người phụ nữ yêu thương nhất đời mình. Đó là má tôi, những khi không nấu gì cũng xuống bộ ván ngựa ở chái bếp để nằm võng nghỉ lưng hoặc vá quần áo cho chồng con, sàng sảy gạo cho đừng có thóc, bông cỏ. Là chị Ba, chị Tư, chị Năm tôi hay ngồi trên ngựa cho má chải đầu, má dạy thêu thùa, vá may. Chỗ võng ấy cũng là nơi nuôi nấng tuổi thơ tôi với tiếng ru của má, của chị Ba. Tiếng ru hời bây giờ vẫn trong ký ức tôi đây: “Ầu ơ... Chiều chiều bắt két nhổ lông…” hay là “Ầu ơ... Trồng trầu trồng lộn dây tiêu”... Bây giờ bếp cũ không còn, má cũng già, mấy chị đi lấy chồng, người hạnh phúc, người lận đận.

Chẳng sao đâu, đi đâu thì đi, gian truân cuộc đời thì ai cũng phải trải, nhưng mà chừng nào thấy mệt rồi, khổ đau lắm rồi thì về với má, về với chái bếp nhà mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.