Khởi nghiệp từ 500.000 đồng
"Sinh ra, lớn lên ở cao nguyên đá Đồng Văn. Tôi nhìn xung quanh, đâu cũng chỉ có đá và đá. Người dân vất vả mưu sinh nhưng quanh năm chỉ có ngô ăn", Sùng Mí Phìn nói về tuổi thơ của mình. Anh đã cố gắng học và tốt nghiệp Khoa Giáo dục tiểu học Trường CĐ Sư phạm Hải Dương vào năm 2018. Ra trường, đã đi làm giáo viên nhưng anh luôn trăn trở: "Tại sao mình không tận dụng những tiềm năng của cao nguyên đá để phát triển kinh tế từ du lịch?". Anh quyết định từ bỏ nghề giáo viên, đến
Sa Pa học tiếng Anh và cách làm du lịch. Đêm trước ngày lên đường, khi nghe anh nói ý định, cha anh phản đối kịch liệt. Ông giận dữ ném cái cốc, vỡ toang. Một cuộc tranh cãi dữ dội xảy ra và anh bị dọa sẽ từ mặt nếu không từ bỏ ý định. Sáng sớm hôm sau, khi những dải núi đá còn chìm trong sương, chàng trai người Mông vẫn bỏ nhà lên đường, tìm cách khởi nghiệp. Khi ấy trong túi anh chỉ có 500.000 đồng.
"Tôi quyết định đến Sa Pa để học ngoại ngữ, bởi ở đó có rất nhiều người H'Mông thành thạo tiếng Anh. 20 giờ, tôi mới đến nơi và chỉ dám ăn 1 bát phở sau ngày dài nhịn đói. Tối đó, tôi tìm nhà nghỉ để ngủ với giá 150.000 đồng/đêm. Số tiền còn lại không nhiều, tôi cũng hoang mang lắm", anh Sùng Mí Phìn nhớ lại. Qua YouTube, anh biết đến một trung tâm đào tạo tiếng Anh cho người H'Mông có đam mê làm du lịch ở Sa Pa. Anh liên hệ và may mắn sau khi nghe câu chuyện của anh, người chủ trung tâm đã miễn phí cho anh toàn bộ khóa học. Tại đây anh vừa học vừa xin đi làm, đủ mọi việc như bồi bàn, dọn phòng, lễ tân… để có chi phí và kỹ năng làm du lịch.
Gần 2 năm sau, trình độ tiếng Anh đã tạm ổn và có chút kiến thức về du lịch, anh quyết định về với cao nguyên đá, bắt tay khởi nghiệp. Khi ấy, khách du lịch chỉ đến TP.Hà Giang hoặc đến trung tâm H.Đồng Văn rồi đặt tour đi khám phá. Anh nghĩ, tại sao mình không để du khách được ở chính ngôi nhà của mình để trải nghiệm văn hóa của người bản địa. "Do điều kiện nơi đây toàn đá, rất khó để canh tác, nhưng chúng tôi đã sống ở trên đá qua nhiều thế hệ và biết cách sinh tồn, canh tác tốt trên những hốc đá, bằng những cách đặc biệt. Qua một vài lần tiếp xúc với khách du lịch nước ngoài, họ nói với tôi: "Công việc của các bạn chúng tôi chưa từng nghe nói đến", làm tôi nghĩ ra ý tưởng: Lấy cái khó khăn của mình để làm sự trải nghiệm cho du khách. Tôi muốn làm một homestay theo cách của mình là tận dụng chính cái nghèo để làm giàu và bắt đầu một hành trình mới ở bản làng của mình", anh chia sẻ.
Homestay "lạ" trên núi cao
Khi anh xin cái gian bếp để làm homestay, cha mẹ anh ngơ ngác vì không ai hiểu homestay là cái gì. Cả bản làng anh cũng chưa ai biết làm du lịch cộng đồng là như thế nào. Vì vậy, cha mẹ anh lại quyết liệt phản đối. "Người Mông kiêng kỵ nhiều thứ, nên nếu xin gian chính để làm homestay thì không được. Tôi chỉ xin gian bếp để có chỗ cho khách ngủ, nhưng mẹ tôi bảo: "Bếp phải để đựng ngô, nếu mày muốn lấy thì ra ở riêng luôn đi. Tôi cũng đành chấp nhận", anh Sùng Mí Phìn nhớ lại ngày đầu khởi nghiệp.
Từ gian bếp ấy mà anh đã có một homestay "lạ" trên cao nguyên đá. Gian bếp được anh cải tạo thành nơi ở có 4 giường nằm, đặt tên là "White Hmong homestay", có nghĩa là homestay của người Mông trắng. "Thay vì những căn phòng lịch sự, hiện đại, tôi muốn đưa yếu tố bản địa, văn hóa địa phương vào homestay của mình. Khách đến lưu trú sẽ cùng ăn, cùng ở và cùng làm việc với gia đình. Tôi cũng nói với khách: Đến đây không có gì đâu nhé, chỉ là trải nghiệm cuộc sống của bà con dân tộc. Nhà có cái gì thì ăn cái đó và làm giúp gia đình vì chúng tôi còn đang thiếu người làm", anh chia sẻ. Không ngờ homestay của anh lại gây bất ngờ và thú vị cho khách du lịch. Quá trình ở và dời đi, họ đã đánh giá rất tốt. "Tôi thích cuộc sống như vậy, thiếu thốn, nhưng được trải nghiệm cuộc sống thật của bà con", một vị khách người Pháp đánh giá.
Nhớ lại đoàn khách đầu tiên đặt chân đến nhà mình, anh kể: "Hồi đó, tôi mày mò làm Google Map, đăng ký homestay của mình lên mạng. Thời gian đầu, chưa có khách, nên tôi phải đi dẫn tour ở ngoài để kiếm thêm thu nhập. Một ngày, đang đi tour, mẹ tôi hốt hoảng gọi điện: "Mày đang ở đâu? Khách Tây cứ tìm đến nhà. Mày làm gì, mà sao nay nhà lại toàn người Tây thế?". Lúc đó, anh mừng quýnh vì biết mình đã thành công. Đây cũng là lần đầu tiên khách Tây đặt chân đến bản. Anh nấu cơm đãi khách và để họ sống tự do như ở trong nhà của mình, còn nhờ khách vào bếp cùng, tham gia quét nhà, hái cỏ cho bò, lên các khe đá lấy nước về… "Ban đầu, chỉ vì nhà ít người, nên tôi nhờ khách cùng làm với mình, không ngờ họ lại thích việc đó. Về TT.Đồng Văn, họ kể cho nhau nghe: Trên xã Sà Phìn có cái homestay lạ lắm", anh hạnh phúc chia sẻ.
Mỗi ngày, khách tìm đến đông hơn, bố mẹ anh cũng không phản đối nữa. Mẹ anh phấn khởi ra mặt, vì ngày trước đi cắt cỏ cho bò ăn, mỗi ngày chỉ được 5 bó. Nay có khách đi cùng, mỗi ngày bà có được 20 bó cỏ, lại còn có người mang giúp về tận nhà. Anh ấn tượng nhất với 2 cô gái Mỹ từng ở lại nhà anh để đón tết của người H'Mông. Các cô gái cùng vào bếp làm cơm, gói bánh… để đón năm mới. Họ còn tự tay dán miếng vải đỏ lên cửa nhà anh. "Người H'Mông quan niệm, dán miếng vải này phải là những khách xa lạ và ở thật xa càng đem lại may mắn cho gia chủ", anh kể.
Lan tỏa, gìn giữ văn hóa truyền thống
Giờ đây, anh Sùng Mí Phìn đã có một "homestay nho nhỏ" với 4 - 5 phòng riêng, 1 phòng cộng đồng có sức chứa 30 - 40 khách lưu trú/ngày. Thu nhập từ homestay cho gia đình anh vài chục triệu đồng/tháng. Không chỉ làm giàu trên quê hương, để phát triển du lịch bền vững, anh muốn cộng đồng người Mông biết gìn giữ và lan tỏa văn hóa của đồng bào mình. Vì vậy, anh thành lập dự án Chai"to (tiếng dân tộc là cố lên), tập hợp các thanh niên trên vùng cao nguyên đá, để cùng tham gia phát triển du lịch cộng đồng và lan tỏa bản sắc văn hóa của người vùng cao.
Với dự án này, anh mở lớp dạy cách làm du lịch miễn phí cho thanh niên và tạo việc làm để họ dẫn khách đi tour, kiếm được gần chục triệu mỗi tháng. Đặc biệt, trước tình trạng trẻ em người Mông thường đi theo du khách chèo kéo, xin tiền, anh đã đến các khu du lịch, gom các em lại, mở lớp dạy tiếng Anh, dạy văn hóa miễn phí cho các em. Anh cũng mời các nghệ nhân đến, dạy các làn điệu truyền thống của người Mông, để các em có thể đi biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách. Lớp học của anh đã mở được 2 năm, đào tạo hàng trăm lượt trẻ em, nhất là những dịp hè, lúc đông nhất lên tới 64 học viên. Từ đó, thiếu nhi vùng cao đã trở thành những hạt nhân góp phần giữ gìn, lan tỏa văn hóa truyền thống. Các em còn có thêm thu nhập và tham gia các hoạt động cộng đồng.
Vừa qua, dự án Chai''to của anh Sùng Mí Phìn đã được các chuyên gia đánh giá cao và đạt giải nhì tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo dành cho thanh niên nông thôn lần thứ 6, do T.Ư Đoàn tổ chức.
Bình luận (0)